Người khơi nguồn hạnh phúc

Thứ Bảy, 15/01/2022 13:19

|

(CATP) Đứng trước mặt tôi là người phụ nữ với thân hình thon gọn, khuôn mặt khả ái, nụ cười lúc nào cũng rạng ngời. Nếu không được người đồng nghiệp đi cùng giới thiệu, tôi không thể hình dung đây lại là một thẩm phán cương nghị, bản lĩnh của Tòa Gia đình và người chưa thành niên (GĐ&NCTN) thuộc Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM. Chị là Hoàng Thị Bích Duyên, người được xem là ân nhân của biết bao cặp vợ chồng khi góp phần hàn gắn sự rạn nứt tưởng chừng như đã tan vỡ của họ.

Những dấu ấn nghề nghiệp

Được điều động về Tòa GĐ&NCTN khi đang là thẩm phán TAND Q11, chị Hoàng Thị Bích Duyên cho biết mình đã có thâm niên gần 20 năm với nghề. Kể về thành tích đạt được, chị cho rằng đó không phải là những bản án thay mặt pháp luật tuyên người này có tội hay người kia vô tội, mà là niềm vui khi góp phần hàn gắn nhiều cặp vợ chồng xin ly hôn để trở về mái nhà chung.

Cuối năm 2011, khi được phân công thụ lý vụ án ly hôn của cặp vợ chồng còn trẻ tuổi, cả hai đều là trí thức và có vị trí trong xã hội, đã có với nhau 1 con trai gần 6 tuổi, lần đầu mời lên gặp mặt để tìm hiểu nguyên nhân, thẩm phán Duyên cảm thấy tiếc vì họ là một cặp xứng đôi. Trước khi tìm đến tòa án, họ đã sống ly thân suốt 2 năm.

Tìm hiểu nguyên nhân, hai vợ chồng đều cho rằng do cuộc sống có nhiều mâu thuẫn nên cả hai muốn giải thoát cho nhau. Nhìn ánh mắt và cử chỉ của từng người, thẩm phán Duyên nhận thấy có nét khác thường khi đôi lúc cả hai vẫn trao nhau ánh mắt trìu mến, yêu thương. Bằng nhãn quan nghiệp vụ nhạy bén, thẩm phán Duyên đã hẹn gặp riêng từng người.

Với sự khéo léo chân tình, cuối cùng chị đã biết được nguyên nhân khiến tình cảm của họ rạn nứt là do xuất phát từ sai lầm "không thể tha thứ" của người vợ. Sau lần vợ "say nắng" đồng nghiệp, anh chồng phát hiện đã tự dằn vặt bản thân và không thể xóa được những hình ảnh lỗi lầm của vợ. Tuy nhiên, do vẫn còn yêu vợ và đặc biệt là đứa con thơ dại nên anh lại cố chịu đựng, cứ thế suốt mấy năm trời.

Nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên

Hiểu được nỗi khổ tâm của người chồng, cô vợ chỉ biết cúi gằm mặt khóc, mãi sau mới thốt lên trong hơi thở đứt quãng rằng chị đã ân hận tột cùng về sự sai lầm của mình và hàng ngày phải sống trong nỗi dằn vặt, cắn rứt lương tâm. "Nếu căn cứ quy định pháp luật, khi mâu thuẫn kéo dài không thể hàn gắn thì tòa án có thể chấp thuận cho họ thuận tình ly hôn. Tuy nhiên, nhìn cách mà họ đối xử với nhau, tôi vẫn có niềm tin giữa họ vẫn còn có thể hàn gắn được", thẩm phán Duyên chia sẻ và cho biết, chính nhờ niềm tin nội tâm của người thẩm phán và dựa vào kinh nghiệm sống, chị đã vận dụng tất cả để hóa giải "những tảng đá” đang đè nặng trong tâm trí của hai vợ chồng.

"Nhân vô thập toàn", trên đời này chẳng có ai hoàn hảo, chưa từng mắc sai lầm, chính vì thế khi người khác vấp ngã mà có được cánh tay chìa ra làm điểm tựa cho họ đứng dậy thì đó mới là điều đáng quý. Biết tha thứ cho lỗi lầm của nhau và cùng xây dựng lại hạnh phúc thì đó mới thực sự là tình yêu cao thượng, đáng được tôn trọng trong mắt người bạn đời", khi vị nữ thẩm phán vừa dứt lời, anh chồng bất ngờ buông tiếng thở dài. Biết có thể hàn gắn cuộc hôn nhân của cặp đôi này, thẩm phán Duyên tiếp tục nêu cách nhìn về tình yêu cao đẹp và sự rộng lượng dành cho nhau.

Đúng như dự tính, người chồng lúc này cũng lên tiếng, bảo rằng từ lâu cũng muốn vượt qua nỗi đau, mở rộng lòng và tình yêu dành cho vợ, đặc biệt là vì tương lai đứa con trai còn thơ dại, nhưng do tự ái còn lợn cợn trong lòng, anh vẫn chưa thể mở lời. Nghe đến đấy, người vợ cũng xin lỗi chồng và nhắc lại sự ân hận khi tự mình đánh đổ hạnh phúc gia đình. Trước khi rút lại lá đơn yêu cầu ly dị, cùng với những giọt nước mắt chân thành, cả hai đã không kìm được sự xúc động và không quên nói lời cảm ơn ân nhân của mình. Cả hai bảo, không có chị, không biết gia đình ba người sẽ đi về đâu.

Thẩm phán Duyên tại buổi hòa giải với vợ chồng Long - Hương

Những ngày cuối năm 2020, người ta nhìn thấy một nhóm người rời khỏi phòng xử án với khuôn mặt đầy vẻ rạng ngời và niềm lạc quan, tin tưởng. Đó chính là cặp vợ chồng trẻ khuyết tật vừa được thẩm phán Duyên hòa giải thành công những bất hòa, hàn gắn lại mối tình tưởng chừng như đổ vỡ. Long và Hương là cặp vợ chồng câm điếc bẩm sinh, cả hai đến với nhau bằng một tình yêu đặc biệt. Có với nhau cô con gái hơn 2 tuổi, những tưởng rằng tình yêu sẽ tiếp tục đơm hoa và kết trái ngọt, nào ngờ trong một ngày cuối năm, cả hai đều ký vào đơn ly dị vì không thể sống cùng nhau nữa.

Xem qua hồ sơ, không thể để hậu quả của cuộc ly hôn lại cho đứa trẻ hơn 2 tuổi gánh chịu, thẩm phán Duyên quyết định tiến hành thủ tục mở phiên hòa giải và mời hai bên lên làm việc. "Không nặng nề, căng thẳng như những vụ ly hôn tôi từng giải quyết, buổi hòa giải hôm ấy diễn ra trong không khí ấm cúng và đầy tình người. Đặc biệt thành phần tham dự còn có đấng sinh thành của hai vợ chồng trong vai trò "phiên dịch".

Theo trình bày của người chồng, họ gặp nhau trong bữa tiệc sinh nhật của người bạn vào năm 2011. Cảm mến cô gái xinh xắn, hiền lành, không lâu sau anh về thưa chuyện với mẹ. Mẹ Long cho hay, lúc đó bà rất vui vì đứa con vốn thiệt thòi của mình có thể tìm được hạnh phúc, điều bà mong ước cả đời. Ngay sau đó vợ chồng bà sắm lễ vật sang nhà Hương thưa chuyện cưới xin, cha mẹ hai bên tổ chức tiệc cưới đơn giản nhưng rất ấm cúng.

Sau đó, vì bị bạn bè xấu rủ rê, Long nghiện ma túy, liên tục theo nhóm bạn sa đà vào những cuộc chơi thâu đêm, khiến hạnh phúc của gia đình nhỏ bắt đầu rạn nứt. Giận chồng, Hương bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở. Thương con dâu và cháu nội, mẹ của Long nhiều lần khuyên nhủ con trai và gọi Hương quay về nhưng không được. Được hỏi đến, Long ra dấu rằng vẫn còn thương vợ rất nhiều. Do vướng vào ma túy, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của vợ con nên khi Hương đòi ly hôn, anh đành nghe theo. Cũng với câu hỏi đó, thông qua lời phiên dịch của người cha, Hương cho biết từng rất thương Long nhưng giờ muốn xé bỏ hôn ước vì chồng không bỏ được ma túy.

Biết cả hai vẫn còn tình yêu sâu đậm, thẩm phán Duyên đã phân tích cho đôi vợ chồng trẻ về ý nghĩa của gia đình, tác hại của ma túy và hậu quả của nó. "Tôi nghĩ, con trai bà phải quyết tâm cai nghiện mới có thể giữ được hạnh phúc của mình. Cả hai cứ về suy nghĩ thêm, nếu nhất định phải ly hôn thì vài tháng nữa đến gặp tôi cũng chưa muộn", nữ thẩm phán khuyên nhủ.

Thẩm phán Duyên (thứ hai từ trái qua) tại một buổi tọa đàm

Quay sang cô vợ, thẩm phán Duyên phân tích: "Ai cũng có sai lầm, nếu biết bỏ qua và cho nhau cơ hội thì con nhỏ sẽ được sống với cả cha lẫn mẹ. Nếu mọi người đều quay lưng lại với những người từng lầm lỡ thì làm sao họ có cơ hội để thay đổi?" và đề nghị cha của Hương truyền đạt lại ý của tòa là "hãy về suy nghĩ thêm một thời gian, cho chồng cơ hội sửa sai trước khi quyết định". Chăm chú nhìn cha để đón nhận thông tin, Hương cúi đầu lặng lẽ. Trong khi mẹ Long đôi mắt đỏ hoe, chồng của Hương tuy cúi gằm mặt nhưng thỉnh thoảng lại lén nhìn vợ.

Cuối buổi làm việc, vợ chồng Long vui vẻ ký vào biên bản hòa giải thành. Cả hai đồng ý sẽ suy nghĩ lại về quyết định ly hôn. Hai bên sui gia vui mừng gửi lời cảm ơn vị thẩm phán đã phân tích những lời thấu tình đạt lý trước khi ra về.

Ly trà nóng ở chốn công đường

Khi thông tin về phiên tòa xét xử băng nhóm tội phạm sát hại Quân "xa lộ", nhiều người cứ nghĩ chủ tọa phải là một "Bao Công mặt sắt", chứ không ai nghĩ nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên lại ngồi vào vị trí này giữa muôn vàn áp lực. Đây là vụ án mạng nghiêm trọng, cả nạn nhân lẫn hung thủ đều là những thành phần có máu mặt ngoài xã hội, vì thế trước và trong khi phiên tòa diễn ra, nhiều tay "anh chị” cũng bắt đầu nghe ngóng, "triển khai đội hình" tham dự.

Tuy nhiên, thẩm phán Duyên đã lường trước sự việc, nên phiên tòa vẫn diễn ra an toàn theo tiến độ, an ninh trật tự và an toàn cho các bị cáo (BC) vẫn được đảm bảo. Một vài người tham gia tố tụng cố tình gây rối để hoãn phiên xử, song chủ tọa đã nhẹ nhàng nhưng quyết đoán điều hành phiên xử một cách uyển chuyển, khéo léo.

Đặc biệt, nữ bị cáo Võ Thùy Linh - kẻ được cáo trạng xác định giữ vai trò quan trọng - đã bất ngờ yêu cầu Hội đồng xét xử cho hoãn phiên tòa với lý do sức khỏe không đảm bảo vì triệu chứng "hậu Covid" dẫn đến chóng mặt, khó thở... Trong giây phút căng thẳng ấy, chủ tọa Hoàng Thị Bích Duyên đã yêu cầu nhân viên tòa mang ly trà đường đến cho bị cáo và nhẹ nhàng hỏi thăm sức khỏe đồng thời cho phép bị cáo được ngồi suốt quá trình xét xử. Những cử chỉ đầy tính nhân văn ấy dường như đã giúp xoa dịu không khí căng thẳng của phiên tòa, giúp bị cáo Linh thay đổi thái độ và không yêu cầu hoãn phiên xử như lúc đầu nữa.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở tỉnh Cà Mau, hai cụ thân sinh của thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên đều là cán bộ lão thành được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý, càng hãnh diện hơn khi chính Giáo sư Trần Văn Giàu - Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ - là người tác hợp hôn sự cho hai cụ. Căn nhà ông bà ngoại của thẩm phán Duyên trước đây từng là nơi Tiểu đoàn lừng danh 307 đóng quân.

Chính vì tiếp nối truyền thống hào hùng của gia đình, chị đặc biệt yêu quý và trân trọng nghề mình đang mang trọng trách. Bên cạnh công tác xét xử, giải quyết vụ án, thẩm phán Duyên còn tích cực tham gia tuyên truyền pháp luật cùng các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội; tham gia nhiệt huyết trong công tác dân vận. Năm 2020, thẩm phán Duyên là cá nhân duy nhất được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen.

Còn rất nhiều câu chuyện về nữ thẩm phán xinh đẹp này, tuy nhiên trong phạm vi hạn hẹp của một bài báo, chúng tôi chỉ viết về những đóng góp đáng ghi nhận của chị dành cho các đương sự của mình. Với chị, khi đảm nhiệm vai trò thẩm phán - chủ tọa ở chốn công đường, vẫn toát lên vẻ nghiêm nghị thể hiện qua ngôn từ chặt chẽ, sự nghiêm minh, tính công bằng của pháp luật; tuy nhiên, đằng sau hình ảnh ấy chính là những câu chuyện về tính nhân văn, tình yêu thương, trách nhiệm của một thẩm phán đầy nhiệt huyết và lòng yêu nghề.

Bình luận (0)

Lên đầu trang