Học trực tuyến ở ĐBSCL: Thiếu thiết bị lẫn internet

Thứ Sáu, 17/09/2021 12:39  | Thiện Thảo

|

(CATP) Sau thời gian khai giảng năm học 2021 - 2022, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp không ít khó khăn do thiếu trang thiết bị lẫn mạng Internet. Mỗi địa phương kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ nhưng cũng gặp khó khăn bởi thời gian dài, nhiều doanh nghiệp (DN) không sản xuất kinh doanh thì lấy đâu ra tiền để tài trợ.

Khó khăn bộn bề

Do dịch Covid-19 bùng phát, các tỉnh ĐBSCL tổ chức cho học sinh (HS) học trực tuyến. Theo thống kê sơ bộ của các địa phương, mỗi tỉnh có hàng trăm đến cả nghìn HS gặp khó khăn do thiếu thiết bị lẫn mạng Internet. Ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Cà Mau, cho biết toàn tỉnh có hơn 10.000 hộ khó khăn cần hỗ trợ, trong đó 500 HS hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Sau khi khảo sát, sở đã vận động tài trợ được 500 điện thoại thông minh (ĐTTM) kết nối sẵn Internet để hỗ trợ những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này, tiền Internet cũng được nhà mạng hỗ trợ hết học kỳ. Điều đáng lo là nhu cầu nhiều nhưng khả năng có hạn...

Báo cáo của Sở GD-ĐT Kiên Giang, toàn tỉnh có khoảng 100.000 HS chưa có thiết bị học trực tuyến. Cụ thể, cấp tiểu học (TH) có hơn 86.700 em, cấp trung học cơ sở (THCS) trên 29.100 em và trung học phổ thông (THPT) hơn 2.400 em. Sở GD-ĐT Vĩnh Long có gần 2.400 HS thuộc diện hộ nghèo, gần 6.500 em diện hộ cận nghèo và hộ khó khăn.

Địa phương đang hỗ trợ, giúp các em phần nào trong năm học mới. Thời gian tới, các sở GD-ĐT tiếp tục rà soát các trường hợp HS có hoàn cảnh khó khăn và vận động nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ cho các em, bảo đảm không có em nào không thể tham gia học vì hoàn cảnh khó khăn.

Ông Trần Hồng Quân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - tặng điện thoại thông minh kèm sim 4G cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Đồng Tháp hiện có khoảng 35.000 HS, học viên (HV) bậc TH, THCS, THPT thiếu thiết bị học trực tuyến. Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cho biết, ngày 20-9 tới đây, HS các cấp sẽ bước vào thực học trực tuyến niên khóa 2021-2022. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh có 78.725 học sinh TH, THCS, THPT chưa có thiết bị học trực tuyến (21,73%). Trong số này, 12.000 em thuộc hộ nghèo, 20.000 em thuộc diện cận nghèo và 3.000 em thuộc diện khó khăn cần được hỗ trợ trang thiết bị học trực tuyến.

Tỉnh Long An có 101.256 HS từ cấp TH đến THPT (chiếm 42%) không có khả năng mua sắm máy tính, máy tính bảng, tivi; trong đó, 2.803 em thuộc hộ nghèo, 5.675 HS thuộc hộ cận nghèo và 92.778 em thuộc đối tượng khác. Ngành GD tỉnh Long An cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là cấp THPT, giáo dục thường xuyên, khi các em bắt đầu năm học mới với hình thức học trực tuyến từ ngày 20-9-2021. Cụ thể, với cấp học này, toàn tỉnh có 2.285 em không có thiết bị phục vụ việc học; trong đó, 57 em thuộc hộ nghèo, 102 em hộ cận nghèo và 2.126 HS thuộc đối tượng khác.

Ghi hình giáo viên giảng bài học trực tuyến tại TP.Long Xuyên, An Giang

Phụ huynh bất lực

Hầu hết HS vùng sâu, vùng xa hoặc con em của công nhân (CN) ở các thị xã, thành phố gặp khó khăn do thiếu trang thiết bị học tập. Suốt thời gian dài không việc làm, kinh doanh đình trệ nên nhiều người gặp khó khăn về kinh tế. Phụ huynh ở vùng sâu vùng xa cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, cơm còn không đủ ăn thì kiếm đâu ra tiền mua thiết bị học trực tuyến cho con, cả phí nối mạng.

Tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), điều tra sơ bộ trước ngày khai giảng cho thấy có hơn 2.000 HS các cấp thiếu thiết bị để học online. Chị Trần Phương Thúy (ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) ngậm ngùi: "Mấy ngày nay, thấy con trai đòi học trực tuyến mà rơi nước mắt. Vợ chồng tôi hứa thu hoạch vụ tôm này sẽ mua ĐTTM cho cháu nhưng tôm có ai mua đâu. Cả xóm này, ai cũng phải chật vật lo cái ăn...".

Tương tự, nhiều CN thú thật không có khả năng cho con học trực tuyến. Chị Lê Thị Huệ (ở TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) rời quê lên làm CN ở Cao Lãnh. Mùa dịch Covid-19, suốt 3 tháng nay vợ chồng chị không có việc làm, chủ nhà trọ thông cảm giảm tiền thuê 50% nhưng chị Huệ thú thật vẫn không có khả năng thanh toán và buồn bã tâm sự: "Con tôi năm nay lên lớp 4, phải học online nhưng điện thoại "cùi bắp" không tải phần mềm về học được. Nhà trường đến ghi danh sách nhưng chưa biết đến bao giờ mới hỗ trợ được".

Tại các huyện đảo, tình trạng học trực tuyến cũng dở khóc dở cười. Ngoài thiếu thiết bị và mạng Internet, còn thiếu... điện! Tại Trường THCS An Sơn, huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang có 2 cấp học: lớp 9 gồm 45 em, lớp 12 có 28 em, trong đó còn khoảng 10 em chưa có thiết bị thông minh để tham gia. Ngoài đảo, mạng Internet yếu nên nhà trường sử dụng ứng dụng Google meet để dạy.

Điều đáng nói ứng dụng Google meet thì tạm ổn nhưng nếu sử dụng zoom hay hệ thống K12online thì rất yếu, mạng chập chờn không dạy và học được. Một lãnh đạo nhà trường cho biết: "Khó khăn nhất trên xã đảo là nguồn điện, vì sử dụng từ máy phát điện nên điện bị cúp luân phiên. Trước mắt, với những em không tham gia học trực tuyến, trường sẽ giao bài trên nhóm Zalo và tới đây sẽ cho các em đến trường học trực tiếp, chia lớp nhỏ thành 2-3 nhóm".

Gỡ khó cho người dân

Trước khó khăn trên, ngoài việc các địa phương vận động nhà hảo tâm tài trợ, Thủ tướng đã phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em", lãnh đạo ngành GD cũng có nhiều sáng kiến gỡ khó cho người dân. Sở GD-ĐT Kiên Giang cho biết, bậc TH hiện chưa áp dụng dạy online. Với HS lớp 9 và lớp 12, nhà trường hướng dẫn các em liên hệ bạn học gần nhà để cùng học tập. Giáo viên (GV) chủ nhiệm tổng hợp tài liệu từ GV bộ môn, phối hợp với chính quyền địa phương gửi đến nhà cho các em, sau đó bố trí dạy bù kiến thức trọng tâm khi HS trở lại trường.

Ngoài khó khăn về thiết bị, đường truyền Internet cũng hạn chế

Sở GD-ĐT Tiền Giang đã điều chỉnh các hoạt động dạy và học trực tuyến. Theo đó, sau khai giảng năm học mới, các cơ sở GD chưa tổ chức dạy bài mới theo phân phối chương trình, mà tập trung tổ chức nội dung sinh hoạt để ổn định lớp, tổ chức các hoạt động cho HS, HV làm quen với hình thức học tập trực tuyến, ôn lại bài cũ... Đến khi đảm bảo đủ điều kiện để tổ chức dạy trực tuyến, nhà trường mới bắt đầu giảng bài mới. Ngành GD cũng đã liên hệ với một số đơn vị: Viễn thông Tiền Giang, Viettel Tiền Giang... kêu gọi sự hỗ trợ, đồng hành trong triển khai các giải pháp dạy và học trực tuyến.

Sở GD-ĐT tỉnh An Giang có công văn về đảm bảo dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, an toàn đối với cấp TH trong điều kiện các em dừng đến trường để phòng chống dịch Covid-19. Đối với cơ sở giáo dục TH khi chuẩn bị đầy đủ điều kiện về dạy học trực tuyến mới tổ chức chính thức từ ngày 15-9; đối với cơ sở giáo dục TH tiếp tục bổ sung đầy đủ các điều kiện về thiết bị, phần mềm dạy học trực tuyến của GV và tổ chức dạy chính thức từ ngày 20-9.

Sở yêu cầu cơ sở giáo dục TH chủ động rà soát điều kiện dạy học trực tuyến của GV, HS để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Những em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thiết bị học trực tuyến, chỉ đạo GV bộ môn phối hợp với GV chủ nhiệm chuyển giao nhiệm vụ học tập cho các em thông qua tin nhắn SMS, Vnedu... hoặc gửi tài liệu photocopy đến.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bạc Liêu, sau gần 10 ngày bước vào năm học mới 2021-2022, hoạt động dạy và học trực tuyến đối với HS từ lớp 6 đến lớp 12 trong toàn tỉnh đang gặp một số khó khăn, bất cập, rất cần nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết. Tỷ lệ HS cấp THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đã tham gia học trực tuyến đạt hơn 89%; 10% còn lại do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nhất là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, chưa có điều kiện và khả năng học trực tuyến.

Mặt khác, theo báo cáo của Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, một số GV chưa thành thạo khả năng dạy học trực tuyến, nhà trường và GV chưa chuẩn bị đầy đủ nền tảng để dạy học. Thêm khó khăn nữa là đường truyền Internet đôi khi không ổn định; trong thời gian dạy học trực tuyến, một số nơi và khu vực có tình trạng bị cúp điện đột ngột, trong khi tinh thần học tập của một số HS chưa cao vì mới làm quen với hình thức học tập mới này...

Tỉnh Sóc Trăng thống nhất chủ trương không thu học phí có thời hạn đối với trẻ mầm non, HS phổ thông và HV tại cơ sở GD thường xuyên theo chương trình GDPT trong toàn tỉnh. Theo đó, HS trường công hay tư đều được miễn học phí hết năm 2021 nhằm chia sẻ một phần khó khăn với phụ huynh, do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ học phí cho các em, dự kiến trên 30 tỷ đồng.

Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT Sóc Trăng, đối với các trường hợp quá khó khăn không có điều kiện học trực tuyến, nhà trường cần liên hệ, hỗ trợ kịp thời cho các em bằng những hình thức linh hoạt, nhằm đảm bảo cung cấp đủ kiến thức cho HS. Dự kiến ngày 27-9, khi dịch bệnh được kiểm soát, đảm bảo an toàn sẽ tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả các cấp (kể cả mẫu giáo). Các em trong độ tuổi nhà trẻ sẽ đến trường vào ngày 18-10.

Bình luận (0)

Lên đầu trang