(CAO) Trung Quốc đã tập trận khả năng tấn công đánh trả sau khi đối phương tiến hành cuộc tấn công hạt nhân ban đầu - chỉ hai ngày trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới 2 thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải.
Hồi đầu tuần, hải quân Trung Quốc công bố đoạn phim hiếm hoi về vụ phóng tên lửa đạn đạo JL-2 từ tàu ngầm hạt nhân. Đoạn video ghi lại cảnh hạm đội tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc, bao gồm 4 tàu ngầm, trong một cuộc tập trận mô phỏng.
Gần cuối video, một tên lửa đạn đạo được phóng sau khi người thuyết minh nói rằng “tàu ngầm đã đến địa điểm phóng theo lịch trình… và được lệnh thực hiện một cuộc tấn công chí mạng”.
Mặc dù video không xác định loại tên lửa hay tàu ngầm, nhưng tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) cho biết tên lửa trong video là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-2, lần đầu tiên được trình làng trong một cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc vào năm 2019.
Với tầm bắn 7.400km (4.600 dặm), JL-2 trở thành vũ khí răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy đầu tiên của Trung Quốc khi nó được triển khai trên tàu ngầm hạt nhân Type 094A vào năm 2015.
So với tên lửa phóng từ mặt đất, SLBM thường cho phép có cơ hội sống sót cao hơn sau cuộc tấn công ban đầu của đối phương và tiến hành cuộc tấn công thứ hai.
Video ghi cảnh tên lửa JL-2 được phóng từ tàu ngầm
JL-2, nếu hoạt động ở giữa Thái Bình Dương, có thể đe dọa các mục tiêu ở nửa phía tây lục địa Hoa Kỳ, cũng như hai bang Hawaii và Alaska, đồng thời nó có thể đe dọa các mục tiêu ở bờ biển phía đông Hoa Kỳ nếu được triển khai, theo báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự của Trung Quốc công bố năm ngoái.
Đoạn video được phát hành để kỷ niệm 75 năm thành lập hải quân Trung Quốc và xuất hiện ngay trước chuyến thăm Trung Quốc của Blinken bắt đầu vào ngày 24/4. Khi đến Trung Quốc, ông sẽ gặp các quan chức cấp cao của nước này tại Thượng Hải và Bắc Kinh.
Đoạn video cho thấy cuộc tập trận mô phỏng giữa hai nhóm tàu sân bay, trong đó có nhóm do Sơn Đông, tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc dẫn đầu, được hạ thủy vào năm 2017.
Đoạn phim là xác nhận đầu tiên rằng nhóm tấn công tàu sân bay Sơn Đông bao gồm ít nhất 4 tàu ngầm, trong đó có một tàu hạt nhân.
Ba tàu ngầm đang thực hiện các nhiệm vụ "che đậy", trong đó một chiếc phóng một phương tiện không người lái dưới nước trước khi chiếc tàu ngầm hạt nhân thứ tư phóng thành công tên lửa.
Tên lửa JL-2 trong một lần trình làng vào năm 2019
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, hải quân Trung Quốc hiện vận hành 6 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN), 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 48 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel hoặc động cơ đẩy độc lập.
Đồng thời, các tàu SSBN loại 094 lớp Jin của Trung Quốc cũng có thể triển khai SLBM JL-3, điều này sẽ cho phép một trong những tàu ngầm được trang bị tên lửa này tấn công các khu vực của lục địa Hoa Kỳ từ vùng biển Trung Quốc.