Hindenburg: Gã khổng lồ gục ngã

Chủ Nhật, 06/05/2018 10:42  | Quốc Bảo

|

(CAO) Cách đây 81 năm, vào ngày 6/5/1937 là ngày khép lại kỉ nguyên huy hoàng của khinh khí cầu. Khi chiếc khinh khí cầu khổng lồ Hindenburg, niềm tự hào của nước Đức đã bốc cháy trước khi hạ cánh tại Lakehurst, New Jersey (Mỹ) khiến 97 người thương vong. 

Mãi đến năm 2013, các nhà khoa học mới tìm ra nguyên nhân khiến ‘gã khổng lồ’ Hindenburg gục ngã là do tĩnh điện. Khinh khí cầu Hindenburg đã bay vào một đám mây tích điện khiến nó biến thành một ‘quả cầu lửa’, bốc cháy và rơi xuống chỉ trong ít phút và khép lại luôn tham vọng của loài người vào phương tiện vận tải qua đường hàng không này từ đó đến nay.

Hình ảnh khinh khí cầu Hindenburg bốc cháy và rơi xuống khiến 35 người chết, hơn 60 người bị thương

LZ 129 Hindenburg là khinh khí cầu lớn nhất trong lịch sử nhân loại, gấp ba lần kích cỡ của một chiếc máy bay Boeing 747, với đường kính 41,2 mét và chiều dài 245 mét. Nó được chế tạo năm 1931 và được đặt theo tên Tổng thống Đức Marchal Paul von Hindenburg (1847-1934).

Hindenburg vận hành nhờ động cơ Mercedes-Benz và gần 200.000 mét khối khí hydro, thay vì khí heli an toàn hơn để giảm trọng lượng và bay nhanh hơn. Khinh khí cầu này cũng được trang bị tiện nghi sang trọng nhất thời bấy giờ, với thiết kế có cả phòng ăn, quầy bar, phòng hút thuốc cùng lối đi dạo và cửa sổ mở được trong khi bay...

Trước khi gặp nạn vào ngày 6/5/1937, Hindenburg đã thực hiện thành công 17 chuyến bay vượt Đại Tây Dương, chuyên chở hơn 2.600 hành khách, với vận tốc tối đa đạt 135km/h, nhanh nhất lúc bấy giờ. Phần lớn khách đi khinh khí cầu hạng sang này thuộc tầng lớp thượng lưu, người đứng đầu các doanh nghiệp hoặc quan chức chính phủ.

Vào ngày 3/5/1937, khinh khí cầu Hindenburg đã khởi hành từ Frankfurt, Đức để tới Lakehurst, Mỹ. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ cho tới sáng ngày 6/5/1937.

Vào ngày định mệnh, Hindenburg tới trạm bay ở Lakehurst muộn hơn vài tiếng so với lịch trình vì ảnh hưởng của một cơn bão. Lúc 7h sáng, khinh khí cầu bắt đầu quá trình hạ cánh ở độ cao khoảng 200 mét. Để có thể hạ cánh, phi hành đoàn phải thả dây và ròng rọc xuống móc vào các cột mốc dưới mặt đất.

Khi còn cách mặt đất khoảng 60 mét, Hindenburg đột ngột bốc cháy dữ dội ở phần đuôi. Một chuỗi phản ứng tiếp theo đó khiến lửa nhanh chóng lan tới phần đầu khinh khí cầu. Đám đông gần 1.000 khán giả chờ đón Hindenburg trên mặt đất kinh hãi, bỏ chạy tán loạn.

Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, chiếc khinh phí cầu là niềm tự hào của người Đức lúc bấy giờ bỗng trở thành thảm họa kinh hoàng và ám ảnh nhiều người đến tận ngày nay khi xem lại những hình ảnh và clip của tai nạn này...

Bình luận (0)

Lên đầu trang