Thăm cây thị hơn 300 tuổi của anh hùng Thân Trọng Một

Thứ Sáu, 12/02/2016 16:24  | Hoàng Quân

|

(CAO) Hứng chịu nhiều bom đạn hủy diệt trong chiến tranh, nhưng cây thị cổ thụ của dòng họ Thân Văn tại Huế vẫn trường tồn, sừng sững giữa phong ba bão táp.

Cây cổ thụ gắn liền với tuổi thơ, quá trình cách mạng của đại tá, anh hùng Thân Trọng Một – người lãnh đạo tài ba của quân đội ta. “Cụ” Thị được tôn vinh như vị thần đã che chở, bao bọc cho dân làng cả trong kháng chiến và trong thời bình.

“Cụ” Thị độc nhất vô nhị

Nếu có dịp đến Huế, sau khi đã thăm quan các danh lam thắng cảnh, các đền đài, di tích, lăng tẩm…, du khách từ kinh thành Huế hãy ngược lên phía tây, theo con đường Điện Biên Phủ khoảng 2 km rồi rẽ vào đường Thích Tịnh Khiết, đi thêm khoảng 500m nữa là đến ngôi làng Dương Xuân Hạ (tổ 18, khu vực 5, phường Thủy Xuân, TP.Huế).

Nơi đây có khung cảnh nên thơ, hữu tình với nhiều chùa cổ, những ngôi nhà rường xinh xắn. Nơi đây còn có ngôi từ đường của phái Thân Văn là khu nhà thờ gồm hai căn với kiến trúc độc đáo, họa tiết tinh tế. Trước từ đường có một cây thị khổng lồ hiếm nơi nào có được.

Ông Thân Văn Hoàng Long (75 tuổi, người được họ phái tin tưởng giao trông coi từ đường) ân cần đón khách. Chúng tôi ngỏ ý tìm hiểu “cụ” Thị, ông Long bảo để xin phép tổ tiên, dòng họ.

Rồi ông từ tốn vào từ đường, thắp nén hương, kính cẩn cúi đầu về việc có khách đến thăm và mong được các ngài quan tâm, chiếu cố. Bên cạnh đó là bàn thờ “cụ” Thị. Chậm rãi ra gốc thị, ông Long dâng nén hương, miệng lẩm bẩm báo cáo có người đến thăm. Tóc ông bạc phơ, dáng thanh mảnh, mặt hiền từ, ánh mắt trìu mến đứng bên cây cổ thụ.

Ông Thân Văn Hoàng Long bên cạnh cây thị khổng lồ- Ảnh: Hoàng Quân 

Khung cảnh ấy giống như ông Bụt trong trí tưởng tưởng của tuổi thơ. Chúng tôi cũng chắp tay tỏ lòng thành kính trước cây cổ thụ vốn được người dân địa phương và bà con họ tộc Thân Văn xem như một vị thần linh thiêng.

Dưới gốc cây thị là tấm bia công nhận cây thị là Cây di sản Việt Nam. Bia bằng đá kim sa đen, khắc chữ chìm in nhũ vàng. Cây thị được các chuyên gia khảo sát, tính toán rất chi tiết: cao 25m; thân cây tại tọa độ cao cách mặt đất 1,3m có chu vi 4,2m, đường kính 1,4m; chu vi bạnh vè hơn 10m.

Cây phát triển xanh tốt, tháng 5 ra hoa, mùa hè ra trái. Lõi cây có một phần bị thối rỗng do mảnh bom găm vào khiến chồi chính của cây bị hư hại.

Ông Long kể về sự ra đời, phát triển của cây thị cổ thụ, gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, hoạt động cách mạng của phái Thân Văn, của nhân dân địa phương và bộ đội ta - đầy đau thương, biến cố nhưng rất hiên ngang, oai hùng.

Họ Thân vốn có nguồn gốc ở tỉnh Bắc Giang. Vào thế kỷ 14, ngài thủy tổ Thân Đại Lang cùng gia đình được cử đi về phương Nam theo chính sách mở cõi của vua nhà Trần rồi dừng chân, định cư tại làng An Lỗ (xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế).

Các đời con cháu tách ra, sinh sống ở các nơi khác. Phái Thân Văn ở làng Nguyệt Biều (phường Thủy Biều, TP.Huế) do ngài Thân Văn Thẩm (1671 – 1758) khai canh. Cụ Thẩm dạy học, đem hạt cây thị từ làng Nguyệt Biều đến nơi định cư mới là Dương Xuân Hạ trồng vào năm 1698 để làm mốc địa giới, đánh dấu mốc thời gian phái họ định cư. Đến nay cây thị đã sống 317 năm.

GS.NGƯT Thân Trọng Ninh, bậc cao niên họ Thân Văn lý giải việc ngài khai canh trồng cây thị vì đây là loài cây quý hiếm. Ngoài việc đánh dấu mốc thời gian phái họ định cư tại đây thì các bộ phận của cây có nhiều tiện lợi, tác dụng như quả dùng để ăn, làm thuốc an thần và tẩy giun. Hạt dùng làm trà uống để giữ sắc đẹp. Vỏ, rễ chữa nôn ói, chữa các vết loét. Gỗ dùng làm điêu khắc, viết bảng chữ in để lưu trữ trong các bảo tàng vì có độ dẻo, mềm, không vênh, tráng và mối mọt.

Cây thị thời điểm được vinh danh, gắn bia Cây Di sản Việt Nam- Ảnh: Hoàng Quân 

Một bia ký đã được dựng ở gốc cây vào ngày 12-3-2009 (ngày 16-2 năm Kỷ Sửu), là ngày tảo mộ hằng năm của phái Thân Văn. Ngày 5-11-2010, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam long trọng tổ chức lễ công nhận và gắn bia cây Di sản Việt Nam cho cây thị cổ thụ. Đây là cây Di sản đầu tiên được vinh danh tại Huế.

Cây di sản – chứng nhân của những trang sử vàng

“Cụ” Thị là tài sản của họ Thân – một dòng họ thuộc “danh gia vọng tộc”, đóng góp nhiều hiền tài, danh nhân qua các thời đại mà lịch sử song hành với 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tiêu biểu là gia đình nhà văn hoá lỗi lạc Thân Nhân Trung (1418-1499) có 4 người đỗ tiến sĩ. Ông từng giữ chức Thượng thư Bộ Lại, Phó soái Hội Tao Đàn thời vua Lê Thánh Tông, là người được chọn viết bài văn trên tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám với câu trở nói bất hủ và có giá trị trong công cuộc phát triển đất nước: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”.

Tiếp nối là gia đình tiến sĩ Thân Khuê (1593-1638, quê Bắc Giang), ba đời đều đỗ tiến sĩ và là nhà ngoại giao giỏi. Thân Văn Nhiếp (1804-1872) và con trai Thân Trọng Huề (1869-1925) đều làm quan triều Nguyễn, yêu nước, chống Pháp xâm lược.

Thân Trọng Huề giữ chức Thượng thư Bộ học kiêm Bộ Binh, góp phần cải cách thi cử, trọng thực học; đặc biệt ông đã buộc hính quyền của Pháp ở Đông Dương phải ký vào văn kiện công nhận lãnh tchổ Việt Nam bao gồm quần đảo Hoàng Sa.

Phò mã Thân Trọng Di (1825-1885) lấy công chúa Mai Am (con vua Minh Mạng) chứng tỏ tinh thần yêu nước, chống giặc bằng việc rời kinh thành Huế, theo vua Hàm Nghi và bị mất tích trong hành trình gian nan tìm lập căn cứ chống Pháp.

Tấm bia cây thị được thờ cúng trang trọng trong từ đường phái họ Thân Văn- Ảnh: Hoàng Quân 

Đặc biệt là đại tá Thân Trọng Một (tên thật là Thân Trọng Thoan, SN 1921) - huyền thoại sống trong suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Ông sớm tham gia cách mạng, trải qua các chức vụ: Tiểu đoàn trưởng, Trưởng ban dân quân, Phó tham mưu trưởng Phân khu Trị Thiên, Chỉ huy trưởng Đoàn 5, nhiều năm giữ chức Thành đội trưởng, quân hàm đại tá.

Năm 1977, ông là Chủ nhiệm Công ty Hải sản Bình Trị Thiên. Trước đó ông được học ngành kỹ sư ngành trông trọt và chăn nuôi ở Ấn Độ. Năm 1983, ông nghỉ hưu và mất lúc 73 tuổi vào năm 1993 sau một cơn đau tim dữ dội.

Nói đến Thân Trọng Một là nói đến lòng dũng cảm với vô số huyền thoại đánh giặc, như “đánh độn thổ, đánh vỗ mặt, đánh bất ngờ”, “lính ông Một”. Mỗi trận đánh do ông chỉ huy là một kỳ tích của chiến tranh nhân dân. Huế tự hào, vinh dự có Thân Trọng Một.

Ông được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương và năm 1986, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Cấp dưới của ông, nhiều người cũng là Anh hùng LLVT nhân dân như: Trần Phong, Nguyễn Văn Thái, liệt sĩ Nguyễn Viết Phong… Tháng 6-1999, tên ông được đặt cho con đường nằm bên phải chợ Tây Lộc (phường Tây Lộc, TP.Huế).

Cuộc sống của “cụ” Thị gắn liền với tên tuổi của người anh hùng này. Ông sinh ra và lớn lên trong sự bao bọc, chở che của cụ Thị và khi qua đời, ông cũng được thờ bên cạnh cây thị.

Qua bao đau thương vẫn không lụi tàn

Ông Long cho biết, từ đường của phái họ cũng như cây thị đã trải qua nhiều biến cố lớn. Ngày 23-5 Ất Dậu 1885, ngày Kinh đô Huế thất thủ, Pháp chiếm đóng nhà thờ họ Thân Văn làm vệ tinh quân sự khống chế một vùng rộng lớn, bảo vệ cho đồn Nam Giao, kinh thành Huế.

Một thời gian ngắn, giặc Pháp rút đi thì từ đường trở thành tro bụi… Ít năm sau đó, từ đường họ Thân lại được xây dựng quy mô hơn.

Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, nhà thờ họ Thân là căn cứ cách mạng, một trong những trung tâm đầu não, nơi truyền đi các mật lệnh chỉ huy đánh chiếm giải phóng TP.Huế.

Ông Hoàng Long bồi hồi: “Anh Thân Trọng Một lúc đó làm chỉ huy trưởng Đoàn 5, đơn vị có nhiệm vụ đánh vào nội thành Huế. Cạnh cây thị có một cái khe tựa giao thông hào được tán cây thị phủ kín nên anh Một chọn để tập trung lực lượng, họp bàn phương án tác chiến, tấn công.

Biết có bộ đội hoạt động ở cây thị, địch dùng máy bay thám thính dò la và phát hiện ra nơi ẩn nấp. Chúng thả một loạt đạn pháo làm gãy hết các nhánh chính và toàn thân cây cháy đen. Một mảnh đạn pháo cắm sâu vào thân. Mọi người ai cũng nghĩ cây sẽ chết, nhưng chẳng bao lâu sau cây lại đâm chồi, nảy nhánh và phát triển. Vết đạn hiện vẫn còn hằn sâu và khoét một lỗ hổng tại thân cây. Nhiều đơn vị khác khi hành quân qua đây đều dừng lại nghỉ chân và cũng là nơi đưa tiễn hàng trăm thanh niên lên đường nhập ngũ”.

Sau 26 ngày đêm Quân giải phóng làm chủ thành phố thì đến lúc phản công của Mỹ - ngụy. Từ đường họ Thân là tiêu điểm cho việc tập trung bắn phá. Ông Long kể: “Máy bay thám thính lượn đảo nhiều vòng trên không bỗng nhiên một quả khói màu định vị, sau đó là các phương tiện hiện đại trút xuống khu vực vô số bom napalm, đạn pháo, rocket. Làng mạc, nhà thờ họ cày xới tan hoang, trở thành vùng đất cháy rộng lớn. Hai cây cổ thụ xanh tươi tràn đầy nhựa sống sau trận mưa bom bỗng chốc tan tành. Cây mít biến mất hoàn toàn, cây thị chỉ còn trơ gốc”.

Được gia đình Thân Trọng Một và bà con địa phương chăm sóc, cây thị hồi sinh và sừng sững hiên ngang giữa vùng lửa đạn. Sau giải phóng, mọi người trở về quê gây dựng lại cuộc sống.

Bà con họ Thân xây dựng lại từ đường và anh hùng Thân Trọng Một được giao trọng trách. Điều đáng mừng là cây thị đã hồi sinh, đâm chồi nảy lộc cành lá sum suê, đáp ứng được sự mong mỏi của bà con họ tộc và dân địa phương.

Hiện lõi cây thị bị khoét một phần lớn do bom đạn găm vào - Ảnh: Hoàng Quân 

Cây thị đã được chứng kiến biết bao thăng trầm của đời sống. Không chỉ gắn bó với các thế hệ gia đình anh hùng Thân Trọng Một, nó còn che chở cho nhân dân địa phương. Thuở thơ ấu cũng như đến lúc trưởng thành, nhiều cuộc hội ngộ, chia ly đều diễn ra ở gốc thị... Biết cây linh thiêng, trẻ em nghe lời người lớn nên không leo trèo mà chỉ chơi xung quanh gốc. Bà con địa phương cũng không dám xâm phạm, có hành động nào thô lỗ với “cụ” Thị.

Nay cây thị được vinh danh cây di sản là phần thưởng xứng đáng cho sức sống mãnh liệt, công sức chăm sóc và bảo vệ của bà con họ Thân và nhân dân địa phương. Hãnh diện làm sao khi đã trải qua bao bom đạn hủy diệt, cây thị vẫn phát triển mạnh mẽ.

Ông Thân Văn Hoàng Long chia sẻ: “Sự vinh dự này gắn liền với trách nhiệm nặng nề. Bởi vậy, quy ước của dòng họ và trong thâm tâm mỗi người họ Thân Văn chúng tôi phải ra sức chăm sóc, bảo vệ tính mạng “cụ” Thị, tránh khỏi sự tàn phá của thiên nhiên, môi trường và con người để “cụ” trường thọ.

Đây là động lực để con cháu đoàn kết, phấn đấu vươn cao, trau dồi tài năng trí tuệ, đạo đức trong công cuộc phát triển đất nước”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang