TPHCM: Điều tra vụ cháy khiến một người đàn ông bị bỏng nặng

Thứ Ba, 23/07/2024 10:28

|

(CATP) Ngày 22/7, Công an huyện Hóc Môn, TPHCM cho biết đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến một người đàn ông bị bỏng nặng tại cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm nằm trên đường Bùi Công Trừng, xã Nhị Bình, H.Hóc Môn.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 10 giờ ngày 19/7/2024, bất ngờ người dân nghe tiếng động mạnh kèm theo tiếng hô hoán, la hét phát ra từ khu vực gắn ống xả khói của cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm nằm trên đường Bùi Công Trừng, X.Nhị Bình, H.Hóc Môn. Khi mọi người chạy đến kiểm tra thì phát hiện một người đàn ông đang bị lửa táp cháy hết quần áo nên sử dụng bình chữa cháy mini dập lửa. Tại hiện trường, người đàn ông trên bị bỏng nặng toàn thân, biến dạng đã được mọi người nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Một vài người chứng kiến cho biết, khu vực ống xả khói của cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm bị hư nên chủ cơ sở đã thuê một nhóm thợ đến sửa chữa nhiều ngày nay. Trưa cùng ngày, nhóm thợ này hàn xì ở khu vực trên thì xảy ra sự cố. Hiện nguyên nhân vụ tai nạn đang được Cơ quan công an điều tra làm rõ.

Theo cơ quan chức năng, từ thực tế các vụ cháy gần đây cho thấy, những vụ cháy liên quan tới hàn xì đã xảy ra nhiều lần và để lại những hậu quả nặng nề về người và tài sản, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ ý thức chấp hành các quy định PCCC của người dân và người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh chưa cao. Bên cạnh đó là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc trang bị những kiến thức cơ bản nhất về vệ sinh an toàn phòng chống cháy, nổ cho nhân viên...

Công an phong tỏa hiện trường

Trong quá trình hàn cắt kim loại, nhiệt độ tâm của ngọn lửa lên tới 3.000 độ C, nhiệt độ mối hàn cũng ở mức 1.800 độ C. Quá trình này sẽ làm phát sinh ra các hạt nóng chảy ở nhiệt độ lên tới hơn 1.000 độ C. Các hạt này sẽ bắn ra xung quanh, khi gặp các vật liệu dễ cháy có thể bùng lên thành hỏa hoạn ngay lập tức. Thế nhưng trong quá trình thực hiện công việc này, đơn vị thi công, công nhân, người đứng đầu cơ sở hoặc chủ hộ thường chủ quan, không quan tâm đúng mực tới công tác PCCC, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Một chủ thầu công trình giấu tên (chuyên thi công các khung sắt) chia sẻ, để bảo đảm an toàn cháy nổ khi hàn xì, trước khi thi công một công trình, anh thường nhắc nhở những thợ hàn của mình rằng, khi thi công cần trang bị đồ bảo hộ cá nhân, không dùng búa, các dụng cụ phát tia lửa để gõ vào nắp chai chứa khí. Khi mồi lửa cho mỏ hàn hơi, thợ phải dùng diêm, bật lửa chuyên dụng. Bên cạnh đó, khi hàn không quàng ống dẫn khí vào cổ, vào vai, kẹp chân, cuộn tròn hay bẻ gập ống. Thợ đang hàn mà mỏ hàn hơi cháy thì không được mang ra khỏi khu vực làm việc; đặc biệt khi hàn trên cao thì không được mang mỏ hàn hơi đang cháy để leo thang. Khi nghỉ phải tắt lửa mỏ hàn, đóng van cấp khi tới mỏ hàn. Nếu hàn hồ quang chỉ được phép cấp điện từ máy phát điện hàn, máy biến áp hàn, máy chỉnh lưu. Không được phép cấp trực tiếp từ lưới điện động lực, lưới điện chiếu sáng hoặc lưới điện xe điện...

Để bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình hàn cắt kim loại, giảm thiểu tối đa nguy cơ dẫn đến cháy nổ, loại bỏ thương vong về người và kéo giảm thấp nhất thiệt hại về tài sản, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần quan tâm và thực hiện đồng bộ các biện pháp như khi hàn cắt kim loại cần phải trang bị kiến thức về PCCC, phải che chắn bằng vật liệu không cháy và di chuyển vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt ít nhất là 10m, đồng thời cử người trông coi trong suốt quá trình hàn cắt kim loại. Đồng thời, chuẩn bị sẵn các dụng cụ, phương tiện PCCC nếu có sự cố và thận trọng với từng mũi hàn nhỏ để không gây tai họa lớn. Đặc biệt, tuyệt đối không hàn cắt trong khu vực có khí cháy, nổ và chỉ làm sau khi làm sạch hơi cháy nổ...

Trong lúc tiến hành công việc hàn cắt ở các buồng, thùng, khoang, bể phải thực hiện thông gió, cử người theo dõi và phải có biện pháp an toàn cụ thể và được người có trách nhiệm duyệt, cho phép. Không tiến hành hàn ở các hầm, thùng, khoang, bể đang có áp suất hoặc đang chứa chất dễ cháy, nổ. Nếu hàn bên trong các hầm, thùng, khoang bể phải tiến hành thông gió với tốc độ gió từ 0,3 đến 1,5 m/s. Phải kiểm tra đảm bảo hầm, thùng, khoang bể kín không có hơi khí độc, hơi khí cháy, nổ mới cho người vào hàn.

Ngoài ra, trong quá trình hàn cắt kim loại phải tổ chức che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10m), không để vảy hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, phải có biện pháp an toàn PCCC và phương án xử lý cháy, nổ. Khi tiến hành hàn trên cao và ngoài trời tại các vị trí hàn, nếu chưa có biện pháp phòng chống cháy nổ thì không được tiến hành công việc hàn cắt, phải làm sàn bằng vật liệu không cháy (hoặc khó cháy).

Bình luận (0)

Lên đầu trang