Trinh sát “lửa” kể về những lần cứu người trong đám cháy

Thứ Tư, 19/08/2020 11:20

|

(CATP) Trinh sát “lửa” là lực lượng đầu tiên xông thẳng vào hoả hoạn để xác định gốc lửa và đưa nạn nhân còn mắc kẹt ra ngoài an toàn để đồng đội triển khai phương án chữa cháy hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Đó là nhiệm vụ của Đại uý Nguyễn Hữu Đạo – Tổ trưởng tổ trinh sát, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực 1 – Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an TPHCM (gọi tắt Phòng PC07).

ƯU TIÊN CỨU NGƯỜI

Ngay sau khi nhận tin báo cháy một nhà dân trên địa bàn Q.3, lực lượng chữa cháy và CNCH khu vực 1 được điều động đến hiện trường ứng cứu. Tại đây, một nam thanh niên quá hoảng loạn đã không tự thoát xuống đất mà leo lên tấm bê tông cản nước phía ngoài cửa sổ tầng 4.

“Khi vừa đến hiện trường, nhìn thấy nam thanh niên đứng cheo leo phía ngoài cửa sổ rất nguy hiểm. Xe thang lại không thể tiếp cận được vị trí nạn nhân. Lửa mỗi lúc cháy càng to, khói bao trùm khắp căn nhà khiến nạn nhân thêm phần hoảng loạn”, Đại uý Đạo nhớ lại.

Đại uý Nguyễn Hữu Đạo.

Sau khi quan sát một lượt khắp căn nhà, Đại uý Đạo cùng một trinh sát khác trong tổ quyết định băng qua lửa, theo lối cầu thang bộ tiếp cận cửa sổ, đưa nạn nhân ra ngoài an toàn. “Do tình huống lúc này rất khẩn cấp, vì tính mạng con người trong nguy hiểm chỉ được tính bằng giây. Nếu không kịp thời đưa ra phương án ứng cứu thì nạn nhân có thể trượt chân rơi xuống đất hoặc khi đám cháy bùng phát mạnh hơn nữa thì rất nguy hiểm”, Đại uý Đạo cho biết.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong thời gian qua, Đại uý Đạo đã trực tiếp ứng cứu được hàng trăm nạn nhân còn đang mắc kẹt trong các đám cháy, toà nhà cao tầng, đường điện cao thế… Mỗi nạn nhân, mỗi tình huống khác nhau nhưng cùng điểm chung là đang gặp nguy hiểm trong trạng thái tinh thần hoảng loạn. Chính vì vậy, có nhiều người không chịu tự thoát nạn do bị “sốc” tinh thần khi bất ngờ gặp phải tình huống nguy hiểm. Trường hợp này đòi hỏi người lính cứu hoả phải tâm lý để thuyết phục nạn nhân lấy lại bình tĩnh, nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn.

Trinh sát là người đầu tiên xông vào hoả hoạn để kịp thời cứu nạn nhân thoát khỏi đám cháy

Trao đổi với phóng viên, Đại uý Đạo cho biết: “Có những nạn nhân có thể tiếp cận bằng xe thang, nhưng có nhiều nạn nhân kẹt lại tại vị trí nguy hiểm, cheo leo thì mình phải nhanh chóng triển khai phương tiếp cận bằng nhiều hướng khác nhau, tuỳ địa thế tại hiện trường. Đây thường là những nạn nhân rơi vào trạng thái kích động, nếu bản thân lính trinh sát không bình tĩnh, không biết cách trấn an, mình có thể làm họ hoảng loạn hơn, nguy hiểm hơn”.

ĐỐI MẶT VỚI NHIỀU NGUY HIỂM

Là người đầu tiên tiếp cận hiện trường kiểm tra tình hình, nhận định gốc lửa để lực lượng triển khai phương án chữa cháy hiệu quả nên trinh sát cũng gặp phải nhiều rủi ro, nguy hiểm hơn. Bởi lẽ, sự tàn phá của “giặc” lửa trong các đám cháy diễn biến vô cùng nhanh và khó lường. Đặc biệt, tại các khu vực công trình lâu năm, địa thế hiểm hóc thì nguy cơ sập, đổ có xảy đến bất cứ lúc nào trong suốt quá trình chữa cháy và CNCH.

“Tuy nhiên nếu mình chần chừ, e ngại thì nguy hiểm nhanh chóng bị nhân đôi theo từng giây, từng phút. Mình phải luôn xem tính mạng người dân như người thân của mình để luôn trong tâm thế sẵn sàng, tìm mọi cách đưa nạn nhân ra ngoài an toàn”, Đại uý Đạo nói.

Đại uý Đạo kể về hành trình "xé" lửa, cứu người trong các vụ cháy, nổ với phóng viên.

Hoả hoạn phát sinh với muôn hình vạn trạng khác nhau khiến cho khoảng cách giữa sự sống và cái chết bị kéo lại gần hơn. Nếu các vụ cháy thông thường đã khó đối phó thì những vụ hoả hoạn tại các kho, bãi, địa điểm chứa hoá chất còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khó lường.

Cụ thể, vụ cháy xảy ra chiều 30-4-2020 tại Xưởng xi mạ - Công ty Cổ phần CX Technology (KCX Tân Thuận, P.Tân Thuận Đông, Q.7) không chỉ gây tổn thất kinh tế nặng nề mà còn khiến nhiều cán bộ chiến sĩ (CBCS) PCCC&CNCH bị thương khi làm nhiệm vụ.

Mặc dù bị axit bám vào người gây bỏng nhưng những người lính cứu hoả vẫn quyết bám trụ khu vực được phân công để cùng nhau khống chế ngọn lửa. Nhờ bản lĩnh vững vàng, cảnh sát PCCC&CNCH đã dập tắt ngọn lửa trong đêm, khống chế ngọn lửa trong diện tích 800/38.000 m2 của công ty.

Trinh sát "lửa" vượt tường tìm "gốc" lửa trong một vụ cháy ở Bình Tân.

Ngay trong đêm, 3 CBCS được đưa đi bệnh viện cấp cứu do vết bỏng từ axit khá nặng, riêng 30 CBCS bị thương nhẹ được lực lượng y tế tại chỗ tiến hành sơ cấp cứu. “Tham gia vụ chữa cháy đêm đó, tôi cũng bị bỏng axit tại vùng chân. Những tai nạn như thế này là điều không thể tránh khỏi đối với người lính trực tiếp ra hiện trường để chữa cháy và CNCH. Dù biết nguy hiểm, nhưng khi tiếp cận hiện trường, điều duy nhất chúng tôi nghĩ đến là làm sao cứu được tính mạng và bảo vệ tài sản người dân một cách tối ưu nhất”, Đại uý Đạo nhấn mạnh.

Để bảo vệ tính mạng, tài sản của bà con trước sự tấn công của “giặc” lửa, góp phần giữ bình yên cho người dân TP là nhờ sự nỗ lực lớn lao của tập thể CBCS Phòng PC07. Đây là những những “anh hùng” thầm lặng luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận thông tin ứng cứu của người dân nhằm kịp thời triển khai phương án chữa cháy và cứu người, dù bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng. Theo ghi nhận của chúng tôi, từ năm 1977 đến nay, đã có 8 CBCS trong lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP dũng cảm hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Nhờ sự dũng cảm, tinh thần quả cảm trong công việc, Đại uý Đạo nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen trong quá trình nhận nhiệm vụ. Trong đó, nổi bật là: giấy khen của UBND Q.4 vì có thành tích xuất sắc trong công tác chữa cháy và CNCH; 2 giấy khen của Giám đốc CATP trong vụ giải cứu 15 nạn nhân kẹt trong đám cháy tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (P.2, Q.3) và đường Trần Hưng Đạo (P.1, Q.5)...

Bình luận (0)

Lên đầu trang