(CAO) Trong bóng của cuộc xung đột tại Syria, một hội nghị thượng đỉnh bốn bên đã diễn ra tại điện Élysée, Paris vào ngày 02-10-2015 với 4 vị lãnh đạo của bốn quốc gia: Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Ukraina Petro Porochenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cuộc họp lần cuối tại Minsk (Biélorussie) vào tháng 02-2015 đã kéo dài 17 tiếng đồng hồ, nên lần họp này tổng thống Pháp nói trước "Chúng tôi sẽ không thảo luận kéo dài suốt đêm."
Buổi họp bắt đầu vào giờ trưa và thực sự đã kết thúc vào lúc 19 giờ 40 giờ tại Pháp (1 giờ 40 sáng theo giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Putin là người rời phiên họp đầu tiên, tiếp theo là Tổng thống Porochenko.
Trong cuộc họp báo sau khi hội nghị kết thúc, Tổng thống Pháp Hollande tuyên bố là việc ngừng bắn tại Ukraina đã được tôn trọng trên tổng thể. Từ ngày 03-10-2015 là bắt đầu việc rút lui các loại vũ khí hạng nhẹ. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử địa phương, cụ thể là tại Donetsk và tại Kiev, sẽ được dời lại qua năm 2016, trong một điều kiện thuận lợi hơn.
Công việc trao đổi tù binh cũng như tháo gỡ mìn cũng phải được tiến hành cấp tốc. Cuộc chiến tại Ukraina từ tháng tư, 2014 đã làm thiệt mạng hơn 8.000 người ở phía đông Ukraina. Đồng thời những biện pháp "trừng phạt" của khối Nato đã làm căng thẳng thêm nhiều quan hệ thế giới. Nước Nga đã bị khối Nato cấm vận phong tỏa kinh tế, và Pháp đã từ chối không bán hai tàu chiến cho Nga, dù Nga đã trả tiền cọc trước.
Đặc biệt, tổng thống Pháp François Hollande đã đón tiếp Tổng thống Nga với một nụ cười tỏ vẻ thân thiện vui vẻ, sau những tuyên bố căng thẳng của cả hai bên về vấn đề Syria và số phận của Bachard al-Assad. Nga cũng chưa quên là là bị loại bỏ trong hội nghị G8 vừa qua tại Đức, nhưng trên chính trường thế giới thì không có gì là không có thể, thay đổi bất thường và chớp nhoáng.
Bốn vị lãnh đạo cao cấp nhất của bốn quốc gia Đức, Nga, Ukraina và Pháp họ thượng đỉnh tại Paris ngày 02-10-2015. Họ sắp dùng cà phê tại sân điện Élysée trước khi bắt đầu phiên họp kéo dài đến chiều tối.
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, được sự ủng hộ của đáng Xã hội Đức, ông Sigmar Gabriel, phó thủ tướng Đức, kêu gọi phải hợp tác với Nga để giải quyết các vấn đề Trung Đông và phải hủy bỏ cấm vận kinh tế của Nga.
Trên thực tế, sự phong tỏa cấm vận kinh tế Nga đã đem lại những hậu quả ngược, gây nhiều thiệt hại kinh tế cho các nước chủ trì cấm vận như Pháp, Đức, vì thị trường Nga là một thị trường xuất nhập quan trọng tại châu Âu. Cuộc nổi loạn biểu tình của hàng ngàn nông dân Pháp kéo theo hàng ngàn xe máy móc công cụ về Paris vừa qua là một thí dụ điển hình, vì họ không bán được nông sản phẩm, thịt gia súc, thiệt hại nặng nề, khiến cho Chính phủ Pháp phải dùng công quỹ để đền bù thiệt hại cho nhà nông và nhà chăn nuôi Pháp. Không kể đến những mặt hàng xa xí phẩm và thuốc men chữa bệnh của Pháp, cũng là những mặt hàng được ưa chuộng trên thế giới.
Trong buổi họp, phía Pháp và Đức đều hứa hẹn sẽ bãi bỏ cấm vận và phong tỏa kinh tế cho nước Nga. Báo chí Pháp còn dùng chữ "Putinmania" để diễn tả là cuối cùng, nước Nga đã dần dần "quyến rũ và chinh phục" dư luận thế giới, những tiếng nói kêu gọi phải hợp tác với Nga ngày càng nhiều hơn. Sự việc này củng cố cho thế lực và thế đứng chính trị và quân đội của Nga trên chính trường và bàn cờ địa lý chính trị thế giới.
Tuy có nhiều tiếng nói chỉ trich và chống lại đường hướng chính trị cởi mở của nữ thủ tướng Đức Angela Merkel ngay tại trong nước Đức, nhưng trên bình diện thế giới thì thế đứng của bà được đánh giá là tích cực góp phần giải quyết các mâu thuẫn, chứ không đẩy vấn đề tới mức một sống một chết, vì vậy, có thể bà Merkel sẽ được nhận giải Nobel về Hòa bình thế giới trong năm nay.