Vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên:

Tài sản chia tỉ lệ 60/40, nộp án phí hơn 80 tỷ đồng

Thứ Tư, 27/03/2019 17:39

|

(CAO) Ngày 27-3, sau gần một tháng tạm hoãn, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử và tuyên án vụ án ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên.

Vụ li hôn với nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (47 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên) và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).

Theo nội dung vụ án, bà Thảo và ông Vũ có 4 người con. Năm 2015, sau thời gian dài có nhiều mâu thuẫn, bà Thảo đơn phương ly hôn, đề nghị được nuôi các con.

Về tài sản chung tạo lập là cổ phần tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên gồm: Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, ông Vũ đứng tên số cổ phần chiếm 20% vốn điều lệ, bà Thảo 10%. Tại công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment), ông Vũ đứng tên chiếm 60%, bà Thảo 30%. Công ty CP Cà phê Trung Nguyên, ông Vũ 10%, bà Thảo 5%. Công ty CP Trung Nguyên Franchise, ông Vũ 10%, bà Thảo 5%. Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê, mỗi người đứng tên cổ phần 15%; Công ty CP Hòa tan Trung, ông Vũ chiếm 10%, Thảo 5%; Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông, ông Vũ đứng tên trên cổ phần chiếm 30%.

Về tài sản chung gồm tổng tiền gửi tiết kiệm là hơn 2.471 tỷ; 26 bất động sản ở trong nước và nước ngoài do bà Thảo đứng tên hoặc nhờ người khác đứng tên hộ; các công ty bà Thảo thành lập từ tiền chung của 2 vợ chồng gồm 4 công ty.

- Ảnh:

Về cổ phần tại các công ty, bà Thảo đề nghị sở hữu 51%, ông Vũ 39% trong Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên; bà Thảo 15% tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên và mỗi người 7,5% cổ phần trong Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên. Với số cổ phần tại 4 công ty còn lại, bà Thảo đồng ý cho ông Vũ sở hữu toàn bộ.

Còn ông Vũ đề nghị hưởng 70% giá trị cổ phần tại tất cả công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và sẽ thanh toán lại cho bà Thảo bằng tiền mặt đối với số cổ phần còn lại. Cả hai đều giành quyền điều hành công ty mang thương hiệu cà phê Trung Nguyên.

Trước các yêu cầu của bà Thảo, ông Vũ chấp thuận việc các con sống với mẹ, ông cấp dưỡng 10 tỷ đồng mỗi năm để bà nuôi con.

Sau quá trình hòa giải và xét xử, hai vợ chồng thống nhất để bà Thảo sở hữu căn nhà ở đường Tú Xương (quận 3), bốn người con của họ sống với bà Thảo tại căn nhà này. 12 BĐS khác hai vợ chồng đồng ý chia đôi. Riêng số tài sản hơn 2.100 tỷ đồng tại các ngân hàng, ông Vũ yêu cầu vợ chia cho mình 70%, vợ hưởng 30%.

Bà Thảo và các luật sư tại tòa

Cả hai đều giành quyền điều hành công ty mang thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Ông Vũ cho rằng, bà Thảo không phải là người đồng sáng lập mà do ông và gia đình làm chủ. Năm 1996 để có vốn thành lập doanh nghiệp, cha mẹ ông đã bán nhà để có tiền phát triển công ty. Ông là linh hồn, trí tuệ, trái tim của Trung Nguyên.

Phía bà Thảo cho rằng trước khi kết hôn, ông Vũ làm ăn thua lỗ và trắng tay. Chỉ khi 2 người kết hôn, nhờ vào sự hỗ trợ của bà, ông Vũ mới vực dậy được công việc kinh doanh. Ngoài ra bà cũng cho rằng mình là người góp vốn cho bố mẹ ông Vũ.

Khi vụ án được mở, trong quá trình xét xử ông Vũ phản tố, yêu cầu chia khối tài sản là tiền, vàng hơn 2.100 tỷ bà Thảo gửi ở 3 ngân hàng. Tòa đã phải tạm ngừng để xác minh khối tài sản này, tuy nhiên kết quả tại thời điểm xác minh, tài sản gửi tại 3 ngân hàng đứng tên bà Thảo chỉ còn 1,3 tỷ.

Trong vụ ly hôn đình đám này, trước đó, đại diện VKS cho rằng, quá trình thụ lý vụ án, HĐXX thực hiện đúng nhưng vẫn còn một số sai sót như: chưa mở phiên họp công khai chứng cứ chứng minh yêu cầu phản tố của bị đơn.

Sau khi có xác minh tài khoản ngân hàng, thẩm phán không mở phiên hòa giải. Về yêu cầu khối tài sản 2.100 tỷ đồng là yêu cầu mới phát sinh tại tòa. Tuy ông Vũ rút yêu cầu nhưng chủ tọa không đình chỉ nên phải cho 2 bên trình bày ý kiến về yêu cầu phản tố này.

Về yêu cầu phân chia phần vốn góp chung của các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, đại diện Viện KSND TP.HCM cho rằng “ông Vũ khởi nghiệp từ năm 1996. Giấy phép công ty ban đầu chỉ đứng tên mình ông; bà Thảo nói có góp tiền cho ông Vũ khởi nghiệp nhưng không có chứng cứ chứng minh. Từ khi thành lập đến nay, ông Vũ hầu như quản lý, điều hành tập đoàn”.

Tuy nhiên, Viện KSND TP.HCM cũng cho rằng bà Thảo vừa chăm sóc con cái, vừa tham gia công ty và được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc nên đề nghị HĐXX phân chia tỷ lệ phù hợp, không ảnh hưởng hoạt động bình thường tại các công ty.

Trong quá trình tố tụng, tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo hoạt động bình thường của các doanh nghiệp và quyền lợi ích hợp pháp của hai bên. Đến nay cần hủy bỏ các biện pháp này...

Sau quá trình xét xử, HĐXX nhận thấy, về tài sản chung vợ chồng tại các công ty, việc phân chia tài sản theo nguyên tắc là chia đôi. Tuy nhiên, Luật hôn nhân gia đình quy định, có xem xét đến sự đóng góp công sức của mỗi bên. Theo đó, ông Vũ có công gây dựng, phát triển Trung Nguyên thành thương hiệu quốc gia và có được thành công như ngày hôm nay nên cần phải chia phần hơn cho ông Vũ. Vì vậy tòa tuyên chia cho ông Vũ 60% và bà Thảo 40% giá trị tài sản tại các công ty.

Theo đó, bà Thảo sẽ giao toàn bộ số cổ phần trong các công ty của tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ và ông Vũ sẽ thanh toán phần chênh lệch tài sản cho bà Thảo.

Đối với các tài sản là bất động sản, xét yêu cầu của ông Vũ giao cho ông số bất động sản và tài sản trên đất ông đang sử dụng và giao cho bà Thảo số bất động sản và tài sản trên đất cho bà Thảo đang sử dụng. Do 2 bên thống nhất chia đôi số bất động sản nên bà Thảo sẽ giao lại cho ông Vũ số tiền chênh lệch.

Về số tài sản gồm tiền, vàng, ngoại tệ là hơn 1.765 tỉ đồng là số tiền bà Thảo gửi trong các tài khoản tại các ngân hàng.

Ông Vũ hoàn toàn không giữ số tiền này, ông Vũ cũng khẳng định không sử dụng bất cứ đồng nào, đại diện các công ty của Trung Nguyên cũng khẳng định không nhận được đồng góp vốn nào từ khoản tiền này.

Không bên nào chứng minh được số tiền này là tài sản riêng nên Tòa yêu cầu chia đôi khoản tiền này. Tuy nhiên, sau đó HĐXX quyết định giao cho bà Thảo sử toàn bộ số tiền hơn 1.765 này.

Yêu cầu ông Vũ giao số tiền chênh lệch từ các cổ phần cho bà Thảo, nếu khi bản án có hiệu lực mà ông Vũ không giao thì sẽ tính theo lãi suất theo quy định ngân hàng.

Bà Thảo phải nộp án phí dân sự 300 ngàn đồng và án phí tài sản là hơn 33 tỉ đồng. Án phí tài sản ông Vũ phải nộp là hơn 48 tỉ đồng. Tổng cộng án phí hơn 80 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang