Bí mật của những gia tộc nổi tiếng thế giới:

Kỳ 1: Gia tộc sở hữu tấm kim bài miễn tử

Thứ Hai, 31/03/2025 10:05

|

(CATP) Lịch sử thế giới có không ít gia tộc nổi tiếng về tài sản sở hữu và quyền lực nắm giữ, từ cổ chí kim họ từng thâu tóm hàng loạt lĩnh vực về dệt, nhuộm, ngân hàng... hoặc trở thành các chuyên gia, nhà khoa học, đoạt giải Nobel lừng danh... với bề dày truyền thống rất đáng ngưỡng mộ. Mặc dù vậy, phía sau "hào quang" chính là nỗi thăng trầm và những bí mật được chôn giấu.

Tấm kim bài miễn tội chết còn sót lại duy nhất ở Trung Quốc ngày nay từng được trao cho vị chư hầu tên Tiền Lưu (852 - 932, sau này ông chính là người sáng lập nước Ngô Việt thời Ngũ Đại) từ đời nhà Đường lưu truyền đến tận bây giờ chính là tấm bảng sắt với những dòng chữ vàng được in lên trên đó ghi đầy đủ công lao đóng góp của gia tộc họ Tiền với triều đình. Thời bấy giờ, sắt được cho là kim loại cứng rắn nhất, lại dùng chữ vàng thể hiện bên trên nhằm nhấn mạnh vua không nói hai lời, càng tăng thêm độ uy tín của tấm kim bài miễn tử, với quy định rõ ràng: Nếu bản thân Tiền Lưu phạm vào tử tội sẽ được miễn chết 9 lần, còn gia quyến ông chỉ được 3 lần; trường hợp cả Tiền Lưu và gia quyến cùng phạm tội, trừ hành vi đáng chết đã được quy định thì tất cả đều được cho qua.

Một góc Tây Hồ từng là nơi bắn cung thời Ngô Việt

Rất may vào thời Tiền Lưu không phải dùng đến tấm kim bài đặc biệt này. Cho đến khi Tiền Thục - vị vua cuối cùng của Ngô Việt - khuất phục trước Tống Thái tổ Triệu Khuông Dận, buộc phải đưa kim bài ra với mong muốn được bảo đảm quyền lợi trong suốt thời kỳ này và đến nhà Minh, gia tộc họ Tiền mới có người phạm trọng tội, bị xử tử, bắt buộc phải sử dụng đến tấm kim bài trên để thoát tội chết. Dù vua Chu Nguyên Chương đồng ý nhưng quyết định xóa một chữ trên đó, "đóng dấu" việc họ Tiền đã một lần sử dụng "đặc quyền" được ưu ái của mình. Chu Nguyên Chương là một trong những vị hoàng đế khai quốc khá đặc biệt của Trung Quốc, nổi tiếng về việc xuống tay với các công thần sau khi đăng cơ. Sự đa nghi của ông bị nhiều người lên án, nhưng tư duy trị vì của ông cũng có những điều đáng bàn. Khi nhà Minh mới thành lập, vì muốn ổn định cục diện, Chu Nguyên Chương đã ban cho các cận thần từng cùng mình vào sinh ra tử những "kim bài miễn tử", qua đó thể hiện sự ưu ái và niềm tin của hoàng đế với công thần, nhưng bất cứ người nào cũng hiểu rằng đặc ân của hoàng đế bao giờ cũng đi kèm với điều kiện.

Dù xuất phát điểm ban đầu, Tiền là họ hiếm nhưng lại được xếp thứ hai trong "bách tính" của Trung Quốc vì là họ của các vua nước Ngô Việt xưa. Gia huấn của gia tộc này nằm trong danh sách "văn hóa phi vật thể cấp quốc gia". Đây cũng là gia tộc hiếm hoi có lịch sử ngàn đời với cả trăm con cháu có học hàm, học vị trên thế giới, với nhiều người giữ các vị trí trọng yếu trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội - nghiên cứu khoa học. Nổi lên trong số hậu duệ nổi tiếng của vua Tiền Lưu có "cha đẻ ngành tên lửa Trung Quốc" Tiền Học Sâm (1911 - 2009) với hàng loạt đóng góp quan trọng cho các chương trình không gian của Trung Quốc và Mỹ, từng được Chủ tịch Mao Trạch Đông khi ấy gặp gỡ, giao nhiệm vụ nghiên cứu công trình chống tên lửa cho quốc gia. Cha của ông là Tiền Vĩnh Kiện từng đoạt Giải Nobel Hóa học năm 2008.

Sau này, gia tộc họ Tiền đã tặng tấm kim bài miễn tử cho Bảo tàng quốc gia Trung Quốc.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang