(CAO) Hôm 6-10, Reuters đưa tin các binh sĩ Trung Quốc đồn trú ở đặc khu Hong Kong đã phát đi cảnh báo những người biểu tình ở đây về hành vi chiếu tia laser vào doanh trại của họ.
Đây được xem là lần tương tác đầu tiên giữa hai bên trong suốt hơn 4 tháng qua diễn ra biểu tình rầm rộ chống chính quyền. Đơn vị đồn trú của của quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ở quận Cửu Long phát đi cảnh báo sau khi họ trở thành mục tiêu bị những người biểu tình ở đây chiếu tia laser vào các bức tường của doanh trại. PLA nói những người này có thể bị bắt.
Cuối tuần qua, các đợt biểu tình tại Hong Kong đã sớm biến thành bạo động ở một số nơi. Cảnh sát phun hơi cay giải tán đám đông, vụt dùi cui vào những phần tử quá khích trong khi một số người biểu tình ném gạch và bom xăng vào cảnh sát.
Những người biểu tình phản đối chính quyền kích hoạt luật khẩn cấp trong đó cấm họ mang mặt nạ khi biểu tình. Người nào vi phạm có thể đối mặt với bản án tối đa 1 năm tù. Đã có một trường hợp đầu tiên bị bắt vì luật mới được ban hành này.
Cảnh sát và người biểu tình tiếp tục đụng độ ở Hong Kong - Ảnh: Reuters
Trên mái doanh trại của PLA ở Cửu Long cũng treo biểu ngữ tiếng Hoa kèm tiếng Anh có nội dung: “Cảnh báo! Bạn đang phá luật, có thể bị truy tố”. Trước đó vào tháng 8, chính quyền Bắc Kinh đã chuyển hàng ngàn quân đến Hong Kong đồn trú, tuy nhiên họ cho biết đây chỉ là hoạt động thường niên.
Tình hình biểu tình ở Hong Kong những tháng qua không có dấu hiệu lắng dịu mà còn có xu hướng gia tăng hơn. Sau khi chính quyền đặc khu chính thức rút lại dự luật dẫn độ, trong đó có điều khoản cho đặc khu trưởng phê duyệt từng trường hợp nghi phạm để dẫn qua Trung Quốc đại lục xét xử, người dân tiếp tục gây áp lực cho chính quyền thực thi các yêu sách khác của họ như việc cho họ bầu cử tự do, chọn ra người đứng đầu không phải từ danh sách ứng viên được Bắc Kinh phê duyệt sẵn.
Cảnh đường phố sau cuộc biểu tình - Ảnh: Reuters
Dân Hong Kong bất mãn trước các dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc ngày càng can thiệp sâu rộng vào nền chính trị đặc thù của đặc khu dù họ được Bắc Kinh hứa tuân thủ mô hình “Một nhà nước, hai chế độ” cho đến ít nhất 50 năm sau khi được trao trả về Trung Quốc từ Anh (1997).