Tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế vẫn đang là một thách thức

Thứ Tư, 18/12/2019 17:03  | Ngô Đồng

|

(CAO) Các hành vi lạm dụng dịch vụ y tế như: áp giá thanh toán dịch vụ kỹ thuật, chỉ định thực hiện dịch vụ kỹ thuật (xét nghiệm cận lâm sàng, Xquang,...) quá mức cần thiết, không phù hợp với tình trạng bệnh.

Ngày 18-12, tại TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2014 – 2019 và xin ý kiến dự thảo Luật BHYT sửa đổi.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng nhất. Một trong những mục tiêu quan trọng của BHYT là bao phủ sức khỏe toàn. Thông qua BHYT, ngành y tế cũng có nhiều biến đổi, đặc biệt trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, số người tham gia BHYT ngày càng gia tăng, hiện tỷ lệ bao phủ đã đạt 90% dân số.

Cụ thể, sau 5 năm thực hiện Luật, từ năm 2015 đến năm 2019 đã có thêm khoảng 15 triệu người tham gia BHYT, các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi…) đều được chăm sóc sức khỏe thông qua quỹ BHYT.

Tiến sĩ Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cũng cho biết, số cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT và số lần khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT tăng dần theo các năm. Đến năm 2018 có 176 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT. Tỷ lệ lượt người khám, chữa bệnh tại các cơ sở tuyến Trung ương là 3,5%; tuyến tỉnh là 25,8%; tuyến huyện chiếm tỷ trọng cao nhất là 70% và tuyến xã là 0,7%.

Tỷ lệ bao phủ BHYT ngày càng mở rộng, sau 5 năm thực hiện Luật, từ năm 2015 đến năm 2019 đã có thêm khoảng 15 triệu người tham gia BHYT. Ảnh minh họa

Trong 5 năm qua, chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao rõ rệt; quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày được bảo đảm do liên tục có sự điều chỉnh về danh mục, điều kiện, tỷ lệ của thuốc, vật tư y tế, danh mục dịch vụ kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.

Đặc biệt, chính sách BHYT tạo được sự công bằng trong chăm sóc y tế giữa các nhóm đối tượng trong xã hội (người nghèo, người yếu thế trong xã hội cũng có thể được tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao).

Việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở và duy trì khám chữa bệnh theo tuyến đã giúp hạn chế quá tải ở tuyến trên, tạo thuận lợi cho người bệnh tiếp cận được với các dịch vụ y tế ngay từ tuyến y tế cơ sở. Người dân có quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh mà mình tin tưởng, có chất lượng thông qua chính sách “thông tuyến” khám chữa bệnh.

Tính đến ngày 30-11-2019, số thu BHYT ước đạt 84.936 tỷ đồng, chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT ước 95.938 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện Luật BHYT cũng gặp không ít khó khăn. Tỷ lệ tham gia BHYT vẫn chưa đầy đủ, tính tuân thủ pháp luật chưa cao. Cho đến nay vẫn còn khoảng 10% dân số chưa tham gia BHYT, trong đó có người lao động trong các doanh nghiệp, học sinh sinh viên, đặc biệt là sinh viên từ năm thứ 2 trở đi, người tham gia theo hộ gia đình.

Đặc biệt là tình trạng lạm dụng, sử dụng quá mức cần thiết dịch vụ y tế, thậm chí là trục lợi BHYT vẫn tiếp tục là một thách thức.

Các hành vi lạm dụng dịch vụ y tế như: áp giá thanh toán dịch vụ kỹ thuật, thống kê tổng hợp các chi phí sai quy định. Bên cạnh đó, việc chỉ định thực hiện dịch vụ kỹ thuật (xét nghiệm cận lâm sàng, X quang, thăm dò chức năng) quá mức cần thiết, không phù hợp với tình trạng bệnh.

Chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú khi tình trạng bệnh không cần thiết phải điều trị nội trú hoặc kéo dài ngày điều trị nội trú.

Có trường hợp, người bệnh đi khám chữa bệnh nhiều nơi trong một thời gian ngắn, mượn thẻ BHYT của người khác để đi khám, chữa bệnh...

Trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi sẽ điều chỉnh một số quyền lợi BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; giảm chi phí điều trị, chi phí nằm viện, giảm tải bệnh viện.

Các chuyên gia cũng đề nghị Thành lập cơ quan giám định BHYT độc lập, tách khỏi cơ quan BHXH hiện nay. Cơ quan giám định sẽ đảm bảo thực hiện nghiệp vụ minh bạch, khách quan, độc lập, trách nhiệm giải trình.

Đồng thời thành lập Hội đồng tư vấn quốc gia. Hội đồng tư vấn quốc gia giúp Chính phủ, Bộ Y tế triển khai luật BHYT đảm bảo tính thống nhất, đồng thuận, phù hợp thực tiễn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang