Bị hành hung thương tích 59%, vì sao chưa xét xử?

Thứ Tư, 06/07/2022 13:41  | An Hoà

|

(CATP) Đó là trường hợp của ông P.T.S (SN 1958, ngụ P.Bình An, TP.Thủ Đức). Ông S. là bị hại trong vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 103/2021 của Tòa án nhân dân quận 8. Bị cáo trong vụ án là Nguyễn Minh Thạch (SN 1971, ngụ Long An) bị truy tố về tội "Cố ý gây thương tích". Thẩm phán (TP) Nguyễn Thị Phúc là người thụ lý giải quyết vụ án.

Theo đơn gửi đến Báo Công an TPHCM, trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, TP Phúc đã có vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của đương sự S.

Từ khi Tòa án nhân quận 8 thụ lý vụ án từ ngày 31-5-2021 tới nay, TP Phúc chưa từng tống đạt cho ông S. bất cứ thông báo hay giấy triệu tập nào liên quan đến việc giải quyết vụ án mà chỉ thông báo qua điện thoại.

Gần một năm trôi qua, TP Phúc mới đưa vụ án ra xét xử nhưng cũng không tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử cho đương sự mà chỉ thông báo cho luật sư của ông S. Đến ngày xét xử 28-4-2022 vừa qua, TP Phúc lại hoãn phiên tòa mà không có lý do, không thông báo, cũng không ấn định lại ngày đưa vụ án ra xét xử.

Nhiều lần TP Phúc gọi điện, đề nghị bị hại S. làm đơn bãi nại cho bị cáo Thạch. TP cũng nhiều lần yêu cầu ông S. phải giám định lại thương tật trong khi đã có giám định tại kết luận điều tra số 274/2021 của Công an quận 8 và cáo trạng số 120/2021 của Viện Kiểm sát đồng cấp.

Ông S. kí đơn khiếu nại lần 2

Ông S. bức xúc: "Tôi bị bị cáo Thạch gây thương tích 59%, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, không thể hồi phục, bị cáo hành hung tôi, khiến gia đình tôi tan nát nhưng bị cáo không những không ăn năn hối cải, không bồi thường cho tôi, còn thách thức đe dọa tôi nhiều lần.

Tôi vô cùng bức xúc về hành vi và thái độ của bị cáo Thạch, càng bức xúc hơn về những hành vi và quyết định của TP Phúc. TP Phúc lại nhiều lần gây khó khăn cho tôi, kéo dài không giải quyết vụ án, để cho bị cáo Thạch nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật".

Ngày 05-5-2022, ông S. đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét nhưng đến hiện tại vụ án của ông vẫn chưa được giải quyết. Đầu tháng 7, ông S. tiếp tục làm đơn khiếu nại khẩn cấp (lần 2) gửi đến Ban Nội chính Thành ủy, Chánh án TAND TPHCM, Viện trưởng Viện Kiểm sát TPHCM...

Để thông tin khách quan, chúng tôi đã trao đổi với TP Phúc (người bị đương sự tố cáo). TP Phúc cho biết, đã có giải trình lên lãnh đạo TAND Q.8. Vụ án bị chậm xét xử gần cả năm thì TP Phúc lí giải do dịch bệnh mất hết 5 tháng vào năm ngoái, LS của ông S. có đề nghị với thư kí của TP, có đơn hoãn của bị cáo Thạch và bị cáo này hai lần bị Covid-19. Dự kiến cuối tháng 7 này, phiên tòa sẽ xét xử lại. TP Phúc nói rằng mình không khuyên ông S. làm đơn bãi nại cho bị cáo Thạch, khẳng định vụ việc không có tiêu cực.

Sáng 02-7, PV đã liên hệ qua điện thoại với Chánh án TAND Q.8 Nguyễn Văn Thanh để đề nghị được làm việc về vụ án "chậm trễ" này. Tuy nhiên, ông Thanh không nghe máy.

Vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử

Luật sư Nguyễn Thế Hào (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định, căn cứ theo Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vụ án nói trên đã vi phạm về thời hạn xét xử. Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 2 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 3 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định: Đưa vụ án ra xét xử; Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.

Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng: Không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; Không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng...

Bình luận (0)

Lên đầu trang