Mới đây, cụ Liên có đơn tố cáo gửi Báo Công an TPHCM và cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau về việc đất mồ mả tổ tiên ở thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình của gia tộc quản lý, sử dụng từ trước năm 1945 bỗng dưng bị cấp cho người khác. Trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) có dấu hiệu bị làm giả, sai sót.
Tờ trình cấp GCNQSDĐ được ký trước ngày người dân có đơn đề nghị cấp GCNQSDĐ.
Có dấu hiệu làm giả hồ sơ
Theo đơn cụ Liên trình bày: Gia đình có diện tích đất ở khóm 2, thị trấn Thới Bình rộng hơn 2.290m2(diện tích thực tế khoảng 3.000m2), cha mẹ anh chị em quản lý ổn định từ trước năm 1945. Năm 1952, bà Liên lấy chồng là ông Hoàng Lương (quê Quảng Ninh) là cán bộ cách mạng.
Bà Liên cùng chồng được tổ chức phân công hoạt động bí mật, công khai và bán công khai trong lòng địch ở rất nhiều nơi, trong đó có Sài Gòn lúc bấy giờ. Sau khi cha mẹ mất, bà Liên cùng anh trai là Huỳnh Tấn Linh tiếp quản phần đất và mồ mả của gia đình. Đến năm 1977, ông Huỳnh Tấn Linh mất, bà Liên tiếp quản đất đai, mồ mả để quản lý, chăm sóc, hương khói.
Trong giai đoạn này, ông Hoàng Lương vẫn tiếp tục công tác ở TPHCM, bà Liên đưa 2 con nhỏ về ở trên mảnh đất của cha mẹ ở khóm 2, TT.Thới Bình và tham gia làm kinh tế mới. Chính quyền địa phương lúc đó tạo điều kiện đã cấp đất cho bà Liên để tham gia làm kinh tế với diện tích hơn 10.000m2. Sau đó, để thuận lợi cho các con học hành và đoàn tụ với chồng, bà Liên đưa con trở lại TPHCM sinh sống. Bà Liên và các con vẫn thường xuyên về Cà Mau để hương khói, quản lý phần đất của gia tộc.
Từ năm 2001, bà Liên nhiều lần làm đơn kê khai và đề nghị cấp giấy GCNQSDĐ của gia tộc nhưng vẫn không được Phòng Địa chính huyện Thới Bình (nay là Phòng Tài nguyên và Môi trường) giải quyết hoặc trả lời lý do không cấp giấy.
Đầu năm 2022, khi tìm hiểu, bà Liên phát hiện UBND huyện Thới Bình đã cấp phần đất gia tộc cho một người khác tên là Huỳnh Văn Chiến từ năm 2007. “Tôi tìm hiểu thì lý do tôi không được cấp sổ đỏ vì là từ năm 2001, ông Chiến đã làm đơn gửi UBND huyện Thới Bình yêu cầu ngăn chặn không cấp sổ đỏ cho tôi. Sự việc này gia đình tôi hoàn toàn không biết. Khi phát hiện ra vụ việc tôi rất bức xúc, yêu cầu làm rõ”, cụ Liên trình bày trong đơn.
Trước sự việc bất hợp lý trên, bà Liên đã tổ chức họp thân tộc, gửi đơn khiếu nại, yêu cầu xác nhận đến các cơ quan chức năng. Ngày 21-2-2022, trưởng khóm và UBND TT.Thới Bình đã lập biên bản xác minh ranh giới và nguồn gốc đất có chữ ký xác nhận của tứ cận của phần đất.
Bà Liên cho biết: Đây là lần đầu tiên thân tộc họ Huỳnh và những người tứ cận phần đất họp và xác nhận khẳng định từ trước đến nay chưa có ai ký xác nhận chuyển giao đất hay bất kỳ văn bản nào về phần đất trên. Điều này cho thấy, biên bản về việc xác minh nguồn gốc đất ngày 11-6-2007 được lập để làm căn cứ đề nghị cấp sổ đỏ cho ông Chiến có dấu hiệu không đúng quy định pháp luật vì không có đầy đủ chữ ký tứ cận, chỉ có 2 chữ ký trong tứ cận ghi “Việt”.
Trao đổi với phóng viên về việc 'bỗng dưng' có tên và ký tên trong biên bản xác nhận tứ cận, ông Lê Văn Việt (Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi khóm 2, TT.Thới Bình) khẳng định đây là chữ ký giả mạo, không phải là chữ ký của ông và sẵn sàng đi giám định chữ ký.
“Năm 2007, tôi không có gặp cán bộ địa chính, ông Chiến hay bất kỳ ai để ký xác nhận tứ cận. Tôi sống ở đây và biết giai đoạn năm 1975 – 1976 cô Liên có đến, đem các loại cây ăn trái đến trồng trên mảnh đất cạnh nhà tôi. Sau đó, cô Liên và các con có đến cúng thanh minh…”, ông Việt thông tin.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Quý có chữ ký trong biên bản này là người không biết chữ. Thế nhưng, một biên bản mập mờ, có dấu hiệu bất thường như vậy lại được ông Nguyễn Văn Đếm (cán bộ địa chính) ký và ông Nguyễn Quốc Toản ký tên, đóng dấu để làm căn cứ cấp GCNQSDĐ cho ông Chiến.
Cũng theo cụ Liên, biên bản xác nhận, ranh giới, mốc giới thửa đất do UBND TT.Thới Bình xác lập cũng có nhiều dấu hiệu "khó hiểu": Không có ngày tháng, chỉ có 2 chữ ký là ông Lê Văn Việt và bà Nguyễn Thị Quý trong số 4 chữ ký giáp ranh. Chỗ chữ ký của bà Quý thì được ký là “Công”. Vậy “Công” là ai? Sao lại ký tên chỗ này trong khi lúc này bà Quý vẫn còn sống?.
Khu đất của gia đình lão thành cách mạng hiện đã được cấp cho người khác
Sẽ thu hồi GCNQSDĐ vì có sai sót
Theo hồ sơ tài liệu cho thấy có điều bất hợp lý, bất thường là GCNQSDĐ được cấp trước khi có đơn đề nghị cấp 4 tháng. Cụ thể, trong tờ trình về việc cấp GCNQSDĐ ký ngày 14-6-2007 của ông Lý Minh Vững (Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thới Bình), hiện là Chủ tịch UBND huyện Thới Bình. Ngày 3-7-2007, UBND huyện Thới Bình đã cấp GCNQSDĐ cho ông Huỳnh Văn Chiến 2.290m đất sử dụng riêng. Thế nhưng mãi đến ngày 5-10-2007, ông Chiến mới có đơn xin cấp GCNQSDĐ (?!).
Trả lời khiếu nại của bà Liên về sự việc trên, ngày 14-4-2022, UBND huyện Thới Bình có công văn số 1047/UBND với nội dung cho rằng: Việc cấp đất cho ông Huỳnh Văn Chiến là đúng trình tự, thủ tục tại thời điểm cấp GCNQSDĐ. Việc khiếu nại ông Chiến giả mạo chữ ký của người thân tộc, tứ cận để làm giấy tờ nhằm chiếm đoạt tài sản của bà Liên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND huyện Thới Bình.
Ngày 5-7, trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, ông Lý Minh Vững (Chủ tịch UBND huyện Thới Bình) cho biết: Thời điểm đó quy trình cấp GCNQSDĐ là đúng theo quy định, bởi qua kiểm tra thành phần hồ sơ thì đầy đủ. Tuy nhiên, đối với tờ trình cấp GCNQSDĐ có sai sót do nhập liệu. Việc Phó chủ tịch UBND huyện có công văn trả lời việc bà Hoàng Thị Bích Duyên (con bà Liên) cho rằng ông Chiến giả mạo chữ ký, giấy tờ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND huyện bởi vì vấn đề này thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra.
“Trước khi có văn bản trả lời vụ việc cho bà Duyên thì UBND huyện không có văn bản xin cấp GCNQSDĐ của bà Liên gửi cho UBND TT.Thới Bình. Khi đó ông Chiến có đơn ngăn chặn. Đơn này đã được ấp xác nhận thì cho thấy đã có xảy ra tranh chấp. Việc đang tranh chấp mà cấp giấy là không đúng quy định. Do đó, UBND huyện sẽ ra quyết định thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho ông Chiến”, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho hay.