(CATP) TPHCM đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt kéo dài, có hôm gần 39 độ C. Dù Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã phát cảnh báo: Thời tiết nắng nóng gay gắt có thể tác động đến sức khỏe, nhưng không ít người phải ra đường giữa cái nắng như đổ lửa để kiếm tiền trang trải cuộc sống khiến cuộc mưu sinh càng thêm vất vả...
Quay quắt mưu sinh
Theo quan sát của chúng tôi, những ngày qua, từ 11 - 15 giờ, nhiều tuyến đường ở TPHCM vắng người qua lại, những ai buộc phải ra đường đều đeo kính, bịt khẩu trang, mặc quần áo chống nắng từ đầu đến chân. Với những người lao động, nắng nóng khiến công việc càng trở nên nhọc nhằn, lại thêm nỗi lo bệnh tật vì phải phơi mình thường xuyên dưới ánh mặt trời chói chang.
Chị Lê Thị N. (45 tuổi, quê Bình Định) cho biết, từ quê lên TPHCM hành nghề bán vé số mưu sinh được 10 năm. Mặc dù đã quen với cuộc sống nay đây mai đó ngoài đường nhưng chị vẫn không chịu nổi cái nắng nóng rát da từ cuối tháng 3 đến nay. "Có hôm tôi bị say nắng, chân tay bủn rủn, xây xẩm mặt mày. Thấy không ổn, tôi vào chỗ mát cho đỡ mệt rồi đi bán tiếp. Phải ráng thôi vì không đi làm thì lấy đâu ra tiền trả nhà trọ, lo cho cuộc sống gia đình", chị chia sẻ. Cùng chiếc xe đạp rong ruổi trong các con hẻm ở huyện Nhà Bè để mua ve chai nhiều năm nay, bà Hoàng Thị Tâm (50 tuổi, quê Bình Định) ngán ngẩm cho biết: "Do công việc phải đạp xe liên tục dưới trời nắng nên da luôn nóng rát dù đã che chắn đủ kiểu. Nghề này vốn đã vất vả, những ngày trời nắng nóng càng mệt mỏi hơn nhưng cũng phải gắng gượng".
Mưu sinh dưới thời tiết khắc nghiệt
Sau bữa cơm trưa vội vã, nhiều tài xế xe ôm công nghệ tìm đến các công viên, bóng cây trên vỉa hè tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi và trốn nắng. Anh Trần Thái T. (35 tuổi) cho biết: "Hổm rày nắng nóng gay gắt, tôi phải chọn đường nào có nhiều bóng cây để đi cho đỡ mệt". Dưới cái nóng hầm hập, anh Trịnh Thanh Du (43 tuổi) dừng chiếc xe tự chế chở đủ loại rau củ trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q7) rồi tìm một chỗ mát để nghỉ ngơi. Lau vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt đỏ bừng, anh cho biết: "Thời tiết này rau mau héo lắm, vừa mất ký lại ít người mua. Đâu ai muốn ra đường giữa trời nắng, vì hoàn cảnh cả thôi...".
Gia tăng dịch bệnh
Cùng thời điểm này, nhiều bệnh viện (BV) ở TPHCM cũng tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân (BN) đến khám, nhập viện điều trị do nắng nóng. Bệnh viện Da liễu TPHCM có nhiều BN đến khám về da do thời tiết nắng nóng, trong đó có trường hợp da mặt bỏng rát, xuất hiện hồng ban, bong da...
Bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc HCDC - cho biết, tháng 3 - 4 hàng năm là khoảng thời gian thường gia tăng các trường hợp bệnh tay chân miệng, thủy đậu, quai bị và có thể hình thành các chùm ca bệnh ở trường học hoặc những khu vực tập trung nhiều trẻ em. Theo hệ thống giám sát dịch tễ bệnh truyền nhiễm của TPHCM, trong 11 tuần đầu của năm 2024, thành phố có 1.495 ca tay chân miệng đến khám và nhập viện; đối với bệnh thủy đậu, trong 11 tuần đầu năm có 328 ca được báo cáo. Cũng theo HCDC, các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng gồm: say nắng hay đột quỵ; nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước đầy đủ hoặc do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Trong đó, nhóm có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi tình trạng này là người già, trẻ em, phụ nữ, người lao động ngoài trời hoặc mắc các bệnh mãn tính... Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi, từ đó gây mất nước; nếu không được bổ sung kịp thời sẽ khiến máu dễ kết dính, lưu thông kém dẫn tới tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ...
Tranh thủ tìm chỗ tránh nắng
Sở An toàn thực phẩm TPHCM cũng cảnh báo, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, dễ làm thức ăn ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận và có thể gây ngộ độc. Để phòng, chống tình trạng này, người dân cần chọn thực phẩm an toàn, nấu chín kỹ, bảo quản cẩn thận, rửa tay sạch trước khi chế biến, sử dụng nguồn nước an toàn... Để phòng các bệnh do thời tiết nắng nóng, HCDC khuyến cáo người dân nên uống đủ nước, chia thành nhiều lần trong ngày; tránh ra ngoài trời từ 10 giờ - 16 giờ; khi phải ra đường cần che chắn cẩn thận bằng cách đeo khẩu trang, mặc váy chống nắng và áo khoác dài tay...
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định, trong tháng 4/2024 nắng nóng mạnh hơn tháng 3 với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C xuất hiện nhiều đợt kéo dài; ngoài ra còn một vài ngày nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lên đến 37 - 38 độ C. Nhiệt độ cao, thời gian có nắng trong ngày kéo dài 7 - 10 tiếng, độ ẩm thấp sẽ gây khó chịu, nhất là đối với những hoạt động ngoài trời. Mùa mưa năm nay tại TPHCM và khu vực Nam Bộ đến muộn hơn trung bình nhiều năm, vào khoảng giữa tháng 5, nhiệt độ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm.
Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết, nguyên nhân của nắng nóng diễn ra tại TPHCM là do hệ thống áp cao Tây Thái Bình Dương chi phối. Bên cạnh đó, vùng áp thấp nóng phía Tây có cường độ mạnh mở rộng về phía Đông Nam. Nắng nóng tại đô thị như TPHCM gay gắt hơn còn do tác động cộng hưởng của nhà cao tầng, đường bê-tông, phương tiện giao thông với mật độ dày... Thời gian nắng nóng kéo dài với cường độ cao, độ ẩm không khí thấp càng gây cảm giác về mức độ nắng nóng gia tăng hơn.
Những ngày vừa qua, tình hình xâm nhập mặn xảy ra ở nhiều tỉnh thành Nam Bộ, trong đó có TPHCM, tiến sâu vào nội đồng. Theo đó, từ ngày 01 - 10/4, hạn mặn sẽ xâm nhập khá sâu vào các sông, kênh rạch ở TPHCM, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Do hiện tượng El Nino khiến nắng nóng kéo dài, sản lượng điện tiêu thụ của TPHCM được dự báo lập kỷ lục mới trong tháng 4 và tháng 5/2024 với trên 95 triệu kWh mỗi ngày. Nhu cầu dùng điện tăng chủ yếu do sử dụng nhiều thiết bị giải nhiệt, làm mát, đặc biệt là máy lạnh...