(CAO) Thế giới tuần qua trải qua nhiều biến động. Câu chuyện đảng Dân chủ tiếp tục thúc đẩy quá trình luận tội tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hạ viện cho thấy chính trường Mỹ hiện nay đang hỗn loạn và đấu đá chính trị đến cỡ nào.
Qua vụ việc cho thấy, Ukraine là nước "khổ" nhất khi đứng cửa giữa, chịu sự tác động của các ông lớn. Trong khi đó tại Châu Á, biểu tình tiếp tục lan rộng tại Hong Kong khi chính quyền kích hoạt luật khẩn cấp, trong đó cấm hành vi mang mặt nạ khi biểu tình.
Trung Quốc vừa kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh (1-10) trong bối cảnh nước này đang vướng vào cuộc chiến thương mại không lối thoát với Mỹ, căng thẳng tại Hong Kong, vấn đề Đài Loan... đặt ra nhiều thách thức cho Bắc Kinh trong tình hình mới.
Tất cả những biến động đó đã lọt vào ống kính của các nhiếp ảnh gia.
Triều Tiên công bố hình ảnh vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm (SLBM) vào ngày 2-10. Triều Tiên thời gian qua liên tục thử tên lửa tầm ngắn để thị uy sức mạnh quân sự, gây áp lực lên liên minh Mỹ - Hàn trong các cuộc đàm phán hạt nhân - Ảnh: Reuters
Gương mặt giận dữ của tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông nói về cuộc điều tra luận tội nhắm vào mình của đảng Dân chủ tại Hạ viện trong buổi họp báo ngày 2-10. Đảng Dân chủ tố ông lạm quyền khi gây sức ép lên lãnh đạo Ukraine, đòi họ điều tra các cáo buộc tham nhũng nhắm vào cha con ông Biden, người có khả năng sẽ trở thành đối thủ chính trị chính của ông trong cuộc đua tranh cử tổng thống năm 2020 - Ảnh: Reuters
Vết roi đánh trên lưng của một cậu bé 14 tuổi vừa được lực lượng chức năng giải cứu khỏi một trại tập trung ở Kaduna, Nigeria ngày 28-9. Khoảng 400 cậu bé và đàn ông đã được giải cứu khỏi một ngôi trường Hồi giáo. Họ tố bị cưỡng bức lao động trong 1 đường dây, bị tra tấn và thậm chí bị xâm hại tình dục - Ảnh: Reuters
Một người đang ông ẵm một người biểu tình ngất xỉu ra khỏi hiện trường tại thủ đô Baghdad, Iraq ngày 2-10. Biểu tình chống chính phủ bùng lên thành bạo động tại các thành phố khắp nước này khiến ít nhất 20 người chết, 600 người bị thương. Họ bất mãn vì tình trạng thất nghiệp cao, dịch vụ công tồi tệ và nạn tham nhũng lan tràn. Người biểu tình lần này thậm chí còn kêu gọi "thay máu" toàn bộ chính phủ - Ảnh: Reuters
Quan tài cố tổng thống Pháp Jacques Chirac được chuyển ra bên ngoài nhà thờ Saint Sulpice, Paris để đưa tiễn hôm 30-9. Ông mất để lại nhiều tranh luận về công - tội của mình. Ông là người phản đối kịch liệt cuộc chiến Mỹ gây ra ở Iraq năm 2003, là người đã lãnh đạo nước Pháp một cách tương đối ổn định và giản dị trong đời sống thường ngày - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Canada - Justin Trudeau gặp nhà hoạt động môi trường, thiếu niên người Thuỵ Điển - Greta Thunberg hôm 27-9. Cô nói trong cuộc gặp: "Thông điệp tôi gửi đến các chính trị gia chỉ có một, đó là hãy lắng nghe và hành động dựa trên khoa học". Đáp lại thủ tướng Canada cho biết sẽ hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ môi trường, điều mà Greta cho rằng từ trước đến nay các chính trị gia hành động chưa đủ - Ảnh: Reuters
Bắc Cực Quag tuyệt đẹp tại vùng Lapland, Phần Lan ngày 27-9 - Ảnh: Reuters
Những chiếc áp phao và xác con tàu những người di dân và tị nạn dùng để vượt biển Aegea từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Hy Lạp. Ảnh chụp ngày 28-9. Đến nay có hơn 10.000 người chủ yếu đến từ các gia đình ở Afghanistan và Syria đi theo ngả này đến Châu Âu để mong cầu cuộc sống tốt đẹp hơn. Bao hiểm nguy rình rập như đắm tàu có thể cướp đi sinh mạng của họ bất kỳ lúc nào - Ảnh: Reuters
Người biểu tình tại Hong Kong đụng độ với cảnh sát ngày 1-10, ngay ngày kỷ niệm Quốc khánh của Trung Quốc. 4 tháng qua họ tiếp tục biểu tình ra yêu sách đòi bầu cử tự do, được lựa chọn lãnh đạo đặc khu trực tiếp, không thông qua danh sách do Bắc Kinh phê duyệt sẵn - Ảnh: Reuters
Màn pháo hoa kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh của Trung Quốc (1-10-1949 -1-10-2019). Trung Quốc đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là việc đang vướng vào thương chiến không hồi kết với Mỹ. Tại lễ duyệt binh mừng quốc khánh, chủ tịch Tập Cận Bình trước màn diễu binh hoành tráng, phô diễn nhiều vũ khí quân sự, đã cam kết nước này sẽ "phát triển hoà bình" - Ảnh: Reuters