Các nhà máy gây ô nhiễm bủa vây khu dân cư
Dạo quanh khu vực KCN Liên Chiểu, trên các tuyến đường Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Phước Chu (P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), chúng tôi cảm nhận được sự ngột ngạt, khó thở. Hàng trăm hộ dân đang bị bủa vây bởi hàng loạt nhà máy sản xuất xi măng, thép, cao su, giấy, bia…
Trên đường Nguyễn Văn Cừ có 2 nhà máy của Công ty CP xi măng Ngũ Hành Sơn và của Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân. Xi măng Vicem Hải Vân còn có 2 cơ sở tại đường Nguyễn Phước Chu, nơi hàng trăm hộ dân sinh sống, có trụ sở hành chính xã, 2 trường mầm non và tiểu học.
Các cơ quan, trụ sở, nhà ở của người dân 2 bên đường đều khép cửa cả ngày lẫn đêm để hạn chế khói bụi, giảm tiếng ồn. Các cơ sở kinh doanh, buôn bán luôn trong tình trạng ế ẩm vì khói bụi, tiếng ồn, mùi hôi.
Tiếp xúc thấy nhiều người mệt mỏi, yếu ớt hay đang nằm viện điều trị, chúng tôi liên cảm nhận được về ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn; mùi hôi thường xuyên mà bà con phải gánh chịu bấy lâu.
Hàng ngày, người dân liên tục phải lau chùi lớp bụi bẩn xi măng, bụi đất từ hoạt động các nhà máy xi măng.
Bờ tường mặt tiền, cây xanh, nền sân nhà dân và các công trình, trụ sở luôn phủ một lớp bụi xi măng, bụi đất dày, màu trắng đục, đen… Bà Hồ Thị Nga (60 tuổi), Tổ phó tổ 17 (P.Hòa Hiệp Bắc) cho biết: “Ô nhiễm diễn ra từ hàng chục năm nay. Chính quyền, nhân dân đã nhiều lần yêu cầu, đề nghị các nhà máy khắc phục, có biện pháp giảm thiểu nhưng kết quả không khả quan. Xi măng Ngũ Hành Sơn gây ô nhiễm trầm trọng hơn do hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ, dây chuyền sản xuất đã hoạt động lâu, quá cũ kỹ”.
Bà Trần Thị Tơ (SN 1960, ngụ tổ 9, P.Hoà Hiệp Bắc) bày tỏ: “Mùi hôi từ các nhà máy rất nghiêm trọng. Ban ngày thì ít hôi nhưng ban đêm chịu không nổi, nhất là vào khoảng 9 - 11 giờ tối. Bà con báo với phường và sau đó thì ít thấy khói đen xả lên nhưng hôi vẫn không khắc phục được”.
"Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!"
Năm nào người dân cũng kêu than, phản ánh ô nhiễm, các cơ quan chức năng đều kiểm tra, đánh giá, giám sát và có kết luận đảm bảo yêu cầu. Các kết quả thử nghiệm cho thấy, việc sản xuất của nhà máy và công tác bảo vệ môi trường trong giới hạn cho phép nhưng thực tế thì gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc, liên tục khiếu kiện, khiếu nại.
Thông thường khi người dân phát hiện sự việc thì điện báo và sở, ngành, chính quyền địa phương cử lực lượng đến nhưng tại thời điểm kiểm tra, các nhà máy hoạt động cầm chừng, không xả thải hoặc không xảy ra sự cố trong quá trình vận hành nên việc “bắt quả tang” rất khó.
Nhà máy xi măng của Công ty CP xi măng Ngũ Hành Sơn hoạt động gây ô nhiễm khiến người dân rất bức xúc.
Ông Bùi Nguyễn Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Bắc khẳng định: “Ô nhiễm môi trường của các nhà máy ở KCN Liên Chiểu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân diễn ra hàng chục năm qua. Chính quyền, ngành chức năng và người dân nhiều lần kiến nghị, kiểm tra, giám sát nhưng chưa được giải quyết dứt điểm”.
Ông Võ Khoa Nguyên - Chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Bắc cho biết: “Thực trạng ô nhiễm còn gây nguy cơ phát sinh bệnh tật rất cao. Cử tri luôn quan tâm và cần giải quyết triệt để, tránh phát sinh các điểm nóng gây mất an ninh, TTATXH. Đề nghị các cấp, cơ quan chức năng sớm kiểm tra, xử lý và trả lại môi trường trong sạch cho người dân”.
Ông Hồ Xuân Thu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân cho biết: “Công ty luôn đặt công tác bảo vệ môi trường lên hàng đầu… Thi thoảng nhà máy có phát tán bụi là do sự cố thiết bị tại lọc bụi phân li động, không hút được bụi khiến bụi bay ra môi trường. Đây là trục trặc do sự cố ngoài ý muốn, chúng tôi thành thật xin lỗi và cam kết khắc phục”.
Nhà máy cơ sở 2 của Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân ở ven biển đã có trong phương án di dời để phục vụ dự án Cảng Liên Chiểu.
Lãnh đạo Công ty CP xi măng Ngũ Hành Sơn cũng giải trình về tình trạng gây ô nhiễm: “Do đặc thù của sản xuất xi măng rất khó thực hiện vệ sinh mặt bằng triệt để, có những khu vực không thể che đậy kín vì phải để cho thoát khí nên gặp gió lớn dễ phát sinh bụi. Quá trình sản xuất vẫn còn những tồn tại, hạn chế có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Công ty đang khắc phục bằng cách tưới nước, quét dọn thường xuyên đường nội bộ; đường quốc lộ; sắp xếp gọn, che chắn mặt bằng, kho nguyên liệu; bảo dưỡng hệ thống hút bụi; làm bê tông hóa các mặt bằng sân bãi; nghiêm cấm các xe chở hàng vào công ty chạy ngược chiều”…
Người dân cho biết không thể tiếp tục sống trong tình cảnh bị ô nhiễm, bị đầu độc lâu dài được. Khoảng cách từ các nhà máy ở trong KCN Liên Chiểu và khu vực bờ biển đến khu vực dân cư rất gần, có nơi chỉ cách 100 – 200m...
Nhà ở, cơ sở làm ăn, kinh doanh… của người dân khu vực này thường xuyên đóng cửa cả ngày lẫn đêm, chỉ mở cửa khi ra vào.