CNN:

Lo ngại gia tăng về nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc

Thứ Hai, 14/06/2021 12:41

|

(CAO) ​Hôm 14-6, CNN đưa tin chính quyền Mỹ đang đánh giá báo cáo rò rỉ phóng xạ tại một cơ sở điện hạt nhân của Trung Quốc từ tài liệu do một công ty Pháp cung cấp.

Theo đó, chính phủ Mỹ đã dành tuần trước để đánh giá một báo cáo về sự cố rò rỉ phóng xạ tại một nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, sau khi một công ty Pháp sở hữu và giúp vận hành nhà máy này cảnh báo về một "mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra", theo các quan chức Mỹ và các tài liệu do CNN nắm được.

Cảnh báo gồm cáo buộc rằng cơ quan an toàn Trung Quốc đang nâng cao các giới hạn có thể chấp nhận được đối với việc phát hiện bức xạ bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông để tránh cho nhà máy này phải đóng cửa, theo một bức thư từ công ty Pháp gửi Bộ Năng lượng Mỹ mà CNN tiếp cận được.

Bất chấp cảnh báo từ Framatome, công ty của Pháp, chính quyền Biden tin rằng cơ sở này vẫn chưa đến "mức khủng hoảng", một trong những nguồn thạo tin cho biết.

Mặc dù các quan chức Mỹ cho rằng tình hình hiện không gây ra mối đe dọa an toàn nghiêm trọng cho công nhân tại nhà máy hoặc công chúng Trung Quốc, nhưng điều bất thường là một công ty nước ngoài lại đơn phương liên hệ với chính phủ Mỹ để được giúp đỡ khi đối tác nhà nước Trung Quốc của họ chưa thừa nhận về nguy cơ này.

CNN nhận định hành động của công ty Pháp có thể đưa Mỹ vào một tình huống phức tạp nếu vụ rò rỉ tiếp tục xảy ra hoặc trở nên nghiêm trọng hơn mà không được khắc phục.

Nhá máy điện hạt nhân Đài Sơn - Ảnh: Alamy 

Tuy nhiên, mối lo ngại này đủ lớn đến mức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) đã tổ chức nhiều cuộc họp vào tuần trước khi họ theo dõi tình hình, bao gồm hai cuộc họp ở cấp thứ trưởng và một cuộc họp khác ở cấp trợ lý thư ký vào hôm 11-6 do Giám đốc cấp cao của NSC về Trung Quốc Laura Rosenberger và Giám đốc Cấp cao về Kiểm soát Vũ khí Mallory Stewart chủ trì, theo các quan chức Mỹ.

Các nguồn tin cho biết, chính quyền Biden đã thảo luận về tình hình với chính phủ Pháp và các chuyên gia của họ tại Bộ Năng lượng. Các quan chức Mỹ cho biết Mỹ cũng đã liên hệ với chính phủ Trung Quốc, mặc dù mức độ của cuộc tiếp xúc đó là chưa rõ ràng.

Chính phủ Mỹ từ chối giải thích về đánh giá này nhưng các quan chức tại NSC, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng khẳng định rằng nếu có bất kỳ rủi ro nào đối với công chúng Trung Quốc, Mỹ sẽ phải công bố điều này theo các hiệp ước hiện hành liên quan đến tai nạn hạt nhân.

Công ty Framatome đã liên hệ với Mỹ để xin miễn trừ cho phép họ chia sẻ hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ để giải quyết vấn đề tại nhà máy Trung Quốc. Chỉ có hai lý do tại sao sự miễn trừ này sẽ được chấp thuận. Một tromg số đó là "mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra".

Công ty này cho biết họ lo ngại khi tuyên bố giới hạn của Trung Quốc đã được tăng lên vượt quá tiêu chuẩn của Pháp, nhưng vẫn chưa rõ điều đó so với giới hạn của Mỹ như thế nào.

Theo Cheryl Rofer, một nhà khoa học hạt nhân đã nghỉ hưu từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos vào năm 2001 nhận định: “không có gì đáng ngạc nhiên khi người Pháp sẽ tiếp cận, đang liên hệ và có một số khả năng sẽ yêu cầu sự giúp đỡ. Nhưng Trung Quốc thích dự báo rằng mọi thứ đều ổn, mọi lúc, mọi nơi" – bà nói thêm.

Mỹ có thể cho phép Framatome được cung cấp hỗ trợ kỹ thuật hoặc hỗ trợ từ họ để giúp giải quyết vấn đề, nhưng điều quan trọng là quyết định của chính phủ Trung Quốc về việc liệu sự cố có yêu cầu đóng cửa hoàn toàn nhà máy hay không, các tài liệu mà CNN có được cho biết.

Cuối cùng, yêu cầu hỗ trợ từ công ty Framatome vào ngày 8-6 là lý do duy nhất khiến Mỹ can dự vào tình huống này, nhiều nguồn tin nói với CNN.

CNN đã liên hệ với các nhà chức trách Trung Quốc ở Bắc Kinh và tỉnh Quảng Đông, nơi đặt nhà máy, đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, DC, cũng như tập đoàn năng lượng nhà nước vận hành nhà máy cùng với công ty Pháp. Không có phản hồi nào sau đó. 

Trong một tuyên bố hôm 11-6 trước bài báo của CNN, Framatome thừa nhận công ty "đang hỗ trợ giải quyết vấn đề hiệu suất với Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Theo dữ liệu hiện có, nhà máy đang hoạt động trong các thông số an toàn. Nhóm của chúng tôi đang làm việc với các chuyên gia liên quan để đánh giá tình hình và đề xuất các giải pháp để giải quyết bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào", tuyên bố cho biết thêm.

Bức thư nhờ Mỹ giúp đỡ của công ty Pháp được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington vẫn ở mức cao và khi các nhà lãnh đạo G7 gặp nhau cuối tuần trước tại Vương quốc Anh với Trung Quốc là một chủ đề thảo luận quan trọng. Không có dấu hiệu nào cho thấy các báo cáo về vụ rò rỉ đã được thảo luận ở cấp cao tại hội nghị thượng đỉnh này.

Vấn đề lần đầu tiên xuất hiện khi Framatome, một công ty thiết kế của Pháp và là nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ hạt nhân đã được ký hợp đồng để giúp xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân này cùng với phía Trung Quốc đã liên hệ với Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) vào cuối tháng trước thông báo cho họ về một nguy cơ tiềm ẩn tại Nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc.

"Tình hình là một mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra đối với địa điểm và công chúng và Framatome khẩn cấp yêu cầu cho phép chuyển dữ liệu kỹ thuật và hỗ trợ nếu có thể cần thiết để đưa nhà máy trở lại hoạt động bình thường" – tài liệu cho biết.

Tài liệu cho biết Framatome đã liên hệ với chính phủ Mỹ để được hỗ trợ, bởi vì một cơ quan chính phủ Trung Quốc đang tiếp tục tăng giới hạn về lượng khí có thể thoát ra khỏi cơ sở một cách an toàn mà không cần đóng cửa cơ sở này, theo các tài liệu được CNN xem xét.

Trong bản ghi nhớ ngày 8-6, Framatome thông báo với DOE rằng cơ quan an toàn Trung Quốc đã tiếp tục nâng cao "giới hạn liều lượng ngoài cơ sở" theo quy định. Nó cũng cho biết công ty này nghi ngờ rằng giới hạn có thể được tăng lên một lần nữa để giữ cho lò phản ứng rò rỉ hoạt động bất chấp những lo ngại về an toàn cho người dân xung quanh.

"Để đảm bảo duy trì giới hạn liều lượng bên ngoài cơ sở trong giới hạn có thể chấp nhận được để không gây hại quá mức cho người dân xung quanh, TNPJVC (nhà điều hành của nhà máy Đài Sơn-1) được yêu cầu tuân thủ một giới hạn quy định và nếu không, hãy đóng cửa lò phản ứng nếu giới hạn đó bị vượt quá ", bản ghi nhớ ngày 8-6 cho biết.

Vị trí nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn (Taishan) - Ảnh: CNN

Nó lưu ý rằng giới hạn này được thiết lập ở mức phù hợp với những gì được quy định bởi cơ quan an toàn của Pháp, nhưng "do số lượng lỗi ngày càng tăng", cơ quan an toàn của Trung Quốc, Cục An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA) đã sửa đổi giới hạn thành cao hơn gấp đôi so với bản yêu cầu ban đầu, do đó làm tăng rủi ro bên ngoài cơ sở cho công chúng và nhân viên tại chỗ.

Rofer, nhà khoa học hạt nhân đã nghỉ hưu, cảnh báo rằng rò rỉ khí có thể chỉ ra những vấn đề lớn hơn.

Rofer nói: “Nếu chúng bị rò rỉ khí gas, điều đó cho thấy một số ngăn chứa của chúng đã bị hỏng. Nó cũng cho thấy rằng có thể một số nguyên tố nhiên liệu có thể bị hỏng, đây sẽ là một vấn đề nghiêm trọng hơn".

Hiện tại, các quan chức Mỹ không cho rằng vụ rò rỉ đang ở "cấp độ khủng hoảng", nhưng thừa nhận nó đang gia tăng và cần được theo dõi, nguồn thạo tin nói với CNN.

Nguồn tin cho biết thêm, trong khi có khả năng tình huống có thể trở thành thảm họa, các quan chức Mỹ tin rằng nhiều khả năng nó sẽ không trở thành thảm họa.

Trung Quốc đã mở rộng việc sử dụng năng lượng hạt nhân trong những năm gần đây, và nó chiếm khoảng 5% tổng lượng điện năng được tạo ra ở nước này. Theo Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc, có 16 nhà máy hạt nhân đang hoạt động với 49 lò phản ứng hạt nhân ở Trung Quốc tính đến tháng 3 năm 2021, với tổng công suất phát điện là 51.000 megawatt.

Nhà máy Đài Sơn là một dự án uy tín được xây dựng sau khi Trung Quốc ký thỏa thuận sản xuất điện hạt nhân với Électricité de France, công ty chủ yếu thuộc sở hữu của chính phủ Pháp. Việc xây dựng nhà máy bắt đầu từ năm 2009, hai tổ máy bắt đầu phát điện lần lượt vào năm 2018 và 2019.

Thành phố Đài Sơn có dân số 950.000 nằm ở phía đông nam của đất nước thuộc tỉnh Quảng Đông, nơi có 126 triệu cư dân và có GDP 1,6 nghìn tỷ USD, tương đương với Nga và Hàn Quốc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang