(CATP) Lần đầu đọc tiểu thuyết "Đường đen nước đỏ” của Đại tá, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm (NXB Hội Nhà văn 2011, tái bản lần thứ 3, được giải thưởng 5 năm lần thứ 3 của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam 2013), tôi đã kinh ngạc và thích thú với các thủ pháp nghệ thuật và thông điệp khá mới mẻ về cuộc chiến tranh khốc liệt diễn ra trên địa bàn Quân khu 5 từ năm 1968 - 1975. Đầu tiên là mô tả về tướng lĩnh, sĩ quan, binh lính địch khá sinh động, thuyết phục chứ không "trút căm thù” vào các nhân vật phản diện để mô tả họ yếu kém, ngu dốt, ăn chơi sa đọa, bất tài hoặc độc ác vô luân đúng kiểu tay sai "bán nước" như một số tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh khác!
Một tác phẩm "đa diện" về chiến tranh
Khi viết về "phe ta", Đỗ Viết Nghiệm cũng không lên gân "lập trường tư tưởng" hay "chủ nghĩa anh hùng cách mạng" kiểu máy móc, "hô khẩu hiệu" mà viết rất chân thực, rung cảm, sâu lắng. Anh viết về những tân binh từ miền Bắc chân ướt chân ráo vào chiến trường Tây Nguyên như Nhiều và Ngạn cứ như những cậu học trò ngây thơ, dễ mến, đói bụng thì "mút ngón tay" hoặc lén xuống bếp đơn vị ăn vụng cơm nguội. Một hai đòi cầm súng giáp mặt với kẻ thù, chấp nhận hy sinh chứ không chịu cầm rựa, cuốc đi tăng gia sản xuất hay đi gùi hàng, cõng đạn... Trong các đơn vị chủ lực vẫn có vị thủ trưởng nói một đường làm một nẻo, hủ hóa với cô Lợi như tiểu đoàn phó Khâm, hay biến chất, khủng hoảng xả súng vào chỉ huy, đồng đội mình rồi đào ngũ như tên Lý hoặc không chịu nổi gian khổ đã phản bội, chạy sang hàng ngũ địch chiêu hồi như Hiếu, Bồn... Quân ta có lúc thảm bại, hy sinh hết 4/5 quân số...
Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm và bìa cuốn sách "Đường đen nước đỏ”
Bên cạnh đó, Đỗ Viết Nghiệm cũng có những trang viết rất nhân văn, cảm xúc về các cấp trên của mình, như những đoạn văn về tình cảm vợ chồng của ông Trần Kiên - Phó tư lệnh Quân khu 5 - một người Cộng sản mẫu mực, liêm khiết. Tình cảm của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Khu 5 với cán bộ, chiến sĩ và lòng trung thành của họ với cách mạng, bất chấp những đe dọa, mua chuộc từ phía địch cũng làm người đọc hết sức cảm kích. Tất cả những ưu điểm đó trong câu chuyện cho thấy nhà văn Đỗ Viết Nghiệm đã có những biện pháp nghệ thuật tinh tế, hữu hiệu trong việc xây dựng các nhân vật ở hai phía chiến tuyến từ trải nghiệm thực tế sinh động của mình. Đó là những đặc thù làm cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của quân dân khu 5 dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, Bộ Tư lệnh quân khu từ năm 1968 - 1975 hiện lên trong sách "Đường đen nước đỏ” thật bi hùng, làm tăng thêm ý nghĩa cho ngày đại thắng 30/4/1975 - ngày non sông thống nhất!
Tác giả của những tác phẩm được bạn đọc yêu mến
Đại tá, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm sinh năm 1949 tại Yên Định - Thanh Hóa. Năm 1966, mới 17 tuổi đang học xong THPT hệ 10 năm, ông đã xung phong nhập ngũ, rèn luyện ở miền Bắc 2 năm, 1969 ông được điều vào chiến trường Quảng Đà - Quân khu 5. Năm 1973, ông được học khóa đạo diễn sân khấu ngắn hạn tại chiến trường Khu 5, dưới sự hướng dẫn của thầy hiệu trưởng Khánh Cao và đạo diễn Ka Sô Liễng (là cán bộ lão thành, nghệ nhân nổi tiếng của tỉnh Phú Yên. Sau ngày 30/4/1975 là Phó giám đốc Sở VHTT tỉnh Phú Khánh, Phó giám đốc Sở VHTT tỉnh Phú Yên, ông mất năm 2023 ở tuổi gần 90); tốt nghiệp năm 1974. Từ năm 1976 - 1979, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm được cấp trên cử đi học và tốt nghiệp Đại học quản lý kinh tế tại Trường Nguyễn Ái Quốc. Trải qua cuộc kháng chiến dằng dặc đầy khổ đau, mất mát và những trớ trêu, ông muốn viết ra những điều ấp ủ, nung nấu trong lòng, nhất là viết về những cấp trên, đồng đội đã gương mẫu chiến đấu và anh dũng hy sinh...
Năm 1985, ông bắt đầu sáng tác và truyện ngắn đầu tay "Tấm ảnh" đoạt giải nhất cuộc thi của Tạp chí Văn học Non Nước TP.Đà Nẵng... Năm 1996, ông về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội và sau đó một năm Đại tá Đỗ Viết Nghiệm được bổ nhiệm làm trưởng đại diện phía Nam của tạp chí này cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 2009. Ông đã xuất bản: Hoa Mưa (tập truyện - NXB Văn học 1998), Dòng sông phù sa (tiểu thuyết - NXB Văn học 2000), Khúc Đồng Dao (tập truyện - NXB QĐND 2002), Rừng không cây (tập truyện ngắn - NXB QĐND 2008), Nguyễn Văn Trà - người anh hùng an ninh nhân dân (truyện ký - NXB CAND 2012), Symphon - ký ức Đồng khởi ở Boston (tiểu thuyết - NXB CAND 2020), Trần Hữu Nghiệp - đời là kẻ sĩ (truyện ngắn - NXB Thanh niên 2021)... Những tác phẩm của ông đã được tặng nhiều giải thưởng văn học, báo chí Trung ương và địa phương, được độc giả đón nhận nồng nhiệt, có cuốn tái bản nhiều lần.
(Còn tiếp...)
(CATP) Khi đất nước bị xâm lược, họ tham gia chiến đấu trên những trận tuyến nóng bỏng, bất chấp gian khổ, hy sinh. Khi Tổ quốc đã độc lập, thống nhất, họ trở về các giảng đường đại học, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp chung của dân tộc bằng tài năng sáng tạo, lao động miệt mài và đạo đức sáng ngời được trui rèn qua lửa đạn chiến tranh. Họ làm đẹp thêm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc từ sau ngày 30/4/1975 đến nay; là tấm gương xứng đáng cho thế hệ trẻ noi theo!