(CAO) Hôm 26-2, đài Aljazeera đưa tin ngoại trưởng Iran - Javad Zarif, một trong những quan chức chủ chốt của chính quyền nước này đã bất ngờ tuyên bố từ chức.
Ông thông báo quyết định này trên trang cá nhân Instagram. Hiện chưa rõ vì sao ông từ chức. Chỉ khi nào tổng thống Iran - Hassan Rouhani chấp thuận, ông Zarif mới chính thức được rời khỏi vị trí.
Zarif được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Iran từ tháng 8-2013, hai năm trước khi nước này đồng ý giảm quy mô chương trình làm giàu uranium của mình và cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân để đối lại việc được cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Ông cũng chứng kiến việc Iran ký thoả thuận hạt nhân P5+1 vào năm 2015 có sự tham gia của Mỹ.
Tuy nhiên những tháng gần đây, ngoại trưởng Iran vấp phải nhiều chỉ trích khi vẫn tiếp tục duy trì thoả thuận hạt nhân dù tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thoả thuận này và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào Tehran.
Hassan Abbasi, một tướng về hưu của lực lượng Vệ binh cách mạng Iran vào đầu tháng này đã chỉ trích nhiều quan chức Iran trong đó có tổng thống Rouhani và ngoại trưởng Zarif vì vẫn còn ủng hộ thoả thuận hạt nhân dù cho Mỹ đã rút khỏi.
Ngoại trưởng Iran - Javad Zarif - Ảnh: Reuters
Đài Aljazeera dẫn lời Tara Kangarlou, nghiên cứu sinh đến từ Viện nghiên cứu Đông Tây nhận định việc Zarif từ chức là một “mất mát lớn” đối với chính quyền Rouhani: “Không có Zarif, Rouhani mất đi nhân tố cải cách lớn nhất của ông ấy trên sân khấu toàn cầu”.
Còn Mehran Haghirian, một chuyên gia về Iran ở khoa Nghiên cứu Vùng Vịnh, đại học Qatar nhận định việc Zarif từ chức, nếu được Rouhani chấp thuận sẽ là “mất mát lớn không chỉ cho ngành ngoại giao của Iran mà còn cho cộng đồng quốc tế, những người đang tìm kiếm hoà bình và ổn định”.
Trong khi đó bản thân tổng thống Rouhani đang vấp phải áp lực vì năng lực điều hành khiến kinh tế lao đao, đồng tiền mất giá trong bối cảnh Mỹ áp lệnh trừng phạt và giá dầu giảm trong thời gian qua.
Chính quyền Rouhani với những nhân tố như ông Zarif được xem là “ôn hoà” khi tìm kiếm các giải pháp giải quyết xung đột thông qua các biện pháp ngoại giao.
Tuy nhiên khó khăn kinh tế cùng thái độ thù địch của Mỹ có thể đẩy quyền lực về tay các lãnh tụ tôn giáo của nước này nhiều hơn. Họ có thể theo đuổi các chính sách cứng rắn, đối đầu hơn với Mỹ và các nước như Ả Rập Saudi hay Israel khiến tình hình Trung Đông thêm bất ổn.