(CAO) Theo Guardian ngày 15-8 đưa tin, các nhà khoa học Nhật đã nghiên cứu và đưa ra kết luận việc nhiều con cá oarfish (còn được gọi là cá mái chèo) dạt vào bờ biển Nhật Bản từ đầu năm nay không liên quan gì tới việc sẽ có một trận động đất lớn.
Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Hải dương thuộc Đại học Tokai, Nhật Bản, đưa ra kết luận bằng việc "sàng lọc" hàng loạt những lần xuất hiện của loài cá này với các trận động đất sau đó nhưng rõ ràng không có bất kì "mối dây liên hệ" nào giữa hai hiện tượng tự nhiên này. Quan niệm về cá mái chèo đã có từ thời rất xa xưa ở Nhật Bản thông qua những câu chuyện dân gian từ thế kỷ 18.
Xác một con cá mái chèo có kích thước lớn từng dạt vào bờ biển
Theo số liệu thống kê cho thấy, có 363 lần xác cá mái chèo và 7 loài cá biển sâu khác bị dạt vào bở biển thì xảy ra 221 trận động đất mạnh 6 độ richter trở lên nhưng chỉ có duy nhất trận động đất vào tháng 7-2007 là diễn ra trong khoảng 30 ngày sau khi xác cá mái chèo dạt vào bờ (theo đúng quan niệm của người xưa).
Nhật Bản nằm trong khu vực có nhiều biến động về địa chất nên thường xuyên xảy ra các trận động đất. Hầu hết các công trình xây dựng ở nước này đều được thiết kế có thể chịu được những trận động đất có cường độ vừa phải. Một số chuyên gia về địa chất tiên đoán rằng, khả năng 80% trong tương lai 30 năm tới, Nhật sẽ hứng chịu một trận động đất "mạnh nhất nhì" trong lịch sử.