Chứng kiến không gian ấm áp, yên bình với cách bài trí từ ngoài vườn vào nhà thờ, khu lưu niệm, trưng bày mới thấy người cựu chiến binh ấy đã dồn tâm sức như thế nào. Cựu chiến binh ấy là cụ Võ Như Thông (SN 1934, còn gọi là Võ Như Tông, Tử Vi Dân), hiện trú tại tổ Đồng Trường 2, thị trấn Trà My.
Nhà thờ Bác do ông Thông xây dựng nhìn từ phía ngoài
Năm nay đã bước qua tuổi 83 nhưng cụ Thông vẫn còn quắc thước, khỏe khoắn. Khi chúng tôi ghé vào nhà thờ viếng Bác Hồ, vợ chồng cụ còn ở sau vườn trồng rau, tỉa cây,… Nói về Bác Hồ, cụ say sưa kể đầy đủ từng chi tiết. Cụ dẫn đi khắp nhà thờ, ở chỗ nào đặt cái gì, vì sao lại để chỗ đó, trông rất khoa học và ý nghĩa.
Phía ngoài đường là cổng uy nghiêm với hàng chữ Nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi phía trong là Tượng đài Bác. Phía sau cùng là khu lưu niệm kỷ vật, ký ức liên quan đến Bác Hồ. Phía trên phải là khu lưu niệm của một số danh nhân, anh hùng dân tộc, phía bên trái là một ao cá rộng với không gian cây cảnh, vườn tược hết sức thơ mộng.
Không gian phía bên trong được thiết kế khá rộng rãi
Cụ Thông kể, năm 1947 cụ đã tham gia cách mạng kháng chiến chống Pháp. Năm 1955 tập kết ra Bắc, thuộc đơn vị trinh sát đặc công. Năm 1964, cùng đồng đội “sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, lại vào Nam chiến đấu.
Thời điểm này, người chiến sĩ ấy lấy biệt danh “Tử Vi Dân” với ý nghĩa sâu xa: “Vì nhân dân hy sinh”. Chính thời điểm này, quen với cô y tá quân y nhỏ hơn 13 tuổi và sau này hai người nên duyên vợ chồng. Sau giải phóng, về Trà My công tác đến lúc về hưu với quân hàm thiếu tá.
Nói về lí do xây dựng Nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vườn nhà mình, cụ Thông tâm niệm: Tuy chưa một lần gặp nhưng Bác Hồ luôn ở trong tim mình. Thời gian ở ngoài Bắc, được đồng đội quê Bắc Ninh tặng cho một bức tranh Bác Hồ bằng đá nên ngày đêm nghĩ như luôn có Bác Hồ bên cạnh.
Cụ Thông trưng bày nhiều tư liệu quý
Cụ Thông lưu giữ nắm cát mấy chục năm được lấy từ làng Kim Liên quê Bác
Suốt 25 năm nay, năm nào cũng vậy, đến ngày 2-9, cụ Thông luôn làm mâm giỗ Bác Hồ như ông cha mình. Nhân có bức tranh Bác Hồ do đồng đội tặng, cụ đặt trang trọng trước bàn thờ.
Những năm đầu, thì chỉ làm mâm cơm trong gia đình, sau này, khi có nhà thờ, cứ đến ngày 2-9, nhiều bạn bè, khách thập phương ghé thăm viếng, tham dự ngày càng đông. Như năm ngoái, cụ Thông không mời nhưng có hơn 125 khách nhớ ngày lên tham gia giỗ Bác Hồ khiến gia đình cụ Thông ai cũng rưng rưng nước mắt, ấm áp khôn nguôi,...
Với gia đình cụ Thông, có việc gì trọng đại trong gia đình luôn khấn cầu xin phép Bác. Mỗi lần con cái lấy vợ, lấy chồng, đại gia đình thuê xe Thủ đô ra viếng Lăng Bác, báo cáo, xin Bác trước khi làm các thủ tục, lễ nghi,…
Từ việc mỗi lần đi lại vất vả, sau bao đêm suy nghĩ, cụ Thông bèn bàn với vợ về việc làm nhà thờ Bác Hồ trong vườn nhà mình thì bà đồng ý ngay. Bà Huỳnh Thị Thuyền (SN 1947, vợ cụ Thông) cũng là dòng dõi theo cách mạng, hai ông bà đều là con Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Nhận được sự đồng thuận từ vợ, với vườn tược rộng rãi hàng ngàn m2, cụ Thông như được Bác phù hộ nên đã tất tả khắp nơi mua, tìm tư liệu về Bác Hồ. Năm 2007, bức tượng Bác Hồ uy nghiêm dựng lên khiến ông cũng như bạn bè, bà con bản làng thấy rất ấm lòng.
Năm 2009, hoàn thành nhà thờ, khu tưởng niệm. Miệt mài từ Bắc vào Nam, cụ Thông tự tìm tòi và được bạn bè sự giúp đỡ về tư liệu khiến khu lưu niệm Bác Hồ của cụ Thông càng đầy đủ hơn.
Sau quá trình tích góp, trong khuôn viên, phía bên tay phải, cụ Thông làm tiếp bàn thờ Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Luật sư Lô-dơ-bi (ân nhân của Bác Hồ), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đầu năm 2016 mới xong ban thờ Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn.
“Tôi làm nhà thờ này được nhiều người hưởng ứng, nhưng một số người cũng tiếng ra tiếng vào, cho rằng “về hưu không để tiền dưỡng già mà lại làm như thế! Tôi quan niệm, làm nhà thờ Bác Hồ trước là thể nguyện tấm lòng của mình, hơn nữa để những người địa phương, thập phương, thế hệ trẻ có chỗ để thăm viếng, tìm hiểu về Bác Hồ, vị Cha già muôn vàn kính yêu của Dân tộc”, cụ Thông chia sẻ.
Hỏi về việc kinh phí, cụ Thông phớt lờ, bởi tấm lòng của cụ dành cho Bác Hồ không thể đo đếm được bằng tiền và hơn nữa, mười năm dành hết tâm sức cho công trình để đời này cụ cũng không thể thống kê hết được. Nhưng qua ghi nhận thực tế, về phần xây dựng, công trình của cụ Thông làm cũng gần cả tỷ đồng, chưa kể hết công sức cụ hơn mười năm sưu tầm khắp nơi.
Vợ chồng cụ Thông hạnh phúc khi có nhà thờ Bác Hồ đầy ý nghĩa ở miền sơn cước
“Vợ chồng tôi về hưu, có Nhà nước trả lương, mình dành dụm bấy lâu nay và cả sau này nữa để làm nhà thờ Bác Hồ thì cũng là tiền của Nhà nước thôi. Còn làm thêm trong vườn tược thì đủ sống, có dư dả thì bổ sung vào việc làm nhà thờ, thế là vui rồi”, cụ Thông tâm sự.
Cả đời cụ Thông gắn bó với núi rừng sông nước, với Bác Hồ. Từ việc đặt tên cho bốn người con (Sơn Trà, Trúc Lâm, Cẩm Lai, Hoàng Thạch) đến việc sinh sống, làm nhà thờ Bác Hồ ở thị trấn miền sơn cước này nên ai cũng cảm nhận được tấm lòng của người cựu chiến binh.
Mới đây, có một giáo sư người Mỹ đến tham quan, thắp hương viếng Bác Hồ. Ông nói rằng ông là người Mỹ chứ không phải đế quốc Mỹ. Vị giáo sư này xin phép đứng dưới chân Tượng đài Bác Hồ để chụp ảnh, lưu niệm chuyến đi Việt Nam đầy ý nghĩa, đặc biệt là khi về Trà My, ghé thăm nhà thờ Hồ Chí Minh do người dân lập nên trong vườn nhà thì quả thật tuyệt vời.
|