Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TPHCM:

Bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân là lẽ sống của lính cứu hoả

Thứ Tư, 19/08/2020 18:54

|

(CAO) Sau một lần tình cờ chứng kiến lực lượng cảnh sát dũng cảm xông vào lửa cứu người, chữa cháy, chàng trai trẻ Huỳnh Quang Tâm đã quyết tâm gia nhập lực lượng đặc biệt này để được sống và chiến đấu như họ.

Trải qua hành trình gần 30 năm hiện thực hoá ước mơ đời mình, dù trong hoàn cảnh nào, Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an TPHCM (gọi tắt Phòng PC07) vẫn luôn giữ trọn “lửa” đam mê trên con đường đã chọn.

Nhờ những thành quả trong thời gian qua, góp phần tạo nên sự bình yên, an toàn cho người dân TP, Đại tá Huỳnh Quang Tâm vinh dự là 1 trong 75 gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" do Bộ Công an tổ chức nhân dịp chào mừng 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chào mừng 75 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND, 15 năm ngày hội Toàn dân Bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Các gương điển hình tiên tiến trong lực lượng CAND chụp hình lưu niệm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Đại tá Huỳnh Quang Tâm đầu tiên bên trái)

TỪ NGÀY ĐẦU "BÉN DUYÊN" NGHỀ CỨU HOẢ

Ngày đó, sau buổi học thêm buổi tối ở trường Mạc Đĩnh Chi, chàng trai Huỳnh Quang Tâm đi bộ về nhà. Đi được một đoạn bỗng thấy phía trước có khói đen bốc lên kín cả góc đường, người dân xung quanh chạy náo loạn, la hét cầu cứu. Ngay lúc này, xe chữa cháy lao nhanh vào vùng khói đen, hàng chục anh lính cứu hoả nhảy xuống xe, thao tác thuần thục các phương án dập lửa cứu người.

“Tôi đứng bên đường mà còn cảm giác khí nóng rát cả mặt. Vậy mà các anh cứ tiến nhanh, tiến thẳng vào đám cháy. Từ nhiều hướng, nước tuôn xối xả vào ngọn lửa đang cháy ngùn ngụt như thiêu, như đốt. Hơn chục công nhân mắc kẹt trong đám cháy đã được các anh lính chữa cháy cõng ra khỏi hiện trường. Gần 10 phút sau các anh đã khống chế được “giặc lửa”. Ngay lúc ấy, trong đầu tôi chỉ tràn đầy hình ảnh dũng cảm và nhiệt tình của màu áo đặc trưng lính chữa cháy, ngay khoảnh khắc ấy ước mơ của tôi đã xác định rõ!”, Đại tá Tâm nhớ lại.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm.

Từ đó, hình ảnh người lính cứu hoả với trang phục xanh đen, viền vàng, nón đỏ, ủng cao su, thắt lưng da to bản,… cứ hiện diện trong từng giấc mơ của chàng trai trẻ Huỳnh Quang Tâm. Vì vậy, trong một bữa cơm của gia đình, Huỳnh Quang Tâm đã lấy hết can đảm chia sẻ với gia đình về đam mê của bản thân.

“Tôi đang có kết quả khá tốt trong học tập, nếu thi vào các trường khác thì khả năng đậu rất cao. Ba má tôi hơi đắn đo. Tuy nhiên, tôi đã cố gắng thuyết phục và nói rõ mơ ước của mình muốn làm người lính chữa cháy để cứu người, giúp ích cho xã hội nên cũng được gia đình ủng hộ”, Đại tá Tâm chia sẻ.

Sau hai năm theo học tại Trường Cao đẳng PCCC (TP.Hà Nội), Huỳnh Quang Tâm tốt nghiệp loại xuất sắc và được phân công về công tác tại Đội PCCC quận 3 thuộc Phòng Cảnh sát PCCC - Công an TP.Hồ Chí Minh. Với thành tích đáng nể trong học tập và công tác, qua một năm nhận nhiệm vụ, Huỳnh Quang Tâm được nhận phong hàm Thiếu uý trước niên hạn. Nhờ niềm đam mê với nghề, người lính trẻ Huỳnh Quang Tâm luôn tìm cách vận dụng kiến thức tại trường cùng với kỹ năng sau quá trình thực tế để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công và xây dựng nhiều chương trình chữa cháy hiệu quả.

Các gương điển hình tiên tiến tham dự Lễ báo công tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để ghi nhận sự cống hiến của Huỳnh Quang Tâm, cấp trên đã tin tưởng đề bạt làm Tiểu đội trưởng. Không lâu sau, đồng chí được điều về quận 4 và bổ nhiệm chức vụ Đội phó. Vào tháng 10 năm 2006, Cảnh sát PCCC TP.Hồ Chí Minh được thành lập, anh tiếp tục được đề bạt chức vụ Phó Trưởng Phòng, rồi Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận 4. Sau đó được điều động về Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận 1.

XÂY DỰNG MÔ HÌNH CHỮA CHÁY “4 LỚP” HIỆU QUẢ

“Dù đã qua nhiều năm tiếp xúc trực diện với lửa với nhiều thể loại khác nhau nhưng tôi vẫn thấy lo lắng mỗi khi nhận nhiệm vụ tại địa bàn trung tâm TP. Bởi đây là khu vực tập trung đông dân, nhiều công trình xây dựng, khu vui chơi giải trí,… mỗi quyết định đều phải được tính toán cẩn trọng trong khoảng thời gian nhanh nhất có thể.

Từ thực tế chiến đấu, vận dụng việc học lấy dân làm gốc và nhất là phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện và vật tư hậu cần), tôi đã tham mưu cho UBND quận 4 mô hình chữa cháy 4 lớp và tiếp tục vận dụng mô hình này với địa bàn trung tâm TP (quận 1). Đó là việc xác định rõ đối tượng đầu tiên khi phát hiện vụ cháy và các giải pháp, thao tác để khống chế ngọn lửa”, Đại tá Tâm nhấn mạnh.

Đại tá Tâm trao cờ lưu niệm cho các đội thi tham gia hội thao PCCC&CNCH.

Để thực hiện thành công mô hình 4 lớp, Đại tá Huỳnh Quang Tâm và cộng sự phải dành nhiều thời gian đi cơ sở để thống kê, tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ, trang bị vật tư kỹ thuật cần thiết.

Theo đó, để tạo nên “hàng rào” cách lửa, thì cần phải trang bị kiến thức đến từng hộ gia đình – đối tượng phát hiện cháy đầu tiên. Tiếp đến là những người thường xuyên có mặt tại địa phương, từ anh lái xe ôm cho đến chị bán hàng. “Hàng rào” tiếp theo là lực lượng dân quân, bảo vệ dân phố và cuối cùng là lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an quận, Quận đội, Hội Chữ thập đỏ, ban, ngành, đoàn thể…ở địa phương. Tất cả đều được tập huấn nghiệp vụ cơ bản để có thể nhanh chóng phối hợp khi xảy ra sự cố.

Bên cạnh đó, Đại tá Tâm còn là người đã đưa ra nhiều mô hình sáng tạo trong công tác tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC. Cụ thể, đưa tiểu phẩm về an toàn phòng cháy lồng ghép vào các buổi tuyên truyền tại các khu dân cư để tập trung sự chú ý của bà con, góp phần vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia PCCC.

Ngoài ra, Đại tá Tâm còn chú trọng đẩy mạnh, thiết lập xây dựng mối quan hệ với các cơ quan chức năng trên địa bàn quản lý, tạo sự phối hợp chặt chẽ, khắng khít và đồng thuận cao nhất trong công tác làm cho phong trào toàn dân tham gia PCCC.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm tham gia giao lưu, gặp mặt các gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" của lực lượng CAND tại Hà Nội.

GÓP PHẦN KIỆN TOÀN TỔ CHỨC, BỘ MÁY

Sau thời gian công tác tại cơ sở, với những thành tích nổi bật trong công tác và chiến đấu, ngày 29-12-2015, Đại tá Huỳnh Quang Tâm được Thường vụ - Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM (cũ) điều động và phân công về Phòng Tổ chức cán bộ giữ chức vụ Trưởng phòng.  Tại vị trí công tác mới, Đại tá Tâm chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố trong sạch, vững mạnh, chính quy, hiện đại, vì nhân dân phục vụ.

Với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng chí đã trực tiếp tham mưu, chỉ đạo và thực hiện công tác tổ chức, công tác cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác chính sách và bảo hiểm, công tác bảo vệ chính trị nội bộ... thuộc Cảnh sát PCCC theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết, Chỉ thị, quyết định của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an nhằm xây dựng lực lượng PCCC đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm nhận Bằng khen điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020.

Đặc biệt trong năm 2018, với chủ trương thực hiện việc sáp nhập Cảnh sát PCCC vào Công an thành phố theo Đề án 106 của Bộ Công an, Đại tá Huỳnh Quang Tâm đã trực tiếp đề xuất, tham mưu, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức máy của Cảnh sát PCCC TPHCM thành 01 phòng của Công an thành phố theo hướng tinh gọn, thống nhất nhưng vẫn hoạt động hiệu quả...

NHÂN RỘNG GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TRONG CÔNG TÁC

Khi sáp nhật vào Công an thành phố, ngoài việc ổn định cơ cấu tổ chức đi vào hoạt động, thì việc xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng với yêu cầu công tác là nhiệm vụ cấp thiết. Với vai trò người “đầu tàu”, Đại tá Tâm đã đặt ra cho mình châm ngôn “Đã nói là phải làm, mà đã làm là phải thành công”.

Với ý chí khắc phục mọi khó khăn đó, Đại tá Tâm luôn tìm các khắc phục bất cập, triển khai mô hình, kế hoạch phù hợp tình hình thực tế của TP, thể hiện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đã kịp thời triển khai thực hiện việc đề xuất đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ chiến đấu, xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện lực lượng Cảnh sát PCCC đủ năng lực, trình độ đảm đương công việc.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm phát động phong trào trồng cây, tạo cảnh quang xanh, sạch trong đơn vị.

Sau gần 02 năm từ ngày thực hiện Đề án 106, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP.Hồ Chí Minh dưới sự điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng, trong đó có Đại tá Huỳnh Quang Tâm, đơn vị đã từng bước ổn định tổ chức, đi vào hoạt động hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong lĩnh vực giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Công an thành phố.

Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH là một trong những đơn vị dẫn đầu của Công an thành phố trong các phong trào thi đua, nhiều năm liền là Đơn vị quyết thắng, nhận nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành...

Ngoài triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong các mặt công tác chuyên môn tại đơn vị, đề cao và chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quan tâm đến đời sống tinh thần cho cán bộ chiến sỹ an tâm công tác và từ đó đã sản sinh ra nhiều tấm gương điển hình trong công tác chuyên môn giữ gìn an ninh trật tự.

Chính đam mê của Đại tá Tâm đã truyền thụ ý chí chiến đấu, sự mưu trí dũng cảm để các đồng đội có thể đương đầu với những khó khăn, thách thức và từ đây đã sản sinh ra những chiến sỹ không quản ngại nguy hiểm trong công tác, những chiến sỹ đã xông pha vào “biển lửa” để cứu người, cứu tài sản, cứu tính mạng của nhân dân.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sĩ bị thương khi làm nhiệm vụ.

Cụ thể, ngày 3-7-2020, những cán bộ chiến sĩ PCCC đã dũng cảm xông vào lửa để cứu 07 người đang bị kẹt trong đám cháy. Trước đó, ngày 1-6-2020, các “anh hùng lửa” kịp thời bước vào “miệng bà hoả” để giành lại sinh mạng của 07 nạn nhân (chủ yếu người già và trẻ em) đưa đến nơi an toàn, bảo vệ tài sản của người dân. Trong những lần chữa cháy, cứu người đã có không ít cán bộ chiến sĩ bị thương, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Vụ chữa cháy tại Khu chế xuất Tân Thuận đêm 30-4-2020 đã khiến 33 cán bộ chiến sĩ bị thương. Tuy nhiên, mỗi khi chuông báo cháy reo vang, mỗi người lính lại bật dậy như một phản xạ tự nhiên, nhanh chóng chuẩn bị quân trang lên xe chữa cháy đến hiện trường.

Bởi lẽ, hơn ai hết, nhưng người lính PCCC&CNCH hiểu rõ được ánh mắt hoảng sợ của nạn nhân khi phải kẹt trong “biển lửa” hoặc hang sâu khủng khiếp đến dường nào. Và chỉ cần chậm vài giây phút thì tính mạng của bà con khó được đảm bảo khi gặp phải tình huống nguy hiểm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang