‘Thủ phủ hoa kiểng’ tất bật chuẩn bị cho vụ Tết

Thứ Hai, 28/11/2016 16:47  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Về TP.Sa Đéc, Đồng Tháp những ngày này, không khí nhộn nhịp bao trùm mọi nơi. Nhà nhà, người người đang tất bất chuẩn bị cho vụ hoa Tết.

Đường hoa Nguyễn Huệ khai mạc vào ngày 28 Tết

Nhộn nhịp vụ hoa Tết

Nằm về phía bờ Nam sông Tiền, cạnh tỉnh lộ 848, làng hoa Tân Quy Đông rực rỡ khoe sắc và quyến rũ, bởi một rừng hoa với đủ kỳ hoa dị thảo. Không chỉ nổi tiếng về hoa mà còn rất nổi tiếng về cây kiểng như: Vạn niên tùng, kim quýt, nguyệt quế, mai vàng, mai chiếu thủy…Giờ đây, nghề trồng hoa kiểng mang lại nhiều lợi ích cho người dân Sa Đéc.

Là chủ cơ sở sản xuất hoa sứ, ông Phan Trung Thanh (45 tuổi, ngụ phường Tân Quy Đông) chia sẻ: “Hiện nay, lượng hàng sản xuất ra không đủ bán cho nhu cầu. Đối với người đất nhiều thì chọn hướng sản xuất cây dài ngày, còn đất thuê thì sản xuất hoa kiểng ngắn ngày, bởi trồng hoa cho thu nhập gấp chục lần trồng lúa. Sản xuất hoa sứ vì đây là loài dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít rủi ro và nhu cầu thị trường lớn. Không chỉ vậy cây càng lớn sẽ bán được giá càng cao. Tết này sản xuất 8.000 chậu nhưng vừa qua đã có thương lái đến đặt 6.000 chậu. Tuy nhiên vừa qua gặp cảnh mưa dầm đã làm nhiều chậu bị thối, nhiễm bệnh. Mỗi năm với diện tích 6.000m2 đã đem về nguồn lợi nhuận trên 300 triệu đồng cho gia đình”.

Gần 2.000 chậu hoa cúc “khổng lồ” sẽ được bán đấu giá vào dịp cận tết Đinh Dậu

Bà Trần Thị Ái (52 tuổi, ngụ khóm Tân Huề, phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) cho biết: “Nghề làm hoa thuê diễn ra quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là thời điểm hoa tết. Để làm ra mỗi chậu hoa tụi tui phải thực hiện các công đoạn như phối trộn phân rơm, chiết cành, quấn lục bình, vô chậu… Nghề này được cái ngồi trong mát và việc làm ổn định nhưng mỏi lưng, đầu móng tay đau nhức..”. Do không đất vườn nên bà Ái gắn bó với nghề làm mướn đã 20 năm nay. Để có nguồn thu nhập từ 110-120 ngàn đồng/ngày bà phải làm việc từ 7 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều, với số lượng khoảng 400 chậu.

Bà Cẩm đang chăm sóc ruộng hoa bị thiệt hại 50% do mưa và ngập úng

Năm nay, việc sản xuất hoa của nông dân gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu tăng cao và thời tiết. Bà Quang Thị Cẩm (50 tuổi, ngụ khóm Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông) thuê 1,5 công đất trồng 1.000 chậu cúc đồng tiền và 500 chậu cát tường tại xã Tân Khánh Đông cho biết: “Vừa qua số lượng hoa Tết của gia đình bị chết 50% do nước ngập và mưa dầm làm thiệt hại hơn chục triệu đồng. Ngoài diện tích của tui còn nhiều hộ dân khác cũng bị tình trạng tương tự…”.

Hoa cúc lên "sàn giao dịch"

Nếu như trước đây, ở làng hoa Sa Đéc chỉ sản xuất theo phương thức “cha truyền con nối” và chưa được đầu tư đúng mức nên vấp phải những giai đoạn thăng trầm. Ngày nay bước vào thời hội nhập cũng như vận dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, làng hoa được bổ sung nhiều loài hoa quý hiếm, mới lạ, xây dựng trung tâm giống, lập chợ đầu mối…đã đưa làng hoa bước vào thời kỳ “cất cánh”. Vì thế hoa kiểng ở Sa Đéc không chỉ cung cấp cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn đến cả TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội và một số quốc gia như: Lào, Campuchia, Trung Quốc.

Để không ngừng nâng cao giá trị của loài cây chủ lực, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức thử nghiệm mô hình bán đấu giá 2.000 chậu cúc mâm xôi vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sắp tới. Thời gian trồng những chậu cúc này sớm hơn 1,5 tháng so với sản xuất truyền thống và chi phí đầu tư, chăm sóc cũng tăng hơn nhiều. Dự kiến thời gian đấu giá sẽ diễn ra vào cận tết, khi các chậu hoa trổ đồng loạt.

Trận mưa lịch sử làm nhiều tuyến đường tại TP.Sa Đéc ngập sâu trong nước

Nói về việc trung tâm sắp tung ra thị trường những chậu hoa “khủng”, anh Lê Minh Nhật, cán bộ kỹ thuật cho biết: “Hoa được trồng trong chậu có bề hoành 1,5m thay vì chỉ 1-1,2m so với sản xuất truyền thống. Đây là loài hoa được trồng ngoài trời và cũng bị ảnh hưởng từ thời tiết nên có tỉ lệ hao hụt khoảng 20%. Hiện những chậu hoa này đang cho nụ, với đường kính từ 0,8 -1m. Nếu những chậu cúc sản xuất truyền thống được cơi (bấm đọt) từ 3-4 lần thì những chậu hoa này được cơi lên đến 7 lần. Mỗi lần cơi là chồi được nhân đôi, cách nhau 20 ngày và phải huy động từ 10-15 lao động”.

Từ một vùng đất chuyên trồng lúa, sau hơn thế kỷ hình thành và phát triển thì vùng đất này trở thành một trong những vựa hoa lớn nhất cả nước, với diện tích hơn 400 ha, trên 2.000 hộ dân trồng hoa kiểng và 2.500 chủng loại. Vì thế, làng hoa Sa Đéc đang hội tủ đầy đủ các yếu tốt để trở thành một “Đà Lạt” thứ 2.

Ông Đỗ Văn Thậm, Trưởng phòng Kinh tế TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp - cho biết: “Hiện diện tích trồng hoa kiểng của toàn thành phố là trên 470 ha, tăng khoảng 30 ha so với năm rồi. Trong đó diện tích trồng hoa kiểng phụ vụ tết chiếm 100ha. Doanh thu hoa kiểng toàn thành phố năm 2015 là trên 1.300 tỷ đồng, chiếm trên 70% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của thành phố. Việc sản xuất hoa kiểng những năm gần đây có nhiều thuận lợi như: hoa là 1 trong 5 mặt hàng tái cơ cấu nông nghiệp, vừa xây dựng Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, ban hành Nghị quyết phát triển du lịch thông qua việc xây dựng phát triển thành phố hoa, đầu ra thuận lợi do gắn được với nhiều sự kiện trong và ngoài nước. Tuy nhiên diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, giá cả và thị trường chưa ổn định, thời tiết bất thường làm cho một số diện tích bị nhiễm bệnh, ngập úng. Cụ thể là những loại hoa trồng dưới đất và ngoài trời như: cúc, hồng, sứ…”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang