“Những điều trong thấy mà đau đớn lòng”
Trong năm 2015, có hai vụ giết voọc chà vá chân nâu đã gây phẫn uất trong dư luận nhân dân, đặc biệt với những người yêu quý “nữ hoàng linh trưởng”.
Ông Trần Văn Thanh- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn, ngày 30-3-2015, khi ông chuyển về làm hạt trưởng đúng ngày đầu tiên thì phát hiện nhóm đối tượng quê Nghệ An xâm nhập vào rừng bẫy bắt voọc chà vá chân nâu.
Tang vật thu giữ gồm 3,1 kg xương động vật hoang dã. Sau đó, đơn vị trưng cầu giám định tại Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật, kết quả cho thấy đó chính là xương của voọc chà vá chân nâu, loại động vật đặc biệt quý hiếm.
Với trọng lượng như thế gồm bao nhiêu cá thể thì không thể biết được, vì chỉ xương chi rất nhỏ, nhưng ít nhất là của hai cá thể voọc chà vá chân nâu. Hạt khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ, đối tượng cho công an quận Sơn Trà điều tra làm rõ.
Các cá thể voọc trên bán đảo Sơn Trà. - Ảnh: Xuân Hoài
Vụ thứ hai xảy ra vào ngày 2-9-2015, đơn vị nhận thông tin người dân cung cấp có một cá thể voọc bị bắn trọng thương. Đơn vị bố trí lực lượng tiếp cận hiện trường, tiếp nhận một cá thể voọc chà vá chân nâu bắn bị thương. Do vết thương quá nặng nên cá thể voọc này không qua khỏi. Hạt phối hợp với đơn vị kỹ thuật hình sự CATP. Đà Nẵng và cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi voọc cho thấy bị bắn, đa chấn thương do rơi từ trên cao xuống đất.
Trưng cầu giám định Viện Sinh thái Tài nguyên xác định là cá thể voọc chà vá chân nâu- động vật nhóm 1B-ưu tiên bảo vệ. Hạt cũng đã khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ cho công an quận Sơn Trà điều tra làm rõ.
Theo ông Thanh, tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà thì loài voọc chà vá chân nâu là đối tượng ưu tiên bảo vệ số một. Bởi vậy, đơn vị luôn tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng cho người dân. Bên cạnh đó hạt cũng tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên tuần tra kiểm soát, răn đe, xử lý nghiêm những ai có dấu hiệu, hành vi phá rừng, săn bắn động vật quý hiếm.
“Hiện bán đảo Sơn Trà có nhiều đơn vị cùng tham gia trên đảo, như BQL Sơn Trà khai thác các tour, tuyến du lịch tham quan, khám phá và người dân được tự do lên đây tham quan, hơn nữa trên bán đảo có nhiều đơn vị, trong đó có an ninh quốc phòng nên công tác quản lý gặp nhiều vướng mắc.
Lực lượng mỏng, dự án thì không có nhiều nên gặp không ít khó khăn”, ông Thanh phân trần.
“Người dân, du khách chỉ đi ngắm theo tuyến giao thông hiện tại, không đi vào rừng, không có hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt với loài voọc chà vá chân nâu sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Thanh khuyến cáo.
Bảo tồn và phát huy giá trị voọc- hướng nào hợp?
Vấn đề đặt ra hiện nay, là Đà Nẵng có một khu bảo tồn thiên nhiên là bán đảo Sơn Trà tuyệt đẹp, quý hiếm ngay trong lòng thành phố như vậy thì việc bảo vệ và khai thác lợi thế này như thế nào, đặc biệt với loài voọc chà vá chân nâu, là điều khiến địa phương, cơ quan chức năng hết sức lưu tâm, dường như chưa có lời giải tối ưu.
Theo GreenViet, cần thực hiện dự án tuyên truyền, bảo vệ voọc chà vá chân nâu vì nguy cơ tuyệt chủng rất cao như sống tách biệt, quá trình phát triển kinh tế xã hội, vấn đề vệ sinh môi trường… Nhưng trái lại, công tác tuyên truyền người dân bảo vệ loài voọc cực kỳ quý hiếm này rất thuận lợi vì không có chỗ nào dễ quan sát, có điểm nhấn như ở Sơn Trà.
“Sứ mệnh của chúng tôi bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ bền vững nên chọn Đà Nẵng, có khu rừng ngay trong lòng phố sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho công tác truyền thông, giáo dục. Khi thành công thì hiệu ứng rất cao cho những điểm bảo tồn khác”, chị Trang nhấn mạnh.
Phụ trách mảng truyền thông, từng đưa nhiều đoàn học sinh lên ngắm voọc, tìm hiểu về voọc nên chị Trang nhận thấy khi các em học sinh, sinh viên tiếp cận, hiểu hơn về voọc thì trong tâm tính của các em đã thay đổi cách suy nghĩ, có ý “hướng thiện” nhiều hơn. Không chỉ thế, kể cả người lớn cũng đã nghĩ khác sau khi thấy được “nữ hoàng linh trưởng”.
Khu vực bán đảo Sơn Trà tuyệt đẹp. - Ảnh: Xuân Hoài
“Có lần, bác tài xế chở các em đi ngắm voọc, đang trên đường đi, bác ấy cứ hay đề cập, hỏi đến chuyện về giá trị con voọc như thế nào, xương voọc có nấu cao được không, hiệu quả không? Đến khi thấy voọc bác ấy lại òa lên: Tui ở Đà Nẵng hàng chục năm, có nghe nói về loài voọc này, không ngờ nó lại đẹp thế này, được tận mắt chứng kiến thấy thật thú vị. Và, trên quãng đường về, bác ấy không còn nói đến những câu chuyện như trên đường đi, và luôn miệng khen voọc đẹp, voọc thú vị.
Chính việc tận mắt chứng kiến voọc chà vá chân nâu đã thay đổi cách suy nghĩ của bác ấy. Đó cũng chính là đích đến của GreenViet”, chị Trang nói.
Tuy nhiên, điều mà GreenViet đang rất âu lo là việc ý thức vệ sinh môi trường của người dân, du khách khi đi tham quan bán đảo Sơn Trà vẫn còn rất hạn chế. Nhiều người còn vứt rác bừa bãi, thức ăn thừa không bỏ vào thùng rác mà “thả” khắp nơi chính là nguồn cơn lây bệnh cho các loài động vật nói chung, trong đó lây lan cho loài voọc là không thể tránh khỏi. Không những thế, nó còn “lây” ngược lại cho con người.
GreenViet đã tổ chức nhiều đợt nhặt rác, tuyên truyền nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, kể cả phía BQL cũng có đội ngũ thường xuyên đi nhắc nhở du khách bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường nhưng ý thức vẫn chưa nâng cao. Đây là vấn đề âu lo không hề nhỏ.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Phó BQL BĐ Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cũng rất trăn trở về việc khai thác du lịch như thế nào cho hiệu quả tại BĐ Sơn Trà, đặc biệt với loài voọc chà vá chân nâu nhưng phải đảm bảo vấn đề bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này.
“Nhiều lúc chúng tôi cũng đã suy nghĩ, đề cập đến việc mở “tour ngắm voọc” nhưng phải hết sức thận trọng. Liệu khai thác tour đó có ảnh hưởng đến sinh thái, môi trường sống, tâm tính… của voọc hay không là vấn đề đang bàn. Ở đây việc khai thác du lịch chưa nói đến vấn đề lợi nhuận, nhưng thông qua đây để tuyên truyền bảo vệ loài voọc quý hiếm này cũng là một kênh khá tốt”, ông Vũ đề cập.
Theo ông Vũ, trước mắt phối hợp với cơ quan chức năng, tổ chức bảo vệ, tuyên truyền mọi người chung tay bảo vệ, giữ gìn bán đảo Sơn Trà. Khi vấn đề về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo, có cơ chế chính sách phù hợp thì sẽ tính đến việc khai thác “tour ngắm voọc” như thế nào cho hiệu quả nhất”, ông Vũ nhấn mạnh.
Vấn đề đặt ra, cần tìm giải pháp trung hòa giữa bảo tồn và phát triển (khai thác du lịch) về voọc chà vá chân nâu tại Đà Nẵng. Điều đặc biệt Đà Nẵng giữ được BĐ Sơn Trà, một khu rừng tuyệt đẹp trong lòng thành phố thì voọc cũng được “ăn theo”.