(CAO) Hãng tin Reuters nhận định các cuộc giao chiến bằng máy bay không người lái (drone) giữa Ấn Độ và Pakistan đánh dấu cuộc chạy đua vũ trang mới “hâm nóng” tình hình căng thẳng trong khu vực.
Vào khoảng hơn 8 giờ tối 8/5, những vệt sáng màu đỏ đã xé toạc bầu trời đêm phía trên thành phố Jammu, miền bắc Ấn Độ khi hệ thống phòng không của thành phố này khai hỏa vào các máy bay không người lái (drone) từ nước láng giềng Pakistan.
Quân đội Ấn Độ và Pakistan đã triển khai các drone chiến đấu hiện đại, tên lửa thông thường và pháo binh trong nhiều thập kỷ giao tranh, nhưng bốn ngày giao tranh vào tháng 5 đánh dấu lần đầu tiên New Delhi và Islamabad sử dụng máy bay không người lái ở quy mô lớn để chống lại nhau.
Cuộc giao tranh đã dừng lại sau khi Mỹ tuyên bố đã làm trung gian cho lệnh ngừng bắn nhưng các cường quốc Nam Á đã chi hơn 96 tỷ đô la cho quốc phòng vào năm ngoái. Cả hai hiện đang bị cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang bằng drone, theo thông tin đến từ các cuộc phỏng vấn của Reuters với 15 người, bao gồm các quan chức an ninh, giám đốc điều hành ngành và các nhà phân tích ở hai nước.
Hai người trong số họ cho biết họ dự báo thời gian tới hai bên sẽ sử dụng drone nhiều hơn vì các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô nhỏ có thể tấn công các mục tiêu mà không gây nguy hiểm cho nhân sự hoặc gây ra sự leo thang không thể kiểm soát.
Ấn Độ có kế hoạch đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp địa phương và có thể chi tới 470 triệu đô la cho drone trong 12 đến 24 tháng tới, gấp khoảng ba lần so với mức trước xung đột, theo Smit Shah đến từ Liên đoàn drone Ấn Độ, đại diện cho hơn 550 công ty thường xuyên tương tác với chính phủ.
Dự báo này được đưa ra khi Ấn Độ trong tháng này đã phê duyệt khoảng 4,6 tỷ đô la tiền quỹ mua sắm quân sự khẩn cấp.

Những chiếc drone chiến đấu được trưng bày ở một triển lãm quốc phòng tại Karachi, Pakistan - Ảnh: Reuters
Theo hai quan chức Ấn Độ thạo tin với vấn đề này, quân đội Ấn Độ có kế hoạch sử dụng một số khoản tiền tài trợ bổ sung đó cho máy bay không người lái chiến đấu và giám sát.
Vishal Saxena, phó chủ tịch của công ty UAV Ấn Độ có tên ideaForge Technology chia sẻ, hiện các quan chức đang kêu gọi các nhà sản xuất drone tham gia thử nghiệm và trình diễn thiết bị này với tốc độ chưa từng có.
Trong khi đó, Không quân Pakistan đang thúc đẩy việc mua thêm drone vì họ muốn tránh mạo hiểm trong giao chiến bằng dàn máy bay quân sự cao cấp của mình.
Pakistan và Ấn Độ đều triển khai máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 tiên tiến trong các cuộc đụng độ gần đây nhất nhưng Islamabad đang thiếu tiền mặt để mua thêm khi họ chỉ có khoảng 20 máy bay chiến đấu J-10 cao cấp do Trung Quốc sản xuất so với 30 máy bay Rafale do Pháp sản xuất mà Ấn Độ có thể huy động.
Các chuyên gia nhận định Pakistan có khả năng sẽ xây dựng đội drone chiến đấu của mình bằng cách tăng cường hợp tác với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thúc đẩy năng lực nghiên cứu và sản xuất drone trong nước.

Một số loại drone chiến đấu được trưng bày tại triển lãm quốc phòng ở Pakistan - Ảnh: Reuters
Theo nguồn tin Pakistan, Islamabad đang dựa vào sự hợp tác giữa Công viên Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Quốc gia Pakistan và nhà thầu quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Baykar, đơn vị lắp ráp những chiếc drone YIHA-III tại địa phương, đồng thời nói thêm rằng một đơn vị hợp tác có thể được cấp phép sản xuất drone trong nước trong khoảng từ hai đến ba ngày.
Nhà khoa học chính trị Walter Ladwig đến từ trường King's College London cho hay Ấn Độ và Pakistan "có vẻ coi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái là một cách để gây áp lực quân sự mà không gây ra leo thang quy mô lớn ngay lập tức".
“Drone cho phép các nhà lãnh đạo thể hiện quyết tâm, đạt được hiệu quả rõ ràng và quản lý kỳ vọng trong nước — tất cả đều đạt được mà không khiến máy bay đắt tiền hoặc phi công gặp nguy hiểm" - ông nói thêm.
Nhưng những cuộc giao tranh như vậy không phải là không có rủi ro hoàn toàn và Ladwig lưu ý rằng các quốc gia cũng có thể điều drone đến để tấn công các khu vực có tranh chấp hoặc đông dân cư, nơi mà trước đây họ có thể không sử dụng những nền tảng giao chiến có người lái.