Thế giới tội phạm và bí mật chôn giấu dưới lòng giếng hoang:

Kỳ 3: Nỗi đau chôn giấu trong lòng mỏ Giant

Thứ Tư, 23/08/2023 10:15

|

(CATP) 9 người chết và 1 bản án gây nhiều tranh cãi sau hàng chục năm là hậu quả của vụ 1 công nhân (CN) mỏ Giant của Canada tham gia bãi công đã cho nổ bom trong đường hầm khai thác vàng vào tháng 9/1992 để phản ứng lại với giới chủ mỏ.

Cuộc đình công căng thẳng

Ngày 23/5/1992, CN mỏ Giant (nằm gần thị trấn Yellowknife thuộc Vùng lãnh thổ liên bang Northwest) tổ chức đình công sau khi Công đoàn (CĐ) đại diện cho họ và giới chủ mỏ không thỏa thuận được việc giảm lương, siết chặt kỷ luật lao động và sa thải CN.

Mỏ Giant hoạt động từ năm 1948, tới 1990 được xếp thứ 6 trong ngành khai thác vàng ở Canada nhưng lại chưa có lãi vì khai thác đã lâu, trong khi giá vàng thế giới lao dốc từ 600 USD/ounce năm 1980 xuống còn 350 USD/ounce. Tuy nhiên, lương CN tham gia Công đoàn ở đây vẫn ở mức khá cao, trung bình 77.000 đôla Canada (CAD)/năm và nếu tính cả giờ làm thêm thì thu nhập có thể lên tới 100.000 CAD/năm. Vì vậy, chủ mỏ đã tìm cách cắt giảm lương, giảm nhân công.

Tháng 4/1992, giữa CĐ và chủ mỏ đạt được 1 thỏa ước, theo đó lương của CN sẽ thay đổi theo giá vàng. Tuy nhiên, 70% số CN mỏ - thành viên CĐ đã bác bỏ thỏa thuận này, quyết định đình công.

Diễn biến sự việc ngày một xấu hơn. Truyền đơn kêu gọi ủng hộ bãi công được rải trên xa lộ, xuất hiện những hình nộm của chủ mỏ bị treo cổ. Đáp lại, chủ mỏ ngừng hoạt động mỏ và đưa ra quyết định chưa từng có: Dùng trực thăng đưa CN tuyển từ nơi khác tới thay thế những người tham gia đình công. Đây là lần đầu tiên sau 45 năm, 1 công ty khai thác mỏ của Canada kiên quyết ngăn cản 1 cuộc đình công.

Đáp lại, những người cứng rắn nhất trong số CN đình công tấn công đội bảo vệ mỏ, lập hàng rào ngăn chặn người mới. Có 2 thợ mỏ quá khích là Al Shearing và Tim Bettger đã cho nổ những trái bom tự chế loại nhỏ phá hoại đĩa ăng-ten thu sóng vệ tinh của mỏ, phòng khí nén hệ thống thông khí hầm lò. Giới chủ mỏ thuê Công ty bảo vệ Pinkerton của Mỹ (có lịch sử 150 năm) để chống lại các vụ bãi công do CĐ tổ chức tới hỗ trợ họ. Cảnh sát Hoàng gia Canada cũng đưa đội chống nổi loạn từ Edmonton tới.

Ảnh Roger Warren xuất hiện trên bìa tạp chí

Gây án trong hầm mỏ

Vụ nổ diễn ra trong đường hầm lò vào 8 giờ 45 sáng 18/9/1992 đã làm rung chuyển khu mỏ Giant. Khối thuốc nổ chôn bên cạnh đường ray ở độ sâu 230m phát nổ đúng lúc xe goòng chở CN cũ đi làm và số mới tuyển vào. Vụ nổ làm 9 người chết không toàn thây.

Trong khi bạo lực đường phố lên tới đỉnh điểm thì trong hầm lò, các điều tra viên kiên nhẫn làm việc giữa điều kiện cực kỳ khó khăn và phải mất 13 tháng, hơn 300 người trong lực lượng điều tra mới tìm ra thủ phạm. Sau những nghi can ban đầu như Al Shearing, Tim Bettger, cảnh sát chú ý tới dấu đế bị mẻ của đôi giày lót lông hiệu Kamik cỡ 11 ở hiện trường vụ nổ, từ đó dẫn tới 1 giếng thông gió bỏ hoang, nơi cơ quan điều tra cho rằng thủ phạm đã lọt vào mỏ qua ngả đó.

Trong số ít CN đình công canh gác "chiến tuyến" vào mỏ đêm ấy có 1 người đi đôi giày Kamik cỡ 11 và đế của nó cũng bị mẻ y hệt dấu giày ở hiện trường. Đó là Roger Warren (49 tuổi, đã có vợ và 2 con), thợ mỏ kinh nghiệm với biệt danh "chiếc rìu" vì có tài phá đá. Roger bị thẩm vấn vài lần và máy phát hiện nói dối cho kết quả dứt khoát. Cuối cùng, vào tháng 10/1993, Roger tuyên bố do bất bình với việc chủ mỏ thay thế CN, anh ta đã đặt chất nổ với mục đích đe dọa. Roger dẫn cảnh sát tới hiện trường thực nghiệm lại các hành vi của mình.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, Roger đã chối bỏ lời thú tội và lặp lại tuyên bố vô tội tại phiên tòa xét xử vào tháng 9/1994. Căn cứ video quay lại hình ảnh thực nghiệm hiện trường, Đoàn bồi thẩm tuyên bố Roger Warren có tội với mức án chung thân. Tòa phúc thẩm vẫn y án đối với bị cáo này, mặc dù anh ta tiếp tục chối tội.

Hàng chục năm sau đó vẫn xuất hiện những ý kiến khác cho rằng việc điều tra dựa quá nhiều vào lời khai của bị cáo. Theo một số chuyên gia hầm mỏ có kinh nghiệm, khoảng thời gian 4 tiếng đồng hồ mà cảnh sát khẳng định là Roger đi bộ sâu dưới lòng đất, chế tạo 1 quả bom và trốn thoát là quá ít với 1 người có sức khỏe yếu như anh ta. Việc không tìm thấy dấu vết của thiết bị hẹn giờ hoặc cơ chế ngắt tại hiện trường vụ nổ khiến các chuyên gia gặp khó khăn khi điều khiển quả bom mà Roger mô tả phát nổ cũng gây nghi ngờ.

Tuy nhiên, năm 2004 trong vụ kiện của gia đình các nạn nhân đòi chủ mỏ bồi thường, Roger Warren lại tuyên bố mình là người đặt chất nổ và lặp lại điều này khi xin được ân giảm một phần mức án vào năm 2014. Năm 2019, tức 2 năm sau khi được ân xá, Roger Warren qua đời ở tuổi 75.

(Còn tiếp...)

Kỳ 2: Kết cục bi thảm trong lòng giếng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang