(CAO) Nước Đức đang đưa ra một ví dụ tiêu cực cho "tình nhân loại" khi chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2015, đã có 200 vụ tấn công, ném đá, đốt nhà, đánh đập người di tản. Hầu như mỗi ngày đều có một vụ hình sự nghiêm trọng.
Áo: 50 người chết ngạt trong xe tải
Trong khi các chính khách còn "cãi nhau" về khái niệm chính trị và hành chánh của hai từ ngữ: "Flüchtlinge" (người bỏ chạy) và "Vertriebene" (người bị đuổi); thì những người di tản, dù đã đến được Đức, được thâu nhận, vẫn ngày đêm lo sợ cho mạng sống của mình.
Bản đồ những cuộc tấn công người di tản tại Đức trong 6 tháng đầu năm 2015. Điểm đỏ đậm là những nơi bị đốt nhà, điểm màu cam, màu xanh ve và màu nâu đen là những hình thức tấn công khác
Chiến tranh với những sự đe dọa mạng sống thường trực, với những thiếu thốn đói kém bệnh tật của nó, những mất mát về sinh mạng và tài sản, những sự tàn phá vô lý vô nhân đạo… đã khiến cho nhiều người dân, cực chẳng đã, bỏ hết lại sau lưng, chạy thoát thân cho tương lai con cháu.
Một trong những con đường di tản gọi là đường Balkan phía Nam, đi từ biển Địa Trung Hải ngược lên các nước Đông Âu và Tây Âu
Con người sinh ra trong một xã hội, một nền văn hóa, như một cái cây trồng bén rễ trên mảnh đất quen thuộc ấy, chỉ khi nào, vì một động lực, một bức bách mãnh liệt thì mới xảy ra tình trạng bứt rễ mà chạy, dù trên con đường đi tìm sống đó lại có thể đưa đến cái chết thảm thương, trước khi đến được một nơi an toàn.
Một chai bom xăng được ném qua cửa sổ vào một căn hộ tư nhân của một gia đình người châu Phi gồm có một phụ nữ và ba đứa con sinh sống, tại Salzhemmendorf thuộc tiểu bang Niedersachsen, gần thủ phủ Hannover, vào đêm ngày
28-8-2015
Chỉ cần nhìn gốc tích của những người di tản, tất sẽ hiểu đất nước quê hương của họ, Syrie, Kosovo, Albanie, Serbie, Irak, Afganistan, Macedonie, Eritrea, Nigeria, Pakistan… đang là những bãi chiến trường dầu sôi lửa bỏng.
Họ muốn thoát thân khỏi địa ngục chiến tranh, nhưng họ không hề có một khái niệm rõ rệt về những xã hội khác, nơi mà họ muốn đến. Những xã hội thiên đường ấy có muốn thâu nhận họ hay không? cho phép họ sinh sống an bình hay không? Khi nạn thất nghiệp và vấn đề lương hưu đang còn tiếp tục gây khó khăn trong những xã hội "thiên đường" thì chính người dân của xã hội đó cũng sống chật vật, không thể vui.
Một ngôi nhà dùng làm nơi tạm trú cho người di tản bị đốt cháy tại Weissach im Tal thuộc tiểu bang Baden-Würtemberg
Nước Đức, từ quá trình lịch sử và đặc tính của họ, có hai thái cực thấy rõ như ngày và đêm, như sáng và tối, ngay cả trong vấn đề "người bỏ chạy" hay "người bị đuổi". Phía chống người di tản đang làm "ầm ĩ" với những cuộc đốt nhà, một điều lo sợ rợn tóc gáy vì người ta nhớ lại không khí tại Đức trước khi Đệ nhị thế chiến bắt đầu vào năm 1939.
Tại Berlin-Reinickendorf người di tản chạy ra ngoài trời nhìn cảnh sát chữa cháy, ngày
26-8-2015
Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho biết năm 2014 có gần 14 triệu người bỏ nhà cửa, quê hương đi di tản. Trong số này có khoảng 218.000 người dùng đường biển Địa Trung Hải để di tản, sự vận chuyển này đã làm thiệt mạng khoảng 3.500 nạn nhân. Trong nửa năm đầu 2015, đã có ước chừng 137.000 người tiếp tục dùng đường biển Địa Trung Hải để vào các nước châu Âu.
Khu nhà ở, nơi có hàng trăm người di tản trú ngụ tại Berlin-Reinickendorf bị châm lửa đốt
Người dân có cảm tưởng, những cái chết phơi xác trên bãi biển hay chết ngộp chảy nước trong xe tải chưa đủ để làm động lòng những chính khách.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, nước Đức đã thâu nhận 218.221 đơn xin tị nạn chính trị. Đó là hạng nhất trong quy chế chính trị của nước Đức đối với người di tản, nhưng họ phải chứng minh được là họ bị áp chế, ngược đãi vì lý do chính trị.
Ngoài ra, có những thành phần không được thâu nhận vào quy chế "tị nạn chính trị", nhưng được "nhân nhượng" cho phép ở tại Đức (gọi là qui chế Duldung).