Theo cáo trạng của VKSND, các bị cáo đã lợi dụng mạng xã hội, Facebook, các kênh Youtube nhằm thu hút lượt người xem, xin tài trợ từ thiện, kiếm tiền bất chấp từ vi phạm pháp luật, đưa tin sai sự thật, báng bổ tôn giáo, xúc phạm uy tín cá nhân, tổ chức và cả... cơ quan báo chí.
Bịa đặt trắng trợn
Cáo trạng thể hiện, Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi), Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) và Cao Thị Cúc (62 tuổi) cùng bị truy tố tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo Khoản 2, Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trong nội dung đoạn video, clip mang tên "Phim hài chiếu rạp mùa dịch 2021: Vùng đất huyền bí - 5 chú tiểu Thách thức danh hài", đăng lên mạng xã hội ngày 22-8-2021, thời lượng 1 giờ 18 phút 21 giây với gần 1 triệu lượt xem. Qua điều tra, Cơ quan An ninh điều tra phát hiện có đoạn: "Ủa ngài, ngài đây là báo gì vậy? Haizz Ba cái báo nói láo ăn tiền, hại người ta, hơi đâu mà đọc...". Qua công tác giám định tư pháp về văn hóa, Sở VHTT tỉnh Long An kết luận: các đoạn trong video, clip và bài viết trên mạng xã hội Facebook được yêu cầu giám định có nội dung xúc phạm uy tín cơ quan báo chí.
Kiểm tra nội dung đoạn video, clip mang tên "5 chú tiểu - phần 2, Người lớn mừng tuổi thầy "Ông Nội" ngày mùng một tết...!" với thời lượng 18 phút 41 giây, đăng trên Youtube ngày 2-7-2019 thu hút 452.313 lượt xem và 1.500 lượt bình luận. Trong đó Lê Tùng Vân mặc áo màu vàng ngồi trước bàn thờ và lư hương để Cao Thị Cúc và bị can Lê Thu Vân (đang bỏ trốn) quỳ lạy và xưng danh là "Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu Ni Phật. Kính lạy Đức thầy bổn sư giáo chủ, giải thoát hiện sinh, truyền đạo, hồng hạc vân du".
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Long An đã giao cho VKSND H.Đức Hòa giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử vụ án "Thiền am bên bờ vũ trụ”, các bị cáo mạo danh Đức Phật, xúc phạm Phật giáo. Không những xúc phạm tôn giáo, các bị cáo và bị can còn mạo danh nơi đây "Thiền am bên bờ vũ trụ” là Thiền viện.
Các bị cáo tại tòa
Ngay tại bài viết đăng trên mạng xã hội Facebook mang tên "Phật Di Lặc hạ thế", ngày 14-11-2021, Facebook Nhị Nguyên (bị cáo Nhị Nguyên) có 958 lượt vào bình luận và 107 lượt chia sẻ. Hay Facebook 5 chú tiểu - Thiền am bên bờ vũ trụ có 869 lượt bình luận và 35 lượt chia sẻ, mang nội dung bịa đặt. Đó là việc bịa ra chuyện "Hoa Ưu Đàm nở ở Thiền am bên bờ vũ trụ, đặc biệt là ở Thiền am bên bờ vũ trụ, Hoa Ưu Đàm đã nở trên 1 cây nghìn năm, là nơi hoa Ưu Đàm mọc nhiều nhất từ trước đến nay"...
Sự thật cần làm sáng tỏ
Ngay từ khi Lê Tùng Vân cùng đồng phạm trước đây sinh sống tại TPHCM và "dựng lên" nơi nuôi dạy trẻ mồ côi trái phép, cũng như rất nhiều phản ánh, tố cáo xung quanh nơi "có vấn đề” của ông Lê Tùng Vân. Khi cơ quan chức năng tại TPHCM vào cuộc, dư luận đã lùm xùm nhiều chuyện "trái luân thường đạo lý” xảy ta tại cơ sở của Lê Tùng Vân ở TPHCM. Từ đó, cơ sở trái phép này di dời về hộ Cao Thị Cúc, cũng là đối tượng trong vụ án tại H.Đức Hòa, tỉnh Long An.
Xuất phát từ việc nở rộ mạng xã hội, nhiều người tham gia, trong khi đó ban đầu lập cơ sở trái phép, mạo danh là "chùa" nhưng thực chất bên trong cái gọi ban đầu là "Tịnh thất Bồng Lai" sau đó Lê Tùng Vân đổi thành "Thiền am bên bờ vũ trụ”, cũng xảy ra không biết bao nhiêu là tai tiếng. Từ việc 5 chú tiểu tham gia nhiều vòng "Thách thức danh hài" có chút tiếng tăm, lòng thương hại của khán giả bị đánh cắp một khi 5 chú tiểu tự giới thiệu là tu tại "chùa" và được cưu mang dạy dỗ vì đều là trẻ em mồ côi.
Lê Tùng Vân đi ôtô đến tòa vào sáng 30-6
Cho đến sau này, theo chỉ đạo của Lê Tùng Vân lập thành những kênh Youtube nhằm thu hút người xem trong và ngoài nước cũng mang tên "5 chú tiểu - Thách thức danh hài". Cả việc các "sư thầy" Nhị Nguyên, Nhất Nguyên đi tham gia thi hát nhạc trữ tình, cũng giới thiệu là "tu tại chùa" cho đến khi sự việc phơi bày bởi chính Giáo hội Hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Long An tố cáo "Tịnh thất Bồng Lai - Thiền am bên bờ vũ trụ” không phải là chùa.
"Thiền am bên bờ vũ trụ” do Lê Tùng Vân chỉ đạo làm các video, clip dàn dựng, cắt cúp, lồng ghép, bịa đặt, xuyên tạc sự thật, báng bổ tôn giáo, xúc phạm nhiều tổ chức, cá nhân... cũng để câu view, câu like mà cuối cùng vẫn là kêu gọi từ thiện, lòng hảo tâm của các mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước "rót" tiền, vật chất về cho "Thiền am bên bờ vũ trụ”.
Không những dư luận rất quan tâm việc HĐXX phiên tòa sắp tới rất cần làm rõ nguyên nhân và mục đích tại "Thiền am bên bờ vũ trụ”, mong rằng những tấm lòng vàng của các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước không bị một nhóm, một tổ chức mạo danh tôn giáo... trục lợi một cách phi pháp; cần làm rõ về huyết thống tại đây có quá nhiều lùm xùm đến như vậy? Chưa hết, HĐXX cũng cần quan tâm làm rõ đến các nguồn thu lợi có trái phép hay không, thu từ đâu của "Thiền am bên bờ vũ trụ” này?
Kiếm tiền bất chấp
Tại cáo trạng truy tố 6 bị can trong vụ án "Thiền am bên bờ vũ trụ” thể hiện nội dung mà ai xem cũng phải ngán ngẩm vì sự báng bổ tôn giáo, xúc phạm, xuyên tạc, thì ngay cả trong nội dung video, clip có tên "5 chú tiểu - Live trực tiếp - Nghi tâm chứng minh sự thật. Bịt mắt đọc làu làu 541 câu kinh tỉnh bơ”, có nội dung xúc phạm trắng trợn người khác.
Cụ thể, trong nội dung video, clip này xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Nhật Từ: "...cái ông Nhật Từ ngu như bò...". Qua tìm hiểu, "ông Nhật Từ" trong nội dung video, clip của "5 chú tiểu..." chính là ông Trần Ngọc Thảo, pháp danh Thích Nhật Từ, là Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Trụ trì Chùa Giác Ngộ tại TPHCM.
Xe đặc chủng chở các bị cáo đến tòa
Kết quả điều tra cho thấy, dưới sự chỉ đạo của Lê Tùng Vân cũng như điều hành các hình vi phạm tội mà bất chấp, vậy cuối cùng mục đích là gì? "Kiếm tiền từ việc khai thác kênh Youtube", kết luận điều tra nêu rất rõ điều này. Đó là việc Lê Tùng Vân dùng căn hộ của Cao Thị Cúc (số 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, H.Đức Hòa, tỉnh Long An) biến thành điểm tu tự phát với tên xưng là "Tịnh thất Bồng Lai" hay sau này đổi là "Thiền am bên bờ vũ trụ”. Lợi dụng hình ảnh của Phật giáo để lôi kéo nhiều đối tượng cuồng tín đến ở và sinh hoạt tôn giáo trái phép nhưng thực chất các hoạt động này là mạo danh, xuyên tạc và xúc phạm Phật giáo.
Hoạt động của các đối tượng đã gây ra nhiều bức xúc trong giới Tăng Ni, Phật tử, tín đồ Phật giáo và gây mâu thuẫn giữa các gia đình cuồng tín với số người tham gia tại căn hộ bị cáo Cao Thị Cúc, tạo hình ảnh phức tạp, gây mất ANTT tại địa phương. Các hoạt động mang tính hình thức mạo danh Phật giáo để tạo ra các video, clip đăng tải lên mạng xã hội Youtube vừa chứa đựng nội dung xuyên tạc, mạo danh, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và mang tính kích động, kích thích sự tò mò làm thu hút nhiều người xem, đăng ký, chia sẻ nhằm kiếm tiền từ việc khai thác kênh Youtube.
Dù phiên tòa tạm hoãn, song vẫn còn rất đông Youtube nán lại để tìm cơ hội tiếp cận luật sư bào chữa, trong đó muốn tiếp cận ông Lê Tùng Vân nhưng không đạt theo mục đích cá nhân. Một số người quay sang phỏng vấn trực tiếp dân địa phương về phiên tòa, đa số họ cho rằng nghe xử đến coi mấy người ở "Tịnh thất bồng lai" bị bao nhiêu năm tù về tội danh trên.
Phiên tòa dự kiến sẽ đưa ra công khai xét xử sơ thẩm vào 8 giờ 30 ngày 30-6. Tuy nhiên, chưa đến 6 giờ sáng cùng ngày một số tuyến đường rẽ vào trụ sở TAND huyện Đức Hòa đã xuất hiện nhiều thanh niên đi xe máy, ôtô dừng cách tòa án chừng 100m để quan sát. Theo cơ quan chức năng, có thể đây là nhóm YouTuber ở TPHCM xuống và một số tỉnh giáp ranh có mặt để "tác nghiệp" chuyển nhanh thông tin vụ án Lê Tùng Vân lên mạng xã hội. Nghe vụ án xét xử công khai, rất đông dân địa phương cũng tò mò đi vào khu vực này để xin vào trong chứng kiến việc xét xử nhưng bị từ chối.
Để đảm bảo ATGT, lực lượng CSGT huyện đã phân công điều tiết các phương tiện đậu đỗ đúng nơi quy định, sau đó được phép đi bộ vào trước cổng trụ sở TAND Đức Hòa, đồng thời an ninh cũng được siết chặt nhiều vòng để kiểm tra cá nhâ n đến dự, kể cả cơ quan thông tin đại chúng. Theo đó, bất cứ ai ra vào phiên tòa đều bắt buộc phải qua cửa an ninh, phóng viên chỉ được phép tác nghiệp bên trong phòng xét xử không quá 2 phút để chụp ảnh và rời ra bên ngoài để theo dõi trực tiếp qua màn ảnh rộng.
AN THƯ