Mỹ cần cảnh giác với các căn cứ Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông

Thứ Bảy, 06/07/2019 19:06

|

​(CAO) Tranh cãi nổ ra nhiều năm nay trên khu vực Biển Đông, vùng biển rộng khoảng 1,3 triệu km2 khi từ nhiều năm qua khi Trung Quốc liên tục xây dựng các đường băng và cơ sở quân sự trên các bãi đá nước này cưỡng chiếm, xây dựng những công trình trái phép.

CNN hôm 6-7 dẫn lời các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng các cơ sở quân sự trên vùng biển này giúp Bắc Kinh tạo ra ưu thế là có được một vùng tác chiến với phạm vi rộng lớn hơn khi tiến hành các đợt không kích nếu xảy ra chiến tranh, với “đội quân” hùng hậu máy bay chiến đấu hiện diện trên các đảo nhân tạo.

CNN dẫn lời Peter Layton– một chuyên gia phân tích quân sự đến từ viện nghiên cứu Châu Á – Griffith của Úc nhận định: “Dàn máy bay ném bom tầm xa của Trung Quốc nếu được triển khai trên các đảo nhân tạo ở đây sẽ là một vấn đề lớn. Nó sẽ cho phép Bắc Kinh có khả năng tiến hành được các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhắm vào các căn cứ không quân, cảng biển ở khu vực phía bắc của nước Úc, đồng thời đặt bất kỳ máy bay ném bom hoặc tàu chở dầu nào của Không quân Mỹ vào khả năng bị đe doạ”.

Layton cũng cho rằng các căn cứ quân sự như Tindal nằm gần thành phố Darwin, phía bắc nước Úc giờ đây cần phải được phòng thủ kỹ càng chống lại “một mối đe doạ tinh vi” đang hiển hiện.

Máy bay ném bom H6-K của Trung Quốc - Ảnh: Getty

“Đó là một sự thay đổi lớn” – ông nói. “Những căn cứ cách xa như vậy từng được chúng ta nghĩ là nằm ngoài tầm tấn công của Trung Quốc”. Nhưng nay thì không.

Báo cáo từ tổ chức nghiên cứu chiến lược RAND Corp cho rằng các cuộc tập trận không quân chung giữa Mỹ và Úc giờ đây là tối cần thiết để chống lại bất kỳ hành động nào như vậy xuất phát từ Trung Quốc.

Hồi tháng 5, Không quân Úc- Mỹ với các phi công đã tiến hành một cuộc huấn luyện quân sự chung ở bang Bắc Úc.

Gia tăng phạm vi hoạt động của máy bay chiến đấu

CNN cũng dẫn lời Carl Schuster– một cựu đại uý Hải quân Mỹ, đang giảng dạy tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii (Mỹ) cho rằng các đường băng Bắc Kinh xây trên Biển Đông giúp tăng thêm phạm vi hoạt động cho những chiếc máy bay ném bom lớn nhất của Trung Quốc: H-6K lên thêm 1000 dặm.

Những chiếc máy bay này có thể được trang bị tên lửa hành trình tầm xa, giúp chúng có thể tránh khỏi tầm chiến đấu của các hệ thống phòng không trong khi vẫn nã tên lửa hiệu quả về phía các mục tiêu.

Máy bay chiến đấu Thành Đô J-10 Bắc Kinh triển khai trái phép trên đảo Phú Lâm - quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam)- Ảnh: iSi

“Bằng việc âm mưu kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc có thể phóng tầm tác chiến của mình, trên không và trên biển đến các điểm cửa ngõ đi vào khi vực Tây Thái Bình Dương như eo biển Malacca, Sundra và Lombok. Điều này cũng đồng nghĩa Trung Quốc có thể đảm bảo làm chủ tình thế ở các cửa ngõ vào ra của khu vực biển này để các lực lượng hải quân và tàu thương mại của họ có thể thông suốt hoạt động đến/từ Ấn Độ Dương qua Biển Đông, tuyến hàng hải chiếm 45% giá trị hàng hoá xuất khẩu và 60% giá trị nhập khẩu các nguyên liệu thô của Trung Quốc đi qua” - Carl Schuster nhận định.

“Ảnh hưởng của các đường băng và những cơ sở Trung Quốc xây ở đây cũng rất quan trọng, đẩy phạm vi tác chiến của họ về phía bắc (nước Úc) đồng thời mở rộng vùng đệm cho phạm vi phoàng thủ của họ về phía đông nam thêm 600 dặm. Tất cả những “đòn bẩy” này có thể được dùng để chống lại Nhật Bản và Đài Loan khi Biển Đông đang trở nên ngày càng quan trọng với nền kinh tế của những nơi này” – Schuster nhấn mạnh.

Chuỗi cung ứng quân sự

Tại Biển Đông, các cơ sở quân sự được thiết lập trên các đảo bồi đắp trái phép có thể cung cấp cho dàn tàu chiến của quân đội Trung Quốc những cảng biển an toàn để neo đậu, cho thuỷ thủ đoàn nghỉ ngơi và bổ sung các nhu yếu phẩm thiết yếu, không cần phải quay về các căn cứ ở Đại lục cách đó khá xa.

Hình ảnh đường băng Trung Quốc xây trái phép trên đá Vành Khăn - quần đảo Trường Sa (Việt Nam) - Ảnh: CNN

Giờ đây có không ít sự nghi ngờ rằng Mỹ và các nước đồng minh cùng các đối tác ở Châu Á có thể đảo ngược các lợi thế qua quá trình xây dựng hạ tầng một cách phi pháp của Trung Quốc ở những hòn đảo này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang