Mỹ cảnh báo ‘hậu quả’ khi Trung Quốc đưa tên lửa hành trình ra Trường Sa

Thứ Sáu, 04/05/2018 11:30  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 3-5 (giờ địa phương), Nhà Trắng đã phát đi thông cáo cảnh báo những “hậu quả” của hành động quân sự hoá trên Biển Đông mà chính quyền Bắc Kinh đang ráo riết tiến hành.

Thư ký báo chí Nhà Trắng - Sarah Huckabee Sanders đưa ra cảnh báo sau khi nhận được báo cáo của đài CNBC đăng tải thông tin Trung Quốc đã âm thầm lắp đặt hệ tống tên lửa phòng không tại các điểm cưỡng chiếm trái phép ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam).

Bà Sanders cho biết: “Chúng tôi nhận thức rõ tình trạng quân sự hoá trên Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành. Sẽ có những hậu quả ngắn hạn và dài hạn xảy ra cho hành động này".

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ - Dana White chỉ trích: “Mỹ rất quan ngại về hoạt động quân sự hoá ở các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Trung Quốc nên nhận thức được rằng họ cũng được hưởng lợi từ tự do hàng hải trên biển và Hải quân Mỹ sẽ bảo vệ cho quyền tự do này”.

Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc được cho đã thiết đặt hệ thống tên lửa trái phép - Ảnh: AFP

Nguồn tin tình báo được đài CNBC phân tích hôm 2-5 cho thấy Trung Quốc đã âm thầm lắp đặt tên lửa chống hạm và đất đối không ở quần đảo Trường Sa. Theo đó, các địa điểm thiết đặt tên lửa gồm các đá Chữ Thập, Subi, Vành Khăn mà Bắc Kinh cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam.

CNBC dẫn lời Harry Kazianis – Giám đốc nghiên cứu quốc phòng ở Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ nhận định: “Vấn đề nan giải nhất là Bắc Kinh có thể triển khai nhiều tên lửa hơn ở khu vực này, vượt khả năng tên lửa của Hải quân Mỹ có thể đánh trả”.

Trung Quốc đưa tên lửa hành trình tới Trường Sa?

Theo Japan Times hôm thứ năm 3-5-2018, các nguồn tin tình báo Mỹ được CNBC trích dẫn trong báo cáo tuần này cho biết, trong vòng 1 tháng qua, Trung Quốc (TQ) đã bí mật lắp đặt các hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B trên 3 đảo nhân tạo mà họ xây dựng trái phép trên Biển Đông, gồm đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép (ảnh chụp ngày 21-4-2017)

Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên Bắc Kinh triển khai tên lửa tới các đảo nhân tạo phi pháp này. Việc lắp đặt các loại vũ khí phòng thủ, nếu đúng như thế, xảy ra ngay sau khi TQ triển khai thiết bị  quân sự gây nhiễu sóng trên Biển Đông, nhằm làm gián đoạn hệ thống radar và thông tin liên lạc. Dù được Reuters yêu cầu bình luận nhưng Bộ Quốc phòng TQ chưa đưa ra phản hồi nào.

Lầu Năm Góc vốn phản đối việc TQ bố trí hàng loạt cơ sở quân sự tại các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng phi pháp trên Biển Đông, cũng từ chối cho biết ý kiến và người phát ngôn tuyên bố: “Chúng tôi không bình luận những vấn đề tình báo”.

Theo CNBC, tên lửa YJ-12B đặt trên đất liền cho phép TQ tấn công các tàu nổi trên mặt biển trong phạm vi 295 hải lý (545km), trong khi tên lửa HQ-9B có khả năng nhằm vào máy bay, máy bay không người lái và tên lửa hành trình với tầm bắn được cho là khoảng 160 hải lý (300km).

Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy TQ cũng đã đưa tên lửa đất đối không HQ-9B tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm giữ trái phép từ năm 1974. Japan Times dẫn lời Bonnie Glaser - chuyên gia về TQ tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington - cho hay: “Các hoạt động của TQ ở quần đảo Hoàng Sa rõ ràng là thiết kế chi tiết cho những mưu đồ của họ tại Trường Sa”.

Bắc Kinh ngang nhiên xây dựng hàng loạt cơ sở quân sự trên Biển Đông khi họ tìm cách kiểm soát hoàn toàn tuyến đường biển quan trọng này. Yêu sách của TQ trên Biển Đông bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đồng thời chồng lấn với những tuyên bố từ Malaysia, Philippines, Brunei. Trung Quốc cũng xây dựng phi pháp 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa, với 3 thực thể - đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn - được cho là đã xuất hiện các phi trường cấp quân sự, bất chấp cam kết năm 2015 của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình rằng không tiếp tục quân sự hóa những đảo nhân tạo này nữa.

Tại Bắc Kinh, Bộ Quốc phòng TQ tuyên bố một cách thiếu cơ sở pháp lý rằng, các động thái này là “quyền tự nhiên của một quốc gia có chủ quyền” và “giúp bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia”. Tuyên bố từ Bắc Kinh cũng nêu rõ các động thái này “không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào”.

Một số chuyên gia quân sự cho rằng, trong lúc toàn cầu hướng sự chú ý vào những diễn tiến trong việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên từ đầu năm ngoái, thì TQ đã nhân cơ hội này đẩy mạnh củng cố các tiền đồn tự tạo trái phép trên Biển Đông, nhằm thiết lập các căn cứ hải quân và không quân với đầy đủ chức năng.

Nhiều báo cáo cho biết, TQ đã hoàn tất hoặc xây dựng gần xong một số cấu trúc, như các tòa nhà hành chính, nhà chứa máy bay cải tiến - nơi có tên lửa, các khu vực lưu trữ ngầm trong lòng đất, cả những mảng radar và cảm biến quy mô.

Chuyên gia Glaser nhấn mạnh: “Theo tôi, người TQ biết rằng các quốc gia trong khu vực và những cường quốc bên ngoài, trong đó có Mỹ, dự đoán được những triển khai như vậy và đã xem nhẹ chúng. Họ tính toán rằng các phản ứng ở mức vừa phải và sẽ không làm suy yếu các lợi ích của nước mình. Mọi chú ý hiện đang tập trung vào Triều Tiên”.

Ông cũng phán đoán rằng, bước tiếp theo của TQ là sẽ triển khai luân phiên máy bay chiến đấu tới 3 đảo nhân tạo lớn kể trên, cũng như tổ chức các cuộc diễn tập quân sự liên quan đến số thiết bị đã được bố trí.

MINH PHƯƠNG (theo Japan Times, Reuters)

Bình luận (0)

Lên đầu trang