Dân Pháp ‘cãi nhau’ trong mùa bầu cử tổng thống

Chủ Nhật, 16/04/2017 10:16  | Bảo Tâm (Pháp)

|

(CAO) Ai bảo dân Pháp mệt mỏi, không thích những chủ đề chính trị ? Chỉ còn vài ngày nữa, người dân sẽ bước vào ngày bầu cử thứ nhất cho nhiệm kỳ tổng thống Pháp 23-4. Ngày bầu cử thứ hai sẽ rơi vào ngày 7-5. Với những quan điểm chính trị trái chiều, nhiều thành viên trong các gia đình Pháp cãi nhau trên bàn ăn để bênh vực ứng viên của mình.

Tờ Le Parisien hôm 15-4 chạy tít "Cãi nhau trong gia đình về chính trị", hiện tượng đang dần trở nên nóng bỏng từ nhiều tháng nay trong nhiều gia đình người Pháp. Báo chí – truyền hình đóng một vai trò quan trọng khi không một vụ bê bối nào được phanh phui của các ứng cử viên tổng thống mà không được dân chúng bàn tán.

Từ khả năng ở vòng 2 sự đối đầu của hai ứng viên Le Pen và Macron có thể chuyển sang Le Pen và Mélenchon làm cho tổng thống Hollande lo ngại phải vào cuộc.

Tờ Le Parisien chạy tít: Cãi nhau trong gia đình về sự kiện tranh cử tổng thống

Ông Macron (phong trào En marche) có thể bị loại ở vòng 1 vì còn quá trẻ, và vì bê bối chuyện đời tư của ông. Trong khi đó, châu Âu cũng cần có một vị tổng thống Pháp đảm đương trách nhiệm trước thế giới trong thời kỳ những xung đột nghiêm trọng đang “nóng lên” với những sự lo ngại xuất phát từ châu Á và khu vực Trung Đông.

Ông Mélenchon (cực tả) với sự biểu dương lực lượng qua các buổi mít tinh tranh cử đang có khuynh hướng thắng thế

Ông Fillon thì đang chìm trong vụ bê bối do chính ông gây ra, cú sau cùng là 2 bộ áo vest trị giá 13.000 euro được tặng, ông Fillon đã phải trả lại 2 bộ áo này, mà người tặng quà là một luật sư tên tuổi hiện đang phải ẩn náu ở Lebanon.

Bà Le Pen thì vì những tuyên bố sau cùng của bà về chủ đề Vel D'Hiv, một cuộc bắt giam tập thế những người Do Thái trong Thế chiến thứ hai mà phải lên tiếng thanh minh.

Ông Hamon thì bị nhiều chính khách đảng Xã hội của mình bỏ rơi.

Ông Dupont-Aignan được xem là ửng cử viên sáng giá nhất trong số những người "petits candidats" (nhỏ) có hy vọng hốt phiếu cử tri của ông Fillon, vì thế bị những người thân cận của ông Fillon đe dọa. Tình hình hiện tại đang căng như dây đàn.

Mỗi người trong một gia đình Pháp có một quan điểm chính trị khác biệt. Nhiều khi những cuộc tranh cãi để bênh vực hay đả kích một ứng cử viên có thế gây chia rẽ lâu dài giữa cha mẹ và, giữa con cái vợ chồng anh em bè bạn...

Khổ nỗi, thời điểm tranh cãi thường là bữa ăn trong gia đình, thời điểm mọi người đoàn tụ sau những ngày giờ làm việc căng thẳng mệt nhọc. Thay vì thư giãn và nghỉ ngơi, họ lại cãi nhau, căng thẳng đến độ đòi chia tay nhau.

Nhiều khi, hài hước, châm biếm về chính trị còn làm cho những xung đột trong gia đình trầm trọng thêm lên khi người Pháp lại là "vua" của lối nói châm biếm.

Cãi nhau về chính trị trong bữa ăn: 37% tiếp tục cãi nhau nhưng không đi đến giận dữ, 51% đổi đề tài, 8% cãi nhau cho đến khi giận dữ, 3% giận đến nỗi rời bỏ bàn ăn

Một nhà tâm lý học vừa cười vừa khuyên vì thế nên chấm dứt tức khắc mọi tranh cãi khi mọi người bắt đầu "lên giọng", và đợi vòng 2 sẽ cãi nhau !

Năm nay, nhiều tên của ứng cử viên có vần "on": Macron, Hamon. Melenchon, Marion (Marinne Le Pen), Dupont (-Aignan), Fillon..., nên dân Pháp muốn tìm một chữ châm biếm ở vần "on" không phải là khó.

Một thống kê của năm 2011 do nhà xã hội học Anne Muxel tiến hành cho biết: Có 12% dân Pháp cãi nhau về chính trị trong gia đình và 4% đã chia tay nhau vĩnh viễn hay lâu dài vì chính trị, nhất là khi có sự khác biệt tư tưởng chính kiến đến độ quá khích theo tả hay hữu.

Và sự việc cãi nhau này lan rộng ra cho đến những quan hệ họ hàng xa gần, chòm xóm, bạn bè...kéo dài từ tháng 11 năm trước, khi các đảng phái bắt đầu đề cử người ra tranh cử. Trong các mối quan hệ yêu đương thì có 80% các ông "giấu mánh" chính trị của mình một cách lâu dài, cho tới kỳ tranh cứ kế tiếp, nhưng cũng chỉ có 5% phụ nữ công nhận có những xung đột quan trọng với người mình yêu về chính trị.

Ngay cả những chủ đề "xa xôi" như cuộc chiến tranh tại Syria cũng làm phân hóa quan điểm của các thành viên trong những gia đình Pháp: người thì chống người di cư, người thì chủ trương giúp đỡ họ.

Nhiều người trẻ phải né tránh tranh cãi với gia đình mình về những chủ đề chính trị.

36% phụ nữ cho biết là "khó sống" chung với chồng có tư tưởng chính trị khuynh tả, 54% phụ nữ khó sống với chồng có tư tưởng cực hữu
11% người trẻ thay đổi hẳn quan điểm chính trị của mình, 8% thoát ra khỏi ảnh hưởng truyền thống của gia đình cha mẹ và tự cho là "trung lập", 16% có quan điểm chính trị đối lập với cha mẹ. Nhìn chung 1/3 người trẻ không có cùng ý hướng chính trị như cha mẹ mình. 

Tranh châm biếm: Người cha: Cha sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào hứa hẹn cho con "lương căn bản", con trai của ba. (Ý chỉ người con lười biếng, muốn có ăn mà không phải kiếm sống, làm việc) Người con: Con sẽ bầu cho người nào kéo dài tuổi về hưu để có hòa bình trong nhà. (Ý cho ông bố phải đi làm, ở nhà thì cằn nhằn chịu không nổi)

Những bức tường trở thành những "bãi chiến trường" của dân chúng đối với ứng cử viên hay của những ê kíp ủng hộ. Những bích chương, biểu ngữ được dán khắp nơi, bị xé, bị sơn sửa

Bình luận (0)

Lên đầu trang