Chiều 16/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.
Tham dự họp báo có Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Hồng Sơn; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương...
Toàn cảnh họp báo chiều ngày 16/9. Ảnh: Khang Minh
Chỉ có khoảng 20.000 shipper hoạt động, rất thấp so với nhu cầu của người dân
Lý giải về việc rút ngắn khoảng cách tiêm mũi 2 của vắc xin Astra Zaneca xuống còn 6 tuần, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho rằng, theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin, trong tình huống đặc biệt có thể rút ngắn mà vẫn đảm bảo an toàn. Thực tế cho thấy, thời gian đầu TPHCM và các tỉnh thành áp dụng biện pháp rút ngắn vẫn đảm bảo hiệu quả của vắc xin.
Ông Nam cho biết thêm, đề xuất rút ngắn thời gian tiêm nhằm đẩy mạnh tiến độ bao phủ vắc xin để bảo vệ sức khỏe cho người dân TP.
Liên quan đến việc trong ngày đầu shipper chạy liên quận còn gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương lý giải, do số liệu báo cáo từ các đơn vị vận chuyển chưa đầy đủ nên chưa thể đánh giá được chính xác tình hình. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ chủ quan, số lượng shipper đăng ký hoạt động của 33 đơn vị là 160.000 người, nhưng thực tế hiện nay đang hoạt động chỉ có khoảng 20.000 người, số lượng rất thấp so với nhu cầu của người dân.
Thêm vào đó, nhiều loại hình kinh doanh được hoạt động trở lại làm đơn hàng tăng lên, trong khi shipper chạy liên quận gặp nhiều khó khăn trong quá trình đi lại do đường sá phong tỏa, ngăn cách, mỗi khu vực hạn chế lối đi vào, bản đồ công nghệ gặp nhiều hạn chế trong thời điểm này dẫn đến việc di chuyển chậm chễ.
Về việc tổ chức điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa của 3 chợ đầu mối, ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin, chợ Bình Điền đã đi vào hoạt động từ ngày 7/9, chợ Thủ Đức sẽ bắt đầu hoạt động từ 0 giờ đêm nay (16/9), còn chợ Hóc Môn sẽ hoạt động từ 0 giờ ngày 19/9.
Giảng viên, giáo viên được lưu thông phù hợp với lịch dạy học trực tuyến
Thông tin tại họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, theo kế hoạch kiểm soát giãn cách xã hội từ 16/9, Công an TP quy định một số biện pháp kiểm soát đối với lực lượng lưu thông trên đường.
Đối với shipper, theo quy định hiện nay thì đối tượng này không thuộc diện do Công an TP cấp giấy đi đường. Công an chỉ phụ trách kiểm soát tại các chốt thông qua nhận diện trang phục, thẻ, đơn giao hàng, giấy xét nghiệm âm tính và khai báo y tế trên app VNEID của Bộ Công an. Danh sách shipper do Sở Công thương chuyển về cho Công an TP để cập nhật vào phần mềm VNEID để kiểm soát.
Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Khang Minh
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thêm, ngày 15/9, Công an TP đã ban hành Thông báo số 3660 để triển khai thực hiện Công văn 3072 của UNBD TP, hướng dẫn rõ các đối tượng được lưu thông trên đường.
Theo đó, shipper giao hàng (sử dụng công nghệ) được hoạt động liên quận, huyện, TP Thủ Đức và có nhận diện theo quy định. Có giấy xét nghiệm âm tính mẫu gộp 3, xét nghiệm 2 ngày/lần.
Đối với nhân viên giao nhận của doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ được phép hoạt động trên địa bàn một quận, huyện, có xét nghiệm âm tính với Covid-29 hai ngày/lần.
Những đối tượng không cần giấy đi đường bao gồm: người đi tiêm vắc xin, người có vé máy bay di chuyển ra sân bay, lực lượng y ế, nhân viên nhà thuốc, người đi xét nghiệm Covid-19, người chở oxy, thuốc men và vật tư y tế…
Riêng đối với luật sư tham gia tố tụng, khi lưu thông cần có giấy triệu tập của cơ quan tố tụng, có yếu tố nhận diện gồm thẻ luật sư và khai báo y tế.
Cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán được lưu thông đổi ca làm việc hàng tuần, thời gian di chuyển từ 16 giờ 30 đến 18 giờ ngày thứ 6 và 6 giờ 30 đến 8 giờ ngày thứ 2.
Nhân viên doanh nghiệp xăng dầu, gas được lưu thông đổi ca làm việc từ 13 giờ đến 15 giờ ngày Chủ nhật hàng tuần.
Đối với công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao: nghỉ việc về nhà khi nhà máy ngưng hoạt động; người lao động đến nhà máy đổi ca làm việc (thời gian đổi ca không dưới 7 ngày/1 lần) hoặc người lao động đến làm việc tại công ty, nhà máy mở cửa hoạt động được phép lưu thông, thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ hoặc từ 14 giờ đến 16 giờ, thực hiện đảm bảo như sau: Lưu thông từ nơi nhà máy, công ty đến nơi cư trú; thuộc nhân viên công ty, doanh nghiệp được Ban quản lý các Khu chế xuất công nghiệp xác nhận và ghi rõ thời gian lưu thông như trên; có xét nghiệm âm tính thời gian 5 ngày.
Nhân viên bưu cục, giáo viên vận chuyển sách đến nhà dân cho các em học sinh thực hiện như sau: mặc đồng phục ngành, đeo thẻ ngành có sách hoặc lịch, danh sách địa điểm giao sách.
Giảng viên, giáo viên các trường học lưu thông đến trường hoặc điểm dạy học trực tuyến được lưu thông phù hợp với lịch dạy học trực tuyến, thực hiện các quy định sau: mang thẻ ngành có lịch giảng dạy được Ban giám hiệu nhà trường ký duyệt.
Thời gian từ 18 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau tạo điều kiện lưu thông cho: cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài; Hoa tiêu hàng hải; vệ sinh môi trường đô thị; Lực lượng xử lý sự cố khẩn cấp về điện, nước, hệ thống thông tin, hạ tầng giao thông.
Còn 40.000 học sinh khó khăn khi học trực tuyến
Tại họp báo, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Dương Trí Dũng cho biết, theo thống kê ban đầu có 75.000 em học sinh gặp khó khăn về thiết bị đường truyền, điều kiện kết nối giữa gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, sau hơn 1 tuần triển khai học trực tuyến, với sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, chỉ còn 40.000 trường hợp khó khăn.
Bằng các chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Chính phủ cùng với các chương trình của thành phố và địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM kỳ vọng trong tương lai gần, các trường hợp khó khăn còn lại sẽ được hỗ trợ để đẩm bảo điều kiện học tập.
“Song song đó, Sở vẫn đẩy mạnh các biện pháp học tập qua đài truyền hình, chăm sóc của nhà trường, hỗ trợ chuyên môn từ các giáo viên chủ nhiệm, nội dung chuyên đề để đảm bảo các em học sinh vẫn được tiếp cận chương trình một cách tốt nhất”, ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thí điểm mở lại trường học tại Quận 7, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi - là những nơi đã được công bố kiểm soát được dịch trong thời gian tới, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên là trên hết. Sở đã trình UBND TP bộ tiêu chí an toàn của ngành giáo dục và đang chờ thông qua. Các tiêu chí đều bám sát mục tiêu an toàn và tận dụng thời gian đảm bảo an toàn để triển khai giáo dục trực tiếp giúp học sinh đảm bảo chương trình tốt nhất.
Đối với những học sinh đang kẹt ở các tỉnh, thành khác chưa về được TP, ông Dương Trí Dũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo, học sinh có thể liên hệ với đơn vị sở tại, Sở Giáo dục các tỉnh để học trực tiếp tại tỉnh, hoặc có thể học online theo chương trình của TP.
Thông tin thêm về việc cấp giấy đi đường cho các cơ quan báo chí, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương cho rằng đây là nhu cầu chính đáng bởi báo chí là lực lượng quan trọng trong công tác phòng chống dịch, thuộc nhóm 17 đối tượng được phép ra đường theo quy định của UBND TP.
Do đó, mặc dù theo quy định không được phép cấp giấy đi đường quá 10% trên tổng số lực lượng công chức viên chức người lao động tại đơn vị, nhưng qua khải sát nhu cầu, Sở Thông tin và Truyền thông đã xử lý linh động số lượng theo nhu cầu thực tế.
Từ ngày 15/9, Sở đã đề nghị cấp bổ sung giấy đi đường cho các đơn vị để tạo điều kiện hoạt động và tác nghiệp trong giai đoạn hiện nay.