(CAO) Giá dầu giảm vào đầu phiên giao dịch Châu Á sau cuộc tấn công trả đũa của Iran vào Israel cuối tuần qua.
Dầu thô Brent - chuẩn mực quan trọng cho giá dầu quốc tế - thấp hơn nhưng vẫn giao dịch ở mức gần 90 USD/thùng vào sáng 15/4.
Giá đã tăng trước dự báo về hành động của Iran, với dầu thô Brent gần đạt mức cao nhất trong 6 tháng vào tuần trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết cuộc đối đầu với Iran "vẫn chưa kết thúc".
Nhà phân tích năng lượng Vandana Hari cho biết: “Rõ ràng, thị trường dầu mỏ không thấy cần phải tính đến bất kỳ mối đe dọa nguồn cung bổ sung nào vào thời điểm này”.
Bà nói thêm, dầu thô Brent có thể giảm xuống dưới mốc 90 USD, nhưng khó có khả năng giảm giá đáng kể do các nhà giao dịch vẫn tập trung vào những rủi ro liên quan đến xung đột ở Gaza và Ukraine.
Các nhà phân tích cũng cho biết phản ứng của Israel trước cuộc tấn công sẽ là yếu tố then chốt đối với thị trường toàn cầu trong những ngày và tuần tới.
Peter McGuire từ sàn giao dịch XM.com nói với BBC: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy sự biến động tự nhiên. Nếu Israel có một động thái phản công nào đó, thì tôi nghĩ điều đó sẽ đẩy thị trường năng lượng đi lên rất nhiều”.
Một tàu chở dầu di chuyển qua eo biển
Thị trường cổ phiếu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng sụt giảm hôm 15/4 khi các nhà đầu tư cân nhắc tác động của cuộc tấn công.
Các chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông, Nikkei của Nhật Bản và Kospi ở Hàn Quốc đều thấp hơn 1% trong phiên giao dịch buổi sáng.
Iran đã phóng máy bay không người lái và tên lửa về phía Israel vào cuối tuần sau khi thề sẽ trả đũa vụ tấn công vào lãnh sự quán của nước này ở thủ đô Damascus của Syria vào ngày 1/4.
Israel không cho biết họ thực hiện vụ tấn công lãnh sự quán nhưng được cho là đứng đằng sau vụ này.
Vào cuối tuần trước, giá dầu thô Brent chạm mức 92,18 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10, trước khi giảm trở lại đóng cửa ở mức 90,45 USD.
Iran là nhà sản xuất dầu lớn thứ bảy trên thế giới, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ và là thành viên lớn thứ ba trong liên minh tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Các nhà phân tích cho rằng vấn đề then chốt đối với giá dầu trong thời gian tới là liệu việc vận chuyển qua eo biển Hormuz có bị ảnh hưởng hay không.
Eo biển này nằm giữa Oman và Iran - là tuyến đường vận chuyển quan trọng, vì khoảng 20% tổng nguồn cung dầu của thế giới đi qua eo biển này.
Các thành viên OPEC là Ả Rập Saudi, Iran, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait và Iraq gửi phần lớn dầu mà họ xuất khẩu qua eo biển.
Tuần trước, Iran đã bắt giữ một tàu thương mại có liên kết với Israel khi nó đi qua eo biển Hormuz.