Xứ Nẫu đi nhớ, về… thương!

Chủ Nhật, 03/03/2024 18:01

|

(CATP) Phú Yên bao đời yên ả trong vòng tay biển cả. Biển đã tạo nên một vùng đất mà không phải nơi đâu cũng tìm ra sự bình yên đến vậy! Xứ Nẫu từ chỗ hoang sơ nay đã trở mình phát triển ngành du lịch nhờ quyết sách sáng tạo từ hệ thống chính trị tỉnh nhà, cùng sự chung tay đóng góp dựng xây của những người con nặng lòng với quê hương xứ sở.

Xứ nẫu "quơ thơ”

Đã lâu không về xứ Nẫu, vùng đất mặn mòi hương biển. Con người ở đây bao đời chân chất, giản đơn. Có lẽ vì vậy mà khách du lịch ngày càng thích đến với quê hương của... những "nhà thơ”. Nói về nhà thơ thì ắt hẳn nơi đâu cũng có, thậm chí có nơi còn là cái nôi của những nhà thơ kiệt xuất là khác. Nhưng ở một khía cạnh hài hước thì chẳng ở đâu "nhà thơ” nhiều bằng xứ Nẫu Phú Yên!

Chuyện là một ngày nọ, có đoàn khách ở Miền Nam ra, tò mò hỏi một anh cán bộ xã rằng: "Bà con xã mình làm nghề gì chủ đạo?". Anh cán bộ xã thật tình đáp: "Dân mình phần lớn đi làm thơ”. Các vị khách nghe xong thoáng chút giật mình, trầm trồ khâm khả năng thi phú của dân xứ Nẫu. Nhưng khi được giải thích sâu hơn mới hiểu thì ra giọng nói đặc thù của địa phương hay đánh vần vần "uê” thành vần "ơ”. Vì vậy mới có chuyện đi "làm thuê” được nói thành đi "làm thơ”. Người nghe vỡ lẽ, cười sảng khoái về sự dễ thương đó.

Ông Phạm Đại Dương - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên phát biểu tại một sự kiện du lịch

Sau này có dịp ngồi hóng chuyện, nghe những người hiểu biết nói với nhau, lại càng thương dân mình hơn. Chuyện vầy, tiếng Việt ngộ, cứ phát âm thành từng tiếng, người hiểu biết gọi là "âm tiết". Mỗi âm tiết có 3 phần: Âm đầu, vần và thanh điệu; âm đầu là âm khởi đầu âm tiết, dân các vùng miền chia nhau cùng... sai âm cuối là nơi kết thúc âm tiết. Với âm đầu, âm cuối, miền Bắc, miền Nam cùng sai, kiểu /l/ với /n/ ở miền Bắc (như "nói láo" thành lói náo), /t/ với /k/ ở miền Nam (như "tát" và "tác"). Thanh điệu thì trải dài từ đầu đến cuối âm tiết, nên sai trên toàn quốc. Chỉ riêng âm chính nằm giữa âm tiết, là hạt nhân của âm tiết thì bà con miền Trung "ôm" hết cái sai, nhất là người Phú Yên, sai có hệ thống: chữ /a/ biến thành /e/ (như "ba" thì thành "be"), vần /ơi/ biến thành /âu/ (như "trời" thì thành "trầu"). Sai nhiều vậy mà bao đời có sửa được đâu. Có lẽ được cái đất, cái nước quyện cùng nắng, gió ở xứ sở này nuôi dưỡng, nên đã thành cái thâm căn cố đế, bất di bất dịch trong mỗi người con của Phú Yên, để cái tên xứ Nẫu trở thành thân thương đến vậy.

Vùng đất này chưa năm nào ngớt bão lũ, thiên tai. Vì cuộc sống mưu sinh, không ít người chấp nhận bỏ lại quê nhà, xuôi theo các chuyến tàu, xe vào Nam lập nghiệp. Ở TPHCM, hễ nhắc đến dân Phú Yên thì người ta biết ngay họ đa số là những cư dân hành nghề bán vé số, phụ hồ. Cơ cực là vậy mà gặp ai miệng họ cũng nở nụ cười giòn tan. Vô tư để sống, hiền lành mà vượt qua sóng gió, chông gai!

Nhưng thiệt thòi là câu chuyện của quá khứ. Phú Yên vài năm nay đã vươn mình trở dậy. Những chủ trương, quyết sách quyết liệt và đúng đắn của hệ thống chính trị tỉnh nhà về phát triển du lịch đã làm cho vùng đất này từng bước thay da đổi thịt, giúp đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng đủ đầy, ấm no hơn trước. Một lượng lớn "nhà thơ” nhờ vậy mà tự tin bám trụ lại quê cha đất tổ vì nơi đây có công ăn việc làm ổn định, tránh cảnh ly hương ở xứ người.

Ông chủ quán bánh canh hẹ Dì 7 hào sảng và mến khách

Người trẻ chung tay

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, tổng số lượt khách du lịch đến tỉnh này trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 ước đạt 105.000 (tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 650 khách quốc tế (tăng 17% so với cùng kỳ năm trước).

Đây không phải là những con số trên bàn giấy vì diễn biến thực tế của ngành du lịch đã chứng minh tính hiệu quả mang lại nhờ công tác quản lý, phát triển ngành du lịch của địa phương này. Các công trình hạ tầng, danh lam thắng cảnh... không những được trùng tu, xây dựng mới khá phù hợp mà còn kích cầu phát triển, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Sân bay Tuy Hòa trước kia mỗi ngày 1 chuyến, nay vào dịp cao điểm tăng lên gấp 4 - 5 lần như thế. Những giá trị văn hóa truyền đời được gìn giữ và phát huy khéo léo để lan tỏa; việc phối kết hợp các ý tưởng, xu hướng hiện đại đã giúp cho Phú Yên tạo nên bản sắc riêng của vùng đất này.

Có được vậy là nhờ sự nỗ lực "chung lưng đấu cật" của rất nhiều người. Chính người dân tỉnh nhà không thể không ghi nhận sự sáng suốt của người đứng đầu Tỉnh ủy Phú Yên: ông Phạm Đại Dương. Trong một lần đưa tin, chúng tôi còn nhớ như in khoảnh khắc ông Phạm Đại Dương đi ngang qua một ngôi giếng cổ bị bỏ hoang tại xóm Mù U thuộc KP5, P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa. Biết đây là giếng cổ, Bí thư Tỉnh ủy lập tức gọi Chủ tịch phường và các cơ quan chức năng đến, căn dặn phải gìn giữ, xây dựng các hạng mục bảo vệ, làm cho ngôi giếng cổ được khang trang hơn. Giá trị của bản sắc văn hóa nằm ở những chỉ đạo tưởng chừng đơn giản đấy chứ chẳng ở đâu xa! Một vị Bí thư không phải người xứ Nẫu, nhưng có lẽ trong thâm tâm của người xứ Nẫu thì ông chính là "người con của xứ Nẫu", vì sự đóng góp âm thầm mà ông đã dành cho vùng đất này là điều không thể phủ nhận. Và ông là một trong số những Bí thư Tỉnh ủy trẻ tuổi của cả nước!

Điểm ngắm hoàng hôn tại khách sạn Hoàng Gia, nơi được đánh giá có "view" đẹp bật nhất TP.Tuy Hòa

Cũng có những người trẻ vì nặng nợ hai chữ "quê hương" mà quay về đóng góp. Anh Nguyễn Hoàng Gia vốn là cán bộ công tác tại một Sở của TPHCM. Năm 2016, anh Gia đã viết đề án về điện năng lượng mặt trời, sau đó thành công vang dội về lĩnh vực năng lượng tự nhiên này. "Đôi cánh" điện năng lượng mặt trời có thể giúp anh tiếp cận nhiều cơ hội mới ở tận trời Âu. Nhưng sau nhiều phen trăn trở, cái nghĩa quê nhà lại thôi thúc anh trở về góp sức.
 

  Anh Nguyễn Hoàng Gia - một trong những người đầu tiên viết đề án điện mặt trời

Cộng hưởng sự phát triển của ngành du lịch, anh quyết định gầy dựng một khách sạn có tên Hoàng Gia, làm điểm ngắm hoàng hôn có thể đánh giá là đẹp bậc nhất TP.Tuy Hòa để đón du khách. "Tôi chủ trương phát triển dịch vụ du lịch mang đến trải nghiệm tốt nhất và quan trọng nhất là phải xây dựng được bản sắc riêng. Có vậy mới bền vững và du khách mới nhớ đến quê hương mình mà quay lại" - Anh Gia chia sẻ. Đúng như anh Gia nói, chưa kể đến trải nghiệm những dịch vụ hiện đại của khách sạn này, chỉ cần lên sân thượng của tòa nhà, bỏ ra vài phút lặng mình ngắm hoàng hôn khuất dần sau triền núi Nhạn cổ kính cũng đủ thấy cuộc sống nhẹ nhàng lắm thay!

Ngôi giếng cổ ở xóm Mù U được Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương chỉ đạo bảo vệ, trùng tu

Hay như ông chủ quán bánh canh hẹ Dì 7 nổi tiếng ở TP.Tuy Hòa chẳng hạn. Có được trong tay công thức nấu "bánh canh hẹ” từ chính người nấu ra món ăn nổi tiếng này đầu tiên ở tỉnh Phú Yên, anh Nguyễn Thanh Duy (thường được khách hàng gọi là Duy "béo") đi đến đâu cũng gặt hái thành công. Riêng tại TPHCM, anh có tới 3 điểm bán món ăn nổi tiếng này, mang lại doanh thu ổn định hàng năm. Đến năm 2022, nhận thấy chính sách phát triển du lịch của lãnh đạo tỉnh đang thu hút lượng lớn du khách hàng năm, anh quyết định chọn ở lại nơi là cái nôi của món ăn truyền đời này để phục vụ du khách, quảng bá cho ngành du lịch tỉnh nhà. Khách thập phương gần xa một khi đã thưởng thức bánh canh hẹ Dì 7 trên đường Nguyễn Trãi (TP.Tuy Hòa) của anh Duy đều "phải lòng" về hương vị ẩm thực đậm đà, cũng như tấm lòng chất phác của những người con xứ Nẫu.

Đó chính là giá trị mang lại từ sự phát triển bền vững. Xứ Nẫu nhờ những điều bình dị như vậy mới được du khách đi nhớ, về... thương!

Bình luận (0)

Lên đầu trang