Bên cạnh đó, ông còn có cách tiếp cận khác về xung đột Ukraine, đòi sáp nhập Greenland, chiếm lại kênh đào Panama, gọi Canada là tiểu bang thứ 51 của Mỹ...
Reuters nhận định trong 100 ngày đầu tiên tại nhiệm, ông Trump đã làm đảo lộn trật tự thế giới dựa trên luật lệ mà Washington đã giúp xây dựng từ đống tro tàn của Thế chiến thứ hai.
"Những gì chúng ta đang chứng kiến là sự gián đoạn lớn trong các vấn đề thế giới. Không ai chắc chắn vào thời điểm này về những gì đang xảy ra hoặc những gì sẽ xảy ra tiếp theo" - Dennis Ross, từng là nhà đàm phán Trung Đông cho các chính quyền Dân chủ và Cộng hòa nói với Reuters.
Trong 100 ngày tại nhiệm của ông Trump, một số đồng minh Châu Âu của Mỹ đang tìm cách thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của riêng họ để giảm sự phụ thuộc vào vũ khí đến từ Washington. Cuộc tranh luận đã trở nên gay gắt hơn ở Hàn Quốc về việc phát triển kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Theo các chuyên gia, tương lai của một hệ thống toàn cầu đã hình thành trong 8 thập kỷ qua chủ yếu dưới sự lãnh đạo của Mỹ đang bị đe dọa. Hệ thống này dựa trên thương mại tự do, pháp quyền và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ.
Nhưng dưới thời Trump, người luôn coi thường các tổ chức đa phương và thường nhìn nhận các vấn đề toàn cầu qua lăng kính giao dịch của một nhà phát triển bất động sản, trật tự thế giới đó đang bị lung lay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Macron trong một lần gặp mặt - Ảnh: Reuters
Khi cáo buộc các đối tác thương mại gây thiệt hại cho Mỹ trong nhiều thập kỷ, Trump đã đưa ra chính sách thuế quan toàn diện khiến thị trường tài chính chao đảo, làm suy yếu đồng đô la và gây ra cảnh báo về sự suy thoái trong sản lượng kinh tế toàn cầu và nguy cơ suy thoái gia tăng.
Trump gọi thuế quan là "thuốc" cần thiết nhưng mục tiêu của ông vẫn chưa rõ ràng ngay cả khi chính quyền của ông đang đàm phán các thỏa thuận riêng với hàng chục quốc gia.
Đồng thời, ông đã đảo ngược chính sách của Mỹ đối với cuộc chiến kéo dài ba năm của Nga ở Ukraine và tham gia vào cuộc khẩu chiến tại Phòng Bầu dục với Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelenskiy.
Việc chính quyền Trunp hạ thấp vai trò của các đồng minh Châu Âu lẫn tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), từ lâu là trụ cột trung tâm của an ninh xuyên Đại Tây Dương nhưng bị Trump và các trợ lý của ông cáo buộc là những bên “ăn bám” Hoa Kỳ đã gây ra sự bất an sâu sắc.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 2, đã bày tỏ lo ngại về mối quan hệ giữa Châu Âu và Hoa Kỳ khi cho rằng sẽ rất khó khăn nếu những người theo chủ nghĩa "Nước Mỹ trên hết" thực sự biến khẩu hiệu của họ thành "Nước Mỹ đơn độc".
Thêm một đòn giáng nữa vào hình ảnh toàn cầu của Washington, ông Trump đã sử dụng lời lẽ bành trướng mà các tổng thống hiện đại từ lâu đã tránh khi nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ "có được" Greenland, một hòn đảo bán tự trị của Đan Mạch.
Ông đã khiến Canada tức giận khi nói rằng nước này không có lý do gì để tồn tại và nên trở thành một phần của Mỹ.
Ông đã đe dọa sẽ chiếm kênh đào Panama, vốn đã được trao trả cho Panama vào năm 1999. Và ông đã đề xuất rằng Washington sẽ tiếp quản Dải Gaza bị chiến tranh tàn phá và biến vùng đất Palestine này thành một khu nghỉ dưỡng theo phong cách Riviera.
Một số nhà phân tích cho rằng Trump có thể đang tìm cách khôi phục lại một cấu trúc toàn cầu theo phong cách 'chiến tranh Lạnh', trong đó các cường quốc chia cắt các phạm vi ảnh hưởng về mặt địa lý.
Mặc dù vậy, ông vẫn chưa đưa ra thông tin chi tiết về cách Hoa Kỳ có thể giành được nhiều lãnh thổ hơn và một số chuyên gia nhận định, ông có thể đang đưa ra các lập trường cực đoan và thậm chí là thái quá như một chiêu trò mặc cả.
Chính sách của Trump đã khiến một số chính quyền trên thế giời bắt đầu hiệu chỉnh lại quyết sách của mình.
Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn bị một loạt các mức thuế trả đũa nếu các cuộc đàm phán với Mỹ thất bại.
Một số quốc gia như Đức và Pháp đang xem xét chi tiêu nhiều hơn cho quân đội của họ, điều mà Trump đã yêu cầu nhưng cũng có thể có nghĩa là họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghiệp quốc phòng của mình và mua ít vũ khí hơn từ Mỹ.

Chính sách của ông Trump khiến hệ thống thương mại toàn cầu chao đảo
Với quan hệ đang lâm vào tình trạng căng thẳng với Mỹ, Canada đang tìm cách tăng cường các mối liên kết kinh tế và an ninh với Châu Âu. Điều này diễn ra trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc gia của Canada bị chi phối bởi sự phẫn nộ của cử tri đối với các hành động của Trump; đã gây ra làn sóng dân tộc chủ nghĩa và thúc đẩy nhận thức rằng Mỹ không còn là đối tác đáng tin cậy nữa.
Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi các chính sách của Trump, bao gồm cả lời đe dọa rút quân đội Mỹ của ông. Nhưng Seoul đã tuyên bố sẽ cố gắng hợp tác với Trump và duy trì liên minh mà họ coi là quan trọng chống lại các mối đe dọa từ một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.
Nhật Bản, đồng minh của Hoa Kỳ, cũng đang trong tình trạng căng thẳng. Một quan chức chính phủ cấp cao thân cận với Thủ tướng Shigeru Ishiba cho biết, họ đã bị bất ngờ trước mức thuế quan của Trump và "hiện đang phải vật lộn để ứng phó".
Một câu hỏi quan trọng là liệu một số chính phủ có âm thầm phòng ngừa rủi ro bằng cách thắt chặt quan hệ thương mại với Trung Quốc, mục tiêu thuế quan số một của Trump hay không.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào đầu tháng 4 và Trung Quốc cho hay gần đây họ đã trao đổi quan điểm với EU về việc tăng cường hợp tác kinh tế.
Aaron David Miller, nhà ngoại giao kỳ cựu của Hoa Kỳ trong các chính quyền Cộng hòa và Dân chủ, cho rằng vẫn chưa quá muộn để Trump thay đổi hướng đi về chính sách đối ngoại, đặc biệt là nếu ông bắt đầu cảm thấy áp lực từ những người Cộng hòa khác lo lắng về rủi ro kinh tế khi họ tìm cách giữ quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới.
"Những gì đang xảy ra vẫn chưa vượt quá điểm không thể quay lại" - Miller, hiện là thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington chia sẻ. "Nhưng mức độ thiệt hại đang gây ra cho mối quan hệ của chúng ta với bạn bè và mức độ lợi ích mà kẻ thù sẽ được hưởng có lẽ là không thể tính toán được" – vị chuyên gia này nhận định với Reuters.