Tiếng khóc trẻ sơ sinh bị bỏ rơi giữa cù lao và định mệnh của vị sư trụ trì

Thứ Tư, 22/03/2017 00:01  | Ngô Đồng

|

(CAO) Trong một lần tụng kinh tối, vị trụ trì nghe tiếng khóc trẻ thơ. Mở cửa ra xem thì thầy phát hiện một đứa trẻ sơ sinh được bỏ trong thùng giấy đặt trước cổng chùa. Không nỡ nhìn trẻ con vô tội côi cút, thầy mang vào chùa cưu mang và cũng từ đó, nơi đây dệt nên một mái ấm cho hàng trăm trẻ thơ côi cút.

Từ tiếng khóc trẻ thơ lúc nửa đêm...

Trong một cơ duyên có dịp về Bến Tre, chúng tôi đến chùa Vạn Đức, nơi đây đồng thời là mái ấm Đức Quang hiện đang cưu mang 97 đứa trẻ mồ côi. Em lớn nhất hiện đã 18 tuổi và bé nhỏ nhất là mới 5 ngày tuổi.

Ngôi chùa nằm trên một cù lao sông nước (thuộc ấp 2, xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, Bến Tre), phải đi qua phà Tam Hiệp mới đến được chùa Vạn Đức (mái ấm Đức Quang). Vị thế cù lao này như một ốc đảo thu nhỏ biệt lập bởi hai dòng sông là Cửa Tiểu và Cửa Đại, vùng cù lao xanh với đặc sản toàn nhãn.

Theo các Phật tử nơi đây, ban đầu chùa chỉ là một thảo am đơn sơ. Chùa nghèo, chỉ có 2 pho tượng và vách lá; nóc nhà thì mục nát và nhân duyên đưa Đại đức Thích Lệ Hiếu về đây làm từ thiện, đến đây gặp các Phật tử nài nỉ tha thiết xin thầy về.

Hoan hỉ trước tấm lòng Phật tử, nằm 2010 thầy Thích Lệ Hiếu rời chùa Ấn Quang (TP.HCM) về trụ trì nơi xa xôi hẻo lánh này. Lúc trời mưa, thầy và Phật tử chui dưới tượng Quan Âm núp rồi thay phiên nhau tát nước ngập. Trời nắng thầy cũng chịu cảnh ngủ ngồi bởi chùa cập mé sông, mỗi khi con nước lên là chùa ngập lênh láng. Đến nằm 2011, thảo am được Giáo Hội Phật Giáo cho phép xây dựng thành chùa lấy tên là Vạn Đức.

Mặc dù được trùng tu thành chùa nhưng hiện cũng còn rất đơn sơ, nhưng ít ra là không còn chịu cảnh sống chung với nước ngập như ngày xưa và buổi tối cũng có chỗ cho bà con đến tụng kinh.

Không biết có phải là một nhân duyên mà vào một đêm mưa gió, một đứa trẻ sơ sinh đã bị đem bỏ trước cổng chùa. Vận mệnh mới của Chùa Vạn Đức và thầy Thích Lệ Hiếu bắt đầu từ đó..

Thầy Thích Lệ Hiếu chia sẻ: "Khi mới về chùa chưa được bao lâu, lúc đó chùa chỉ có 3 thầy trò. Trong một lần tụng kinh tối, chợt nghe tiếng khóc trẻ thơ, 3 thầy trò bèn mở cửa ra xem thì tá hỏa thấy một trẻ sơ sinh nằm trong thùng giấy ai để trước cổng chùa mà không một lời nhắn nhủ".

Xót thương đứa trẻ bơ vơ, thầy Thích Lệ Hiếu làm 2 câu thơ mà sau này được đặt trước cửa chùa: "Con ai đem bỏ chùa này/ A di Đà Phật, con thầy thầy nuôi" rồi bồng bé vào chùa cưu mang.

"Nhưng vì không biết phải làm như thế nào cho con nín khóc, nghĩ là con đói bụng, các thầy bèn lấy nước cơm cho con uống, không ngờ khiến bụng con trương lên vì không tiêu hóa được", thầy kể.

Tá hỏa vì thấy bụng đứa trẻ phình to lên, thầy Thích Lệ Hiếu bèn đi kiếm má Năm (một Phật tử chuyên làm công hỏa tại chùa). Má Năm mới tất tả qua coi và bằng mẹo dân gian, má Năm làm cho bé xổ những thứ không tiêu hóa được trong bụng ra ngoài. Lúc này con mới dần khỏe lại. Thầy Thích Lệ Hiếu đặt tên cho con là Tiểu Đức Như (tên để cho con sau này đi học là Phạm Đức Như).

Rồi những ngày sau đó, để con có sữa uống, thầy Thích Lệ Hiếu phải bồng con đi khắp cù lao xin sữa. Chỗ nào người ta nói có người nuôi con nhỏ là thầy bồng con đến xin cho bú thép. Nhưng không thể cứ bồng con đi xin sữa mãi, thầy Thích Lệ Hiếu nhớ ra có một Phật tử của chùa hiện đang làm hộ lý tại bệnh viện Từ Dũ. Thầy bèn gọi điện xin tư vấn "cách chăm con nhỏ". Người hộ lý ghi cho thầy một danh sách dài cách chăm sóc và những vật dụng cần mua, loại sữa cần cho trẻ sơ sinh uống,...

Hôm sau, thầy Thích Lệ Hiếu đón phà qua sông đi... siêu thị mua đồ cho con. Người không hiểu chuyện thì xì xầm đồn thổi rằng "ông thầy chùa đó bộ vợ sắp đẻ hay sao mà mua toàn đồ sơ sinh", thậm chí có người đến hỏi thẳng: "Thầy, chừng nào vợ thầy đẻ hả thầy?", thầy Thích Lệ Hiếu chỉ biết mỉm cười trước những câu hỏi và lời đồn thổi.

Thầy Thích Lệ Hiếu chia sẻ: "Mấy ngày đầu được má Năm và các Phật tử thay nhau chăm sóc và tắm rửa cho con; nhưng rồi con của má Năm lại sinh con nên má Năm không đến chùa được nữa. Khi ấy thầy phải tự tay tắm cho con; nhưng vì từ nhỏ đã đi tu, nuôi trẻ như thế nào thầy làm sao biết được.

Nhớ lại lúc má Năm tắm cho con cũng gội đầu, thầy bắt chước làm theo. Nhưng thấy con có vẻ thích nước, thầy cho con ngâm vô thau nước tắm, ngâm nước lâu khiến con bị viêm phổi nặng phải đưa lên Nhi Đồng 1 điều trị. Các bác sĩ nói phải chích cho con mũi thuốc gì đó tới 16,5 triệu đồng. Rồi con phải nằm viện khoảng 2 tháng mới khỏi....

Tất cả là do sự ngu dốt của thầy. Nhưng trong cái khó ló cái khôn, từ đó thầy quyết tâm mày mò lên mạng học cách chăm sóc trẻ em rồi dần dần có kinh nghiệm nuôi trẻ lúc nào không hay".

Mái ấm cho những mảnh đời côi cút

Mặc dù được xây dựng thành chùa và là nơi cưu mang, chăm sóc những em nhỏ bất hạnh nhưng chùa vẫn còn nghèo, cơ sở vật chất khá khiêm tốn, chỉ là một gian nhà ba gian, hai chái có mái che.

Phía bên trái chùa là mấy gian nhà nhỏ, chính là mái ấm Đức Quang, bên trong có kê giường để các em nhỏ và bảo mẫu sinh hoạt, nghỉ ngơi. Nhà chùa có các bảo mẫu cùng với ni sư Hai Thơ phụ trách nấu ăn, vệ sinh cho các em và một số Phật tử thường xuyên tới làm công quả, phụ giúp các công việc tại chùa.

Chùa trống trước trống sau, có bữa không có gạo nấu cơm, vậy mà người ta còn đem con nít đến bỏ trước chùa. Nói là vận mệnh hay nhân duyên của Chùa và thầy Thích Lệ Hiếu cũng không sai. Vì cũng từ khi bé Tiểu Đức Như được cưu mang trong đêm mưa gió năm nào mà cho đến nay ở chùa có tất thảy hơn 97 em nhỏ được chăm sóc, nuôi dạy, từ những bé sơ sinh (có bé chưa tròn tháng) cho đến những em ở độ tuổi vị thành niên.

Thấy thầy từ bi, lâu lâu lại có người dắt con đến bỏ ở hiên chùa, rồi đi mất dạng, thầy lại phải mang về nuôi.

Cách đây 5 ngày là một bé gái sơ sinh còn đỏ hỏn bị bỏ trước cổng chùa, một chú tiểu đã trông thấy em và thầy lại mang con vào mái ấm Đức Quang cưu mang.

Những em bé bụ bẩm thiếu tình thương của ba mẹ nên hễ có các ba các mẹ (Phật tử đến viếng chùa và thăm các em) thì rất quấn quýt, dang tay đòi bế, không chịu rời ra. Các em lớn được nhà chùa cho đi học tùy theo lớp. Các em đều lớn khôn khỏe mạnh, được đi học và rất chăm ngoan.

Thương các con như thương bản thân mình, nhưng từ ngày thầy nuôi trẻ mồ côi, thầy chịu không ít tai tiếng. Nhưng chỉ cần nhắc đến các con là thầy lạc quan, rạng ngời hạnh phúc. Chỉ cần thấy các con lớn lên khỏe mạnh, khuya nghe tiếng các con tụng kinh, gõ mõ; trưa thấy các con công phu nghiêm chỉnh; rồi tối học bài chăm chỉ, nói chuyện lễ phép, hồn nhiên; gọi nhau í ới anh anh, em em… có mệt mấy, cũng trôi qua hết. Còn những điều tiếng, đồn thổi thầy chỉ biết giải bày qua những câu thơ.

"Con ơi con ngủ cho ngoan

Chén cơm bát gạo bà con giúp mình

Thân thầy như cánh lục bình

Ôm con thơ dại hóa duyên khắp miền

Dù cho cay đắng oan khiên

Quyết tu độ hết trần miền con ơi

Hôm nay thầy có đôi lời

Gửi cùng nam nữ các nơi tỏ tường".

Khi con bị bệnh, thầy Thích Lệ Hiếu cũng thân mình lo túc trực, đưa con đi bệnh viện. Mới đây là trường hợp bé Phạm Đức Lộc, đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa khi mới sinh và không may mắc căn bệnh não úng thủy nặng. Thầy bồng con đi chạy chữa khắp nơi, thậm chí phải mang con sang Singapore để trị bệnh thầy cũng không quan ngại. Với thầy, sức khỏe của các con là quan trọng nhất, thầy sẽ cố gắng hết mình làm những gì tốt nhứt để cho con được khỏe mạnh.

Dù trải qua bao năm tháng, nhưng đến nay chùa vẫn nghèo, vấn đề về chăm sóc sức khỏe, thuốc men, quần áo, lương thực, luôn là những trăn trở đối với thầy trụ trì. Dù thầy Thích Lệ Hiếu có dành hết tình thương để bù lại những thiếu thốn về tinh thần, thì thực tế, cũng không thể nào là đủ cho cả trăm em nhỏ.

Vị hòa thượng chân đất cưu mang hàng trăm mảnh đời bất hạnh
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang