(CATP) Công trình đường dây 110kV đấu nối từ Nhà máy Điện mặt trời GAIA vào TBA 220kV Long An 2 đi qua địa bàn các huyện Thạnh Hóa, Thủ Thừa và TP.Tân An vướng mắc do một số hộ dân chưa đồng tình. Ngày 26-11, UBND huyện Thủ Thừa đã hỗ trợ thi công.
Dự án Nhà máy Điện mặt trời (NMĐMT) GAIA được Thủ tướng chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch điện VII điều chỉnh tại quyết định số 1475/TTg-CN ngày 25-10-2018. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Long An đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 4178/QĐ-UBND ngày 12-11-2018, NMĐMT GAIA công suất 100.5MWp, khi hoàn thành sẽ cung cấp 149,436MWh/năm, góp phần bổ sung nguồn điện ổn định vào hệ thống điện quốc gia và Long An.
Dự án quy mô công suất 100,5MWp trên diện tích 125ha, vốn đầu tư gần 100 triệu USD tọa lạc xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa. Đây là vùng đất bị nhiễm phèn nặng, chủ yếu trồng cây tràm để phục vụ cho các công trình xây dựng khu ĐBSCL, các tỉnh miền Đông, TPHCM... Trong dự án có xây dựng Nhà máy BCG - CME với diện 50,2ha, lắp đặt 123.000 tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt với công nghệ và thiết bị hiện đại mang lại hiệu suất cao. Đến nay gần như đã hoàn thành đang chờ công trình đường dây 110kV để đấu nối hòa vào lưới điện quốc gia.
Theo thiết kế, đường dây đấu nối dự án chiều dài khoảng 30 cây số, bao gồm 136 vị trí móng, trụ đi qua các huyện Thạnh Hóa, Thành phố Tân An, huyện Thủ Thừa với 493 hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án. Việc đấu nối Nhà máy Điện mặt trời bị kéo dài hơn một năm do vướng mắc 9 hộ dân ngụ ấp Bình Cang 2 (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) chưa chấp nhận tiền bồi thường. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến dự án không kịp hoàn thành phần đường dây đấu nối trước ngày 30-6-2019 theo kế hoạch ban đầu để hòa lưới điện quốc gia hưởng mức giá ưu đãi 9,35 cent theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ.
Một số hộ dân cho biết, việc NMĐMT “cào bằng” giá ở vị trí dọc lộ giao thông tương đương đất nằm sâu trong cánh đồng là không thể chấp nhận được. Nếu áp dụng một giá sẽ làm cho nông dân thiệt thòi rất lớn bởi hòa lưới điện mặt trời sẽ đem lợi ích hài hòa giữa chính quyền, nhà đầu tư và người sử dụng. Thế nhưng phải tính toán hỗ trợ cho những gia đình bị ảnh hưởng phù hợp với thực tế.
Đại diện nhà đầu tư cho biết: “Lưới điện đi qua sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh, còn giá hỗ trợ dân đều do chính quyền quyết định. Chúng tôi đã thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, đã tiến hành đối thoại, công khai giá bồi thường và giải thích các quyền lợi khác chứ không hề ép dân. Hầu như các hộ có đường dây đi qua đồng tình, chỉ còn lại 9 hộ này chưa chấp nhận”.
Ông Nguyễn Đăng Minh Xuân - Bí thư huyện ủy Thủ Thừa thông tin, Ban thường vụ huyện ủy có kết luận số 29/ KL-HU chấp thuận chủ trương hỗ trợ thi công kéo dây qua các khoảng néo để nối vào điểm cuối TBA 220kV Long An 2. UBND huyện đã thông qua ngày thực hiện hỗ trợ thi công dự kiến từ ngày 26-11 đến hết ngày 1-12. Hai ngày qua, đơn vị thi công tiếp tục triển khai thực hiện phần còn lại, đối với cá nhân chưa đồng tình nhận tiền có quyền khiếu nại đến cấp thẩm quyền sẽ thụ lý giải quyết.