Những ngôi chợ, con hẻm, công trình kiến trúc xưa hay chính nếp sống, giọng nói, sinh hoạt cộng đồng trở thành lớp trầm tích văn hóa, nối quá khứ với hiện tại và tương lai.
Giữ gìn ký ức đô thị giữa dòng chảy hiện đại hóa
Là đô thị đặc biệt, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM luôn đi kèm với áp lực hiện đại hóa không gian sống. Nhưng trong hành trình ấy, thành phố không chọn cách phủ lấp quá khứ để xây mới hoàn toàn, mà kiên trì bảo tồn, gìn giữ những mảng ký ức đô thị như một phần không thể tách rời trong diện mạo văn hóa đương đại.
Chợ Bến Thành - biểu tượng văn hóa hơn 100 năm tuổi, không chỉ đơn thuần là nơi giao thương, mà còn là không gian lưu giữ nét văn hóa mua bán đặc trưng của người Sài Gòn. Từng tiếng mời chào, từng gánh hàng rong dọc lối vào chợ không chỉ là sinh kế, mà còn là lát cắt văn hóa đậm chất Nam Bộ. Những năm gần đây, thành phố đẩy mạnh chỉnh trang khu vực chợ nhưng vẫn giữ nguyên kết cấu mái vòm, đồng hồ bốn mặt và các sạp hàng truyền thống, để vừa hiện đại hóa cảnh quan vừa lưu giữ linh hồn phố chợ.

Sân khấu thực cảnh "Đất thép" tái hiện thời chiến, ra mắt tại Củ Chi. Chương trình có phụ đề tiếng Anh phục vụ khán giả quốc tế, bao gồm hoạt động tham quan nhà truyền thống và trải nghiệm sân khấu biểu diễn
Không chỉ chợ Bến Thành, những con hẻm nhỏ ở quận 1, quận 3, quận 5 cũng là "bảo tàng sống" của đời sống cộng đồng. Những ngôi nhà cổ lợp mái âm dương, những tiệm cà phê vợt hơn nửa thế kỷ, những gánh hàng rong cũ kỹ, tất cả trở thành mảng ký ức đan xen trong không gian hiện đại. Chính sự song hành giữa cũ và mới, giữa những cao ốc vươn cao bên cạnh hàng quán xưa cũ đã làm nên vẻ đẹp rất riêng, không thể trộn lẫn của thành phố này.
Bên cạnh việc gìn giữ không gian kiến trúc, những di sản văn hóa phi vật thể của thành phố cũng được bảo tồn và phát huy theo cách riêng, gắn liền với dòng chảy đời sống hiện đại.
Nghệ thuật đờn ca tài tử - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại được UNESCO vinh danh, không chỉ sống trong những lễ hội đình chùa hay không gian truyền thống, mà còn len lỏi vào đời sống đương đại qua các chương trình giao lưu văn hóa, các buổi biểu diễn tại phố đi bộ, đường sách hay trên những chuyến xe buýt du lịch phục vụ du khách quốc tế.
Lễ hội Nghinh Ông tại Cần Giờ hay các nghi thức cúng đình, rước sắc thần ở các đình làng Nam Bộ cũng được khôi phục, tạo thành những sự kiện văn hóa cộng đồng mang tính biểu tượng, kết nối lớp trẻ với truyền thống cội nguồn. Chính trong những nghi thức mang đậm tín ngưỡng dân gian ấy, người Sài Gòn hôm nay thêm hiểu, thêm yêu những giá trị văn hóa từng vun bồi nên nếp sống phóng khoáng, hào sảng của vùng đất này.
Đặc biệt, thành phố không chỉ dừng ở bảo tồn các di sản vật thể, phi vật thể, mà còn chủ động phát huy giá trị những di sản ấy trong các sáng tạo văn hóa mới. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ra đời từ năm 2022, không chỉ khơi lại các giá trị văn hóa, lịch sử, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn trở thành không gian giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Từ trường học, công sở, bệnh viện cho tới các không gian công cộng, hình ảnh và tư tưởng Hồ Chí Minh được lan tỏa một cách sinh động, gần gũi, trở thành mạch nguồn văn hóa thấm sâu vào đời sống.
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
Một điểm sáng trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa của thành phố chính là kết hợp với phát triển du lịch. Những tour du lịch kể chuyện Sài Gòn xưa, những hành trình khám phá di sản kiến trúc Pháp, hay trải nghiệm đời sống người Hoa ở Chợ Lớn không chỉ thu hút du khách mà còn giúp chính người dân thành phố thêm trân quý giá trị di sản. Chương trình "Sài Gòn - Thành phố tôi yêu" do Thành Đoàn TPHCM phối hợp với Sở Du lịch tổ chức hàng năm thu hút hàng chục ngàn sinh viên tham gia, tạo nên một thế hệ trẻ không chỉ giỏi kiến thức hội nhập mà còn tự hào về lịch sử, văn hóa quê hương.

Hoạt động trình diễn giới thiệu Việt phục
Trong những năm gần đây, TPHCM không chỉ chú trọng bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, mà còn gắn chặt công tác này với phát triển du lịch. Đây được xem là hướng đi phù hợp, vừa giúp di sản "sống" trong lòng đô thị hiện đại, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Một trong những chương trình tiêu biểu chính là hoạt động tham quan, trải nghiệm tại trụ sở UBND TPHCM. Công trình kiến trúc hơn 100 năm tuổi này, vốn là Dinh Xã Tây xưa, mang đậm dấu ấn lịch sử và kiến trúc Pháp đặc sắc. Từ năm 2022, TPHCM đã mạnh dạn mở cửa trụ sở UBND TP vào những dịp lễ đặc biệt, phục vụ người dân và du khách tham quan, tìm hiểu. Từng cánh cửa, từng mảng phù điêu, từng hành lang, mái vòm nơi đây đều kể lại câu chuyện lịch sử về quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn - TPHCM.
Gần đó, Bảo tàng TPHCM cũng là nơi kết nối mạch nguồn văn hóa đô thị. Nằm trong tòa nhà từng là trụ sở Hội đồng Thành phố thời Pháp thuộc, bảo tàng không chỉ lưu giữ những hiện vật quý về đời sống sinh hoạt, văn hóa của cư dân Sài Gòn xưa, mà còn tái hiện sinh động quá trình hình thành và phát triển của thành phố. Chương trình tham quan kết hợp tìm hiểu di sản kiến trúc, di sản lịch sử tại đây đang được các công ty lữ hành xây dựng thành các tour chuyên đề, thu hút không ít du khách trẻ.
Song song với việc mở cửa các công trình, di tích, TPHCM còn chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa theo hướng tăng tính trải nghiệm, tương tác. Tour khám phá Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi ban đêm, Tour du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc kết hợp kể chuyện lịch sử Sài Gòn, hay Chương trình biểu diễn đờn ca tài tử tại KDL Bình Quới, tại một số nhà cổ ở quận 8... đều mang đến những góc nhìn mới lạ, làm phong phú thêm hành trình khám phá di sản đô thị.
Không chỉ dừng lại ở việc nhận diện giá trị, TPHCM còn nỗ lực đưa di sản đến gần hơn với cộng đồng bằng những hoạt động tương tác sáng tạo, hiện đại. Những tour du lịch di sản, những buổi đi bộ tham quan di tích, hay các sự kiện văn hóa gắn liền với không gian công cộng đã khiến người dân và du khách có cơ hội tiếp cận di sản theo cách sống động và gần gũi hơn. Điều đáng quý là các hoạt động này không hề tách rời với nhịp sống đô thị hiện đại, mà ngược lại, nó được lồng ghép một cách hài hòa, tạo nên sự giao thoa giữa cũ và mới, truyền thống và đổi mới.
Nhiều khu phố, công trình được cải tạo theo hướng tôn trọng giá trị nguyên gốc nhưng vẫn mang tinh thần mở - đón nhận sự đổi thay và thích ứng. Chẳng hạn, không gian Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, Dinh Độc Lập hay các tuyến đường như Đồng Khởi, Lê Công Kiều... không chỉ là nơi lưu giữ ký ức mà còn trở thành điểm đến văn hóa, nghệ thuật sôi động. Những buổi triển lãm tranh, nhạc kịch ngoài trời, hay các lễ hội dân gian tái hiện lại không gian đô thị đang góp phần thổi luồng sinh khí mới cho các di sản, giúp chúng "sống" trong lòng đô thị, chứ không đơn thuần là những hiện vật tĩnh.
TPHCM đang dần chứng minh rằng việc bảo tồn không đồng nghĩa với đóng băng quá khứ, mà là cách để thổi hồn vào ký ức, khiến nó tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của thành phố - một đô thị trẻ nhưng đầy tự hào với chiều sâu văn hóa hiếm có.
Bảo tồn di sản không đơn thuần là giữ gìn các công trình cũ, mà quan trọng hơn là thổi hồn cho di sản ấy, để mỗi viên gạch, mỗi mái ngói, mỗi gốc cây đều kể được câu chuyện của riêng mình. Khi di sản sống động trong hơi thở hiện đại, hòa mình vào dòng chảy du lịch, lúc đó di sản mới thực sự trường tồn.
Với lợi thế của một đô thị trẻ năng động nhưng giàu bản sắc, TPHCM có đủ tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - di sản đặc trưng. Đó không chỉ là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần nuôi dưỡng tình yêu di sản trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Và khi mỗi người dân đều xem di sản là một phần ký ức chung, cùng chung tay bảo vệ, phát huy, lúc đó di sản sẽ không chỉ sống trong hôm nay, mà còn lan tỏa mãi về sau.
(CATP) Nhìn lại hành trình 50 năm phát triển và hội nhập của TPHCM, văn hóa đô thị nổi lên như một dòng chảy xuyên suốt, phản ánh sinh động diện mạo, nhịp sống và hơi thở của vùng đất đầu tàu kinh tế - văn hóa này. Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là nơi tập trung dân cư đông đúc bậc nhất cả nước, mà còn là điểm giao thoa của nhiều nền văn hóa, tạo nên một sắc thái đô thị vừa năng động, vừa phóng khoáng nhưng vẫn ẩn chứa chiều sâu lịch sử, văn hóa.
DUY LUÂN - QUANG VINH - HOÀI GIANG - ĐAN QUỲNH