Tiêu điểm:

Khi “lỗi là do ả”

Thứ Bảy, 07/03/2015 16:48  | 

|

(CAO) Hôm 3-3-2015 dư luận Ấn Độ dậy sóng khi trong một bộ phim tài liệu, Mukesh Singh - một trong những tên cưỡng hiếp nữ sinh viên trên xe buýt vào tháng 12-2012 ở New Delhi đổ lỗi: chính cô ta nửa đêm ra đường đã khiến tôi đây dậy lòng ham muốn.

Hơn hai năm trước, câu chuyện nữ sinh viên y khoa 23 tuổi lên xe buýt tại New Delhi rồi bị đám 6 tên côn đồ thay nhau cưỡng hiếp đã gây bàng hoàng dư luận. Trên chuyến xe vào thành phố, bọn thủ phạm thay nhau cưỡng hiếp cô gái bằng những cách bạo tàn rồi đánh nạn nhân đến hấp hối khi cô kháng cự.

Vụ án làm dậy làn sóng phản đối. Những vụ biểu tình diễn ra rầm rộ. Xã hội Ấn Độ tưởng chừng có nhát dao găm vào lòng kiêu hãnh khi một cô gái bị cưỡng hiếp công khai theo từng vòng quay bánh xe lăn trên phố phường hoa lệ.

Từ vụ trọng án năm 2012, đến hôm nay hiếp dâm vẫn không giảm tại đất nước Nam Á này. Theo thống kê của Hãng BBC cứ 21 phút lại xảy ra một vụ cưỡng hiếp từ những vùng xa xôi đến các khu thị tứ như Mumbai. Cộng đồng quốc tế mỗi ngày lại nghe các vụ án khác: từ một du khách Thụy Sĩ bị nhóm 7 - 8 tên cưỡng hiếp tập thể ở bang Madhya Pradesh hồi tháng 3-2013, đến cô bé 10 tuổi ở khu Govindpuri - New Delhi bị một gã đàn ông giở trò đồi bại. Tháng 1-2015, một du khách người Nhật bị 5 tên lừa vào khách sạn cưỡng hiếp ở bang Tây Bengal. Đấy chỉ là những vụ được báo chí “khui” ra. Còn biết bao vụ hiếp dâm khác diễn ra mỗi ngày mà công luận chưa biết. Căn nguyên của tệ nạn này, có lẽ như tên Mukesh Singh ngang ngược tuyên bố hôm 3-3: “Lỗi là do ả”.

Mukesh Singh đổ lỗi cho nạn nhân bị mình hãm hiếp trong phim tài liệu Người con gái của Ấn Độ - Ảnh: cắt  từ phim Người con gái Ấn Độ

Trong bộ phim tài liệu Người con gái của Ấn Độ (đạo diễn Leslee Udwin, công chiếu ngày 8-3 này), tên Mukesh Singh được ê-kíp làm phim phỏng vấn đã nói rằng: “Bạn không thể vỗ bằng một tay mà cần cả hai tay. Một cô gái tử tế không nên đi hoang lúc 9 giờ tối. Con gái phải chịu trách nhiệm nhiều hơn con trai trong các vụ cưỡng hiếp. Chỉ 20% các cô gái là tử tế thôi”. Lời khai của Mukesh Singh trong phim mà nội dung nói về vụ án năm 2012 - do chính y là hung thủ cho thấy thái độ của tên này và một bộ phận “mày râu” Ấn Độ vẫn giữ tư tưởng bảo thủ, khinh thường phụ nữ.

Với họ, chính phụ nữ mới là căn nguyên tội lỗi. Phụ nữ ăn mặc hở hang, phụ nữ một mình đi trong đêm... là lý do biện hộ cho hành vi thú tính của những gã đàn ông mất hết tính người. Vì “tại ả không giữ nết làm hình ảnh khiêu gợi đập vào mắt tôi nên tôi không kềm được mà buộc lòng phải hiếp”.

Tư tưởng “lỗi tại ả” truy tận gốc cũng từ văn hóa trọng nam khinh nữ của nước này. Quan niệm, hủ tục lạc hậu khiến dân thích sinh trai hơn gái. Cán cân giới tính tại Ấn Độ hiện nay là 914 trẻ em nữ so với 1.000 trẻ nam. Trong khi tỉ lệ trung bình của thế giới là 1.050 nữ/1.000 nam. Mất cân bằng giới tính nghiêm trọng dẫn đến tình trạng cưỡng hôn, cưỡng hiếp, buôn bán phụ nữ để thỏa mãn dục vọng.

Ở nhiều vùng quê lạc hậu, phụ nữ không được tôn trọng, phải tuân theo ý định của đàn ông giống tư tưởng Tam tòng của Nho giáo (Tại gia tòng phụ/Xuất giá tòng phu/Phu tử tòng tử). Như tên Mukesh Singh nói trong bộ phim tài liệu “Lẽ ra cô ta nên câm lặng và chịu đựng. Nếu như thế chúng tôi đã thả cô ta sau khi cưỡng hiếp”. Câu nói của hắn nêu bật suy nghĩ: phụ nữ phải phục tùng ý định của đàn ông, mọi lỗi lầm đều do phụ nữ. Hành vi hiếp dâm vì thế được sử dụng như biện pháp để đàn áp, thể hiện “uy quyền” của chúng. Thứ quyền uy tự phong của kẻ bệnh hoạn.

Thêm vào đó, luật pháp Ấn Độ quy định còn lỏng lẻo không đủ răn đe loại tội phạm này. Quá trình điều tra án hiếp dâm kéo dài, tuyên án nhẹ khiến nạn nhân đau đớn tinh thần. Sau năm 2012, dù New Delhi sửa luật theo hướng tăng hình phạt với tội danh này nhưng xem ra nếu tư tưởng “lỗi là do ả” vẫn còn tồn tại phổ biến trong xã hội thì nạn cưỡng hiếp không thể bài trừ.

Anh Duy

Bình luận (0)

Lên đầu trang