Ngày này năm xưa: Đức Quốc xã đầu hàng vô điều kiện

Thứ Hai, 07/05/2018 10:08  | Quốc Bảo

|

(CAO) Vào ngày 7-5-1945, Đức đã ký biên bản sơ bộ, đầu hàng vô điều kiện tại trụ sở quân Đồng Minh ở Reims (Pháp).

Hôm sau, ngày 8-5-1945, các đại diện quân Đồng Minh và đại diện quân đội Đức chính thức ký biên bản đầu hàng, đặt dấu chấm kết thúc cho cuộc xung đột tại châu Âu trong Thế chiến II.

Dưới sự lãnh đạo của Adolf Hitler, Đức đã phát động cuộc chiến khi bất ngờ tấn công Ba Lan vào tháng 9-1939, mở đầu cho chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đến mùa hè 1940, Đức Quốc xã đã kiểm soát phần lớn các nước ở châu Âu trong đó có Pháp và mục tiêu tiếp theo trong cuộc chinh phục chính là Anh.

Tướng Alfred Jodl của Đức Quốc xã kí văn bản đầu hàng sơ bộ.

Tuy nhiên, nước Anh đã không bị khuất phục trước các cuộc tấn công của Đức. Cục diện của trận chiến bắt đầu thay đổi vào năm 1941, Đức phá vỡ hiệp ước không tấn công và ra lệnh xâm lược Liên Xô. Tiếp theo đó, đồng minh của Đức là Nhật Bản cũng đã phạm sai lầm khi tiến hành tấn công Trân Châu Cảng, hành động này của Nhật đã khiến Mỹ quyết định chính thức tham gia vào Thế chiến II.

Năm 1943, Liên Xô phản công đẩy lùi quân Đức trở về nước. Bên cạnh đó, quân đội Đồng Minh cũng tiến hành đổ bộ lên bãi biển vùng Normandy ở nước Pháp và bắt đầu tiến quân về nước Đức. Mùa xuân năm 1945, Liên Xô và quân đội các nước Đồng Minh tiến gần đến thủ đô Berlin, báo hiệu ngày tàn của Đức Quốc xã đang đến gần. Biết không thể lật ngược thế cờ, Hitler đã quyết định tự sát.

Tổng tư lệnh Wilhelm Keitel kí văn bản đầu hàng vô điều kiện.

Vào ngày 2-5-1945, Liên Xô tấn công vào Berlin, hãng tin AP đã viết: “Berlin đã chính thức thất thủ trước quân đội Nga, 70.000 quân Đức đã buông vũ khí đầu hàng, điều mà trước đây Adolf Hitler đã nói là sẽ không bao giờ diễn ra”.

Thất thủ ở Berlin và các nơi khác, Tổng tư lệnh Wilhelm Keitel và các quan chức khác của Đức đã phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện, đặt dấu chấm hết cho Đức Quốc xã.

Đức ký văn bản đầu hàng vô điều kiện:

Bình luận (0)

Lên đầu trang