Các chuyên gia quốc tế nhận định thế nào về thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2?

Thứ Ba, 26/02/2019 16:58

|

​(CAO) Khi thượng đỉnh Mỹ - Triều chuẩn bị diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-2, tờ South China Morning Post (Hong Kong) dẫn lời các chuyên gia cho rằng một thoả thuận hạt nhân đạt được tại hội nghị vẫn đang là một hy vọng.

Tờ báo dẫn lời Robert Gallucci – Trưởng nhóm đàm phán phía sau hầu hết các thoả thuận phi hạt nhân hoá toàn diện từng được ký với Triều Tiên từ trước đến nay kể lại khoảnh khắc ký Khung đồng thuận chung ngày 21-10-1994 với Triều Tiên về chương trình hạt nhân: “Chúng tôi chỉ nghĩ đây là một cơ hội và chúng tôi muốn đạt được một điều gì đó từ họ”.

Khung đồng thuận chung Mỹ - Triều về hạt nhân khi đó bao gồm các điều khoản như việc Bình Nhưỡng “đóng băng” chương trình sản xuất plutonium để đổi lại được Mỹ giúp đỡ xây dựng các lò phản ứng hạt nhân phục vụ cho mục đích dân sự cùng việc bình thường hoá với Washington.

Khung đồng thuận này vẫn tồn tại gần một thập kỷ sau đó, trước khi đổ vỡ.

Trong khi đó hiện những nhà quan sát quốc tế nhận định khá tích cực về kết quả cuộc gặp lần này.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên - Kim Jong Un tại ga Đồng Đăng sáng 26-2 - Ảnh: Reuters

Robert Carlin, một cựu phân tích gia của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhận định thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội có thể đem lại một số kết quả tích cực vì: “Triều Tiên chắc chắn muốn chúng ta (Mỹ) ở lại tham gia quá trình phi hạt nhân hoá này và họ có trách nhiệm làm việc với người Mỹ để bảo đảm rằng có điều gì đó hữu ích, thiết thực diễn ra”.

Carlin nhận định không có lý do gì khiến chúng ta không thấy được kết quả tích cực từ hội nghị lần này. “Phi hạt nhân hoá là điểm cuối của hành trình, trong khi chúng ta hiện chưa đi đến đó, chúng ta cũng chưa tiến được đến gần điểm cuối của hành trình. Câu hỏi ở đây là tiến trình đó diễn ra như thế nào. Liệu hành trình đó có đạt được kết quả trực tiếp vào cuối cuộc gặp, hay phải gặp những lần tiếp”.

Ông Kim Jong Un vẫy tay chào người dân khi từ ga Đồng Đăng về Hà Nội - Ảnh: Giang Huy/VNE

Trong khi đó ông Gallucci lại cho rằng hội nghị tại Hà Nội sẽ thành công nếu Bình Nhưỡng đồng ý phá huỷ một số cơ sở hạt nhân có sự hiện diện của các thanh sát viên trong quá trình đó và hai bên Mỹ - Triều đề ra được một kế hoạch rõ ràng cho những bước tiếp theo.

“Chuyện tiếp theo có thể xảy ra là một hội nghị thượng đỉnh khác có thể diễn ra trong sáu tháng hoặc một năm. Đó phải là một quá trình có sự tham gia của các chuyên gia khi họ cố gắng tiến lên phía trước với tất cả những đề mục phải hoàn thành” - Gallucci nhận định. 

Truyền thông quốc tế ấn tượng với không khí chào đón ông Kim Jong-un
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang