(CATP) Kinh doanh xếp hàng thuê là một trong những nguồn thu nhập chính của nhiều benriya - công ty dịch vụ tiện ích ở Nhật Bản. Với 8 tiếng làm việc liên tục, chỉ tranh thủ nghỉ để "nạp năng lượng" hoặc đi vệ sinh, nghề này cũng mang lại khoản thu nhập không nhỏ cho những người luôn kiên trì và nhẫn nại, nhất là những thời điểm khuyến mãi lớn, như ra mắt sản phẩm hoặc "thứ sáu đen", Noel và Tết...
Cách làm việc chuyên nghiệp
Vào những dịp này, lực lượng xếp hàng chuyên nghiệp được trả thù lao hàng ngàn đôla/tuần. Hình ảnh những dãy dài người đứng xếp hàng trước các cửa hiệu hầu hết các ngày trong tuần, gồm cả ngành hàng thực phẩm, chiếm thời lượng phát sóng không nhỏ trên các kênh truyền hình. Xuất phát từ nguồn cung, các benriya vốn nhận làm thuê bất kỳ công việc nào miễn là hợp pháp và xếp hàng thuê chính là một trong những nguồn thu nhập chính của không ít người.
Tại Công ty dịch vụ tiện ích Jimoshi thuộc hệ thống benriya có tới 1/5 công việc được thuê là xếp hàng cho khách để mua vé hòa nhạc hoặc món đồ mới ra của thương hiệu nổi tiếng nào đó (Hermes...). Đảm nhiệm việc này thường là những người từ 30 tuổi đến khoảng 50, xếp hàng khoảng 6 - 72 tiếng đồng hồ và thu về ít nhất chừng 15.000 yên, thương hiệu càng đắt đỏ thì mức phí càng cao. Trung bình nếu kết thúc quá trình làm việc khoảng 3 tiếng đồng hồ, một nhân viên bình thường sẽ được nhận khoảng 9.000 yên (tương đương gần 2 triệu VNĐ). Thậm chí để tìm thêm khách hàng, phía Jimoshi còn "khuyến mãi" khoảng 51.000 yen cho 24 tiếng xếp hàng.
Làm nghề này buộc phải có tính kiên trì, nhẫn nại, nhất là vào lúc đêm khuya, giữa mùa đông lạnh giá, mưa hoặc tuyết rơi dày, không thể bỏ cuộc dù đã phải đứng chôn chân nhiều tiếng đồng hồ, vì uy tín bản thân lẫn công ty, nhất là giữa thời buổi khó khăn: người luôn cần việc! Nhưng cũng chính vào những buổi tối lạnh lẽo ấy, bạn bè, người thân sẽ mang đến thức ăn, nước uống nóng và chiếc ô để tránh mưa cùng những chiếc túi ngủ nếu phải qua đêm trên đường.
Dãy dài người xếp hàng thuê tại một cửa hiệu ở Nhật
Công việc xếp hàng thuê đôi khi cũng "cười ra nước mắt", vất vả nhất là phải nộp đơn xin vào các trường mầm non tư thục, khi ban giám hiệu chỉ nhận đơn xin nhập học của những người đến trước. Có khi để lấy được 1 bộ hồ sơ, 1 người được thuê phải xếp hàng gần 1 tuần liên tục, chia làm 3 ca, mỗi ca 8 tiếng, mức phí vì thế cũng không thể rẻ, nhưng ban giám hiệu các trường này lại ra thông báo cấm xếp hàng, khiến công việc của đội ngũ làm thuê càng khó khăn hơn. Thấy lực lượng kiểm tra thấp thoáng từ xa, dãy xếp hàng lập tức tản ra, nấp nhanh vào những góc phố hoặc cây xanh gần đó, đợi khi số này đi rồi mới xếp hàng lại. Vì người dân Nhật đã hình thành ý thức tự giác sẵn có nên hàng ngũ lại chỉnh tề và chính xác như trước, chẳng ai tranh giành hoặc chiếm chỗ của nhau. Mọi người cũng hỗ trợ như thay phiên đi vệ sinh hoặc tranh thủ ngồi nghỉ để dùng bữa, dù có người chịu "nhịn" suốt 8 tiếng vì sợ ảnh hưởng đến công việc của bản thân.
Xếp hàng thuê để... nhận ghế dự tòa!
Do tính chất công việc nên hầu hết nhân viên của các benriya đều là nam, với danh sách chờ hàng trăm người đăng ký, chỉ được gọi khi công việc vào "mùa vụ”. Trước đây, công việc này thường do những người vô gia cư sống ở các công viên, trạm tàu điện ngầm đảm nhiệm, không phân biệt tuổi tác, giới tính, miễn kiên trì và trung thực, thù lao vì thế cũng giảm, không như lực lượng "chuyên nghiệp" tỏ ra nhạy bén, linh hoạt xử lý tình huống hơn, nhất là những thanh niên trong trang phục chỉn chu, bảnh bao cũng thu hút các thương hiệu hơn là những người "áo xống phong phanh" đi xếp hàng thuê cho khách.
Các benriya còn cung cấp cả những dịch vụ "đại lý xếp hàng", nhưng những yêu cầu này không nhiều, trong khi món hàng phải thực sự hấp dẫn. Đặc biệt nổi lên trong số này là việc xếp hàng giành chỗ ngồi trong các phiên tòa nổi tiếng. Năm 2004, một benriya đã phải đưa hơn 10 nhân viên xếp hàng nhận ghế dự khán tại Tòa án Aum Shinrikyo về phiên xét xử bị cáo Shoko Ashara, nhưng cuối cùng chỉ nhận được 2 ghế.
Thời gian xếp hàng kéo dài khiến nhiều người tranh thủ chơi game, đọc sách hoặc tán gẫu với bạn bè qua mạng. "Nhàn rỗi nhưng cũng căng thẳng không kém", một nhân viên tâm sự về công việc "chẳng đặng đừng" này!
(Còn tiếp...)
(CATP) Không chỉ nổi tiếng với công nghệ tiên tiến thuộc top đầu thế giới, Nhật Bản còn được biết đến qua những công việc "hiếm có, khó tìm" hết sức lạ lùng. Trong đó, khi nghe nhắc đến nghề "đẩy hành khách trên các toa tàu điện ngầm", không ít người tỏ ra ngạc nhiên khi đây là công việc bán thời gian ở nước này.
NGUYỄN XUÂN (theo Japantimes)