Hà Nội: Từ mưa bom bão đạn đến thành phố hòa bình

Thứ Tư, 27/02/2019 12:04

|

(CAO) ​Trong bài viết nhan đề: “Cách mà Hà Nội từ nơi hứng bom chiến tranh thành nơi tổ chức thượng đỉnh lần này” đăng trên CNN ngày 27-2 đã lật lại ký ức của một nơi đã đứng lên từ mưa bom bão đạn trở thành thành phố của hoà bình.

Ngày 18-12-1972, những chiếc máy bay ném bom B-52 bắt đầu xuất kích từ căn cứ không quân Tapao ở Thái Lan và Andersen trên đảo Guam của Mỹ, với chiến dịch mà một quan chức Không quân Mỹ khi đó gọi là “chiến dịch lớn nhất trong lịch sử của Không lực Mỹ”.

Điểm đến của những chiếc B-52 này khi đó chính là Hà Nội, thủ đô của Bắc Việt. Nhiệm vụ của chúng: Đánh bom một thành phố được xem là pháo đài kiên cố nhất Thế giới lúc bấy giờ”. Nhiệm vụ đánh bom được thực hiện lặp đi lặp lại suốt 11 ngày.

Hồ Gươm - Hà Nội, nhìn từ trên cao. Ảnh: ST

Tuần này, cũng cùng thành phố đó sẽ diễn ra cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un, cho lần thứ hai giữa hai người gặp nhau.

Năm 1954, Hà Nội là nhà của 53.000 người với diện tích chỉ khoảng 152 km vuông. Ngày nay diện tích được mở rộng đến hơn 3.000 km vuông còn dân số đã vượt lên đến hơn 7 triệu người. Các toà nhà chọc trời hiện diện ở những khu ngoại ô mới vừa được mở rộng của thành phố. Các cửa hàng và nhà hàng hiện diện khắp nơi.

Một góc Hà Nội từ trên cao - Ảnh: Reuters

Sự tái thiết của thành phố từ khi kết thúc chiến tranh và từ khi Việt Nam bắt đầu chiến lược cải cách kinh tế có tên Đổi Mới, được tin là lý do chính khiến nơi đây được chọn làm địa điểm tổ chức cuộc gặp giữa Trump – Kim.

Với Washington, Việt Nam là minh chứng cho thấy sự hận thù không phải sẽ tồn tại mãi mãi. Với Bình Nhưỡng, đó là minh chứng cho thấy một hệ thống chính trị một đảng vẫn có thể quản lý nền kinh tế sôi động.

Khu trung tâm Hà Nội - Ảnh: CNN

Bà Duong Van Mai Elliott đã trải qua 4 năm sống ở Hà Nội trước khi rời thành phố cùng với gia đình năm 1954. Bà cùng gia đình mình chuyển vào Sài Gòn, nơi vài năm sau đó bà làm việc cho tổ chức RAND, hợp tác thẩm vấn các tù nhân chiến tranh.

Bà đã viết một cuốn tiểu thuyết về những gì gia đình mình đã trải qua thời mưa bom bão đạn. Cuốn tiểu thuyết có tên Cây liễu thiêng: Bốn thế hệ trong cuộc sống của một gia đình Việt, tác phẩm đã vào chung kết đề cử giải Pulitzer.

Mặc dù bà Elliott rời Hà Nội từ khi còn trẻ, bà vẫn nhớ thành phố này khi đó là một “thành phố trầm lặng, lãng mạn, rất cổ kính với đầy ắp tính lịch sử và truyền thống”.

“Vào thời điểm đó, khi người Pháp hiện diện ở Việt Nam đã gần 8 năm (tính từ năm 1945, khi Pháp quay trở lại đô hộ, Việt Nam tiến hành kháng chiến), và Hà Nội khi đó đã có một diện mạo đậm chất Pháp phủ một lớp áo văn hoá bên ngoài, bên cạnh dáng điệu của một Hà Nội cổ xưa” – bà Elliott nhớ lại.

Thành phố khi đó hầu như không ai sở hữu ô tô. Ùn tắc giao thông và ô nhiễm không có.

"Khu phố cổ khi đó là nơi có những con đường và cửa hàng nhỏ, nơi bà ngoại tôi có cửa hàng lụa. Khu phố vẫn ít nhiều còn nguyên vẹn, mặc dù đã có sự hiện diện của những tiện nghi hiện đại như vỉa hè và đường phố, nước máy và điện” – bà kể.

Xác chiếc máy bay B-52 giữa hồ Ngọc Hà (Hà Nội)  di tích của cuộc chiến năm nào - Ảnh: travelblog.org

Những yên bình sau đó qua đi, Hà Nội căng mình hứng chịu những trận bom tàn khốc nhất trong cuộc chiến với Mỹ vào cuối năm 1972, trong Chiến dịch Linebacker II, chiến dịch đánh bom đêm Giáng sinh. Mục đích là đưa Việt Nam trở lại bàn đàm phán sau khi các cuộc đàm phán bị đình trệ, và chính quyền của Tổng thống Mỹ Richard Nixon nghĩ rằng tạo ra một cú sốc và một chiến dịch kinh hoàng sẽ giúp ông đạt được mục đích.

Trong một cuộc trò chuyện vào ngày 17 tháng 12 tại Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger nói với Tổng thống Richard Nixon rằng ông nghĩ rằng người Việt Nam sẽ "bị lung lay đến tận cốt tuỷ”. Còn Nixon cho rằng: “Họ sẽ rất ngạc nhiên” vì chiến dịch. 

Đến cuối Chiến dịch Linebacker II, Không quân Mỹ đã xuất kích hơn 700 lượt máy bay ném bom B-52 và thả xuống Hà Nội 15.000 tấn vật liệu nổ. Hơn 1.300 người đã thiệt mạng ở thành phố này.

Elliott cho biết người thân của cô ở Hà Nội nói với cô rằng vụ đánh bom Giáng sinh là đáng sợ nhất đối với họ trong suốt cuộc chiến. "Các tòa nhà rung chuyển," Elliott nói. "Họ nghĩ rằng họ sẽ chết."

"Những người sống sót đã nói với tôi khi họ ra ngoài để nhìn, họ thấy xác chết nằm xung quanh", cô nói.

Bệnh viện Bạch Mai là mục tiêu trong chiến dịch đánh bom, khiến nhiều bệnh nhân và nhân viên bệnh viện thiệt mạng. Một trong những cấu trúc chính của toà nhà bệnh viện bị hư hại nặng.

Tiến sĩ Carl Bartecchi thuộc Đại học Colorado (Mỹ) đến bệnh viện này hai lần một năm trong hai hoặc ba tuần một lần để dạy sinh viên. Ông dạy ở Bạch Mai từ năm 1997, khi phần lớn diện mạo thành phố rất khác biệt so với bây giờ.

"Bạn lái xe vào thành phố, khi đó thành phố từng là những cánh đồng lúa. Bạn sẽ thấy những con trâu cùng những người làm việc ở đó" - Bartecchi nói.

"Bây giờ có rất nhiều tòa nhà mọc lên. Có những cây cầu hoàn toàn mới đi vào thành phố và trên đường đi, bạn thấy một số tòa nhà cao tầng mới”. Nhưng các khu cũ của thành phố vẫn giữ được một nét quyến rũ.

"Phố cổ, nằm ở phía bắc hồ Hoàn Kiếm, không thay đổi nhiều," ông nói. "Đó thực sự là một nơi được quy hoạch gọn gàng”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Hà Nội ngày 26-2 dự thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh: AP

Sự biến chuyển diện mạo của Hà Nội đã không bắt đầu cho đến năm 1986. Đó là khi Hà Nội ban hành chính sách cải cách thị trường để thúc đẩy nền kinh tế, được gọi với cái tên Đổi Mới.

Jonathan Stromseth, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Brookings, cho biết lựa chọn của Việt Nam khi đó để tự do hóa nền kinh tế là quyết định sống còn. Khi đó “Tăng trưởng kinh tế bế tắc và lạm phát đang ở mức rất cao”. Tác động từ chính sách Đổi Mới khiến Hà Nội biến chuyển năng động giữa những điều cũ và mới.

Trong khi đó, Nguyen Qui Duc từng là một nhà báo ở Đài phát thanh Quốc gia ở Hà Nội năm 1989 và trở lại thành phố vào năm 2006 cho rằng mặc dù còn tồn đọng những bất cập, ông nhận ra đã có những điều tốt đẹp diễn ra trong vài năm qua. Đời sống người dân được cải thiện và mọi người có thêm tiền để trang trải.

Còn bà Elliott cho biết trong mỗi chuyến quay về Hà Nội sau lần đầu tiên, thành phố trở nên ngày càng tốt hơn. Thành phố mà Trump và Kim sẽ thấy, bà nói, không phải là một trong những vết sẹo của chiến tranh. Nó rất hiện đại và thích nghi đến kỳ lạ.

Từ mưa bom bão đạn, Hà Nội nay trở thành nơi diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh: Getty

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un sẽ được xe chở trên các đường cao tốc mới dẫn vào thành phố, "băng qua cây cầu treo mới băng qua sông Hồng, vượt qua những ngôi nhà mới xây, nhà cao tầng, nhà máy, cửa hàng, nhà hàng, quán cà phê và khách sạn".

“Họ sẽ thấy một thành phố đã hồi sinh sau một cuộc chiến tàn khốc và đang phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu - một đô thị tự tin vào lời hứa của tương lai" – bà Elliott nhận định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang