Thế giới ra sao nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ - Pakistan?

Thứ Sáu, 04/10/2019 09:47  | Anh Duy

|

​(CAO) Theo một nhóm nghiên cứu đưa ra mới đây, nếu vào năm 2025 phiến quân tấn công vào trụ sở Quốc hội Ấn Độ. New Delhi đáp trả bằng cách điều xe tăng vào khu vực miền núi Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Căng thẳng tiếp tục gia tăng, Islamabad đáp trả bằng cách đáp trả lực lượng tràn qua của Ấn Độ bằng các loại vũ khí hạt nhân của mình, tạo nên cuộc xung đột chết chóc nhất trong lịch sử loài người, đồng thời gây ra thảm hoạ làm nhiệt độ toàn cầu giảm mạnh với nền nhiệt thấp chưa từng thấy kể từ Kỷ Băng Hà.

Đây là "kịch bản" được các nhà nghiên cứu đưa ra trong một tài liệu mới được phát hành hôm 2-10, trong đó chỉ ra sẽ có hơn 100 triệu người chết ngay lập tức đi kèm với thảm hoạ toàn cầu từ làn khói kèm phóng xạ dày phát ra sau các vụ tấn công hạt nhân đáp trả lẫn nhau giữa Ấn Độ và Pakistan, tràn lên bầu khí quyển ngăn ánh sáng Mặt trời chiếu xuống Trái đất hơn 1 thập kỷ.

Các nhà khoa học đưa ra "kịch bản" này khi những tháng gần đây, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan lên đến đỉnh điểm sau vụ Ấn Độ điều quân, thiết quân luật ở khu vực Kashmir gây ra phản ứng từ Pakistan, đồng thời hai nước nhanh chóng phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình.

Mỗi nước hiện nay đang có khoảng 150 đầu đạn hạt nhân và con số này dự báo sẽ còn tăng lên đến hơn 200 đầu đạn vào năm 2025.

Xung đột biên giới Ấn Độ - Pakistan hồi tháng 2-2019 - Ảnh: AFP

AFP dẫn lời Alan Robock – Giáo sư nghiên cứu về ngành Khoa học môi trường, đồng tác giả của tài liệu nghiên cứu trên, nhận định: “Thật không may là vào thời điểm này, Ấn Độ và Pakistan vẫn còn đang trong vòng xung đột vì vấn đề Kashmir, và mỗi tháng bạn có thể đọc được các bản tin về những người thiệt mạng dọc đường biên giới giữa hai nước này”.

Hiện nay, Ấn Độ cho biết mình vẫn tuân thủ chính sách “không tấn công trước” trong việc sử dụng kho vũ khí hạt nhân, tức khi nào họ bị đối thủ tấn công phủ đầu bằng loại vũ khí này, họ mới đáp trả bằng vũ khí hạt nhân tương ứng. Tuy nhiên ai biết được vì chỉ một tính toán sai lầm, hai nước có thể đưa nhau đến cuộc chiến huỷ diệt trên diện rộng gây ảnh hưởng đến môi trường toàn cầu.

Tài liệu nghiên cứu trên cũng chỉ ra: “Ấn Độ sẽ thiệt hại nhiều gấp 2 đến 3 lần Pakistan về người và của nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân bởi vì theo kịch bản giả định, Pakistan sẽ dùng số vũ khí nhiều hơn để đáp trả, và vì Ấn Độ có dân số lớn hơn nhiều và nhiều thành phố đông dân hơn Pakistan nên thiệt hại sẽ lớn hơn”.

Khu vực Kashmir nơi xảy ra xung đột tranh chấp giữa hai nước - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, đó chưa phải là điểm dừng. Nghiên cứu từ kịch bản giả định của các nhà khoa học cho thấy các vụ nổ hạt nhân sẽ tạo ra những đám cháy phóng thích từ 16 đến 35 triệu tấn carbon vào tầng đối lưu của khí quyển. Số khói chứa khí độc hại này sẽ lan ra lớp khí quyển toàn cầu chỉ trong vòng vài tuần.

Làn khói đen sẽ khiến ánh sáng Mặt trời khó tiếp cận mặt đất. Lượng ánh sáng sẽ giảm đi chỉ còn từ 20 đến 35% so với thông thường kiến nhiệt độ giảm mạnh từ 2 đến 5 độ C và làm giảm lượng mưa từ 10 đến 30%.

Điều này làm xáo trộn chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, khiến mùa màng thất thu, gây ra tình trạng thiếu lương thực có thể kéo dài đến hơn thập kỷ.

AFP dẫn lời Robock nhận định: “Tôi hy vọng tài liệu nghiên cứu này giúp mọi người nhận ra rằng chúng ta không thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng chính là thứ vũ khí diệt chủng trên diện rộng”.

Ấn Độ thiết quân luật ở Kashmir làm gia tăng căng thẳng với Pakistan
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang