(CAO) Các cơ quan chức năng đang xem xét bổ sung quy định bảo lưu thời gian đóng BHXH sau khi rút một lần vào dự thảo sửa đổi Luật BHXH để người dân có cơ hội tiếp tục tham gia đóng.
Tại hội nghị tập huấn về chính sách BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022 do BHXH Việt Nam tổ chức, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, qua khảo sát, có 61,1% công nhân cho rằng sẽ nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Tỉ lệ công nhân không có dự định rút là 31,1% và có ý kiến khác là 7,9%.
Trong đó, 56,7% công nhân ở miền Bắc có ý định nhận BHXH một lần, thấp hơn so với 63,3% công nhân ở miền Trung và 63,5% công nhân ở miền Nam. Đối với công nhân điện tử và công nhân may, tỉ lệ này là 59,8% và 62,5%.
Nguyên nhân rút BHXH một lần là do không có tích luỹ, thu nhập bấp bênh và không có niềm tin vào công việc dài hạn... Do đó, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải có các giải pháp phù hợp để điều chỉnh bổ sung các quy định về pháp luật lao động và BHXH cho giai đoạn tới nhằm khuyến khích công nhân không lựa chọn hình thức rút BHXH một lần.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chia sẻ tại buổi tập huấn.
Còn ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ, về định hướng chính sách BHXH đến năm 2030 và một số nội dung dự kiến sửa đổi Luật BHXH, ông Trần Hải Nam cho biết mục tiêu mà Nghị quyết số 28 đặt ra là đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi;
Khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí XH; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 85%.
Đồng thời, nghị quyết 28 đưa ra nội dung cải cách là sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí;
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác; Sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần;
Sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH....
Bên cạnh đó, Luật BHXH sửa đổi cũng đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH...
Tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc: tăng mức hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện; và bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện.
Đồng thời, quy định lộ trình giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách. Có chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động tham gia đóng góp để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần, bên cạnh việc cho phép người lao động được tiếp tục hưởng BHXH một lần nếu có nhu cầu.