Quay lén trong nhà vệ sinh: Vấn nạn nhức nhối ở Hàn Quốc

Thứ Sáu, 03/08/2018 15:36

|

(CAO) Dư luận Hàn Quốc đang chú tâm vào một vấn nạn ở nước này: Hàng loạt nhà vệ sinh cũng như các phòng thay đồ bị đặt các camera quay lén. Hình ảnh “riêng tư” của chủ nhân khi ở một mình sẽ bị tung lên mạng.

Sau đây là bài viết của phóng viên Laura Biker của BBC phản ánh về thực trạng này:

Tôi có thể nhớ về lần đầu tiên tôi được nghe về các camera quay lén ở Hàn Quốc.

Khi vừa đặt chân đến Seoul, tôi chạy đến nhà vệ sinh công cộng nằm dọc bờ sông Hán trong khi đạp xe với một người bạn. “Hãy kiểm tra nó để chắc kỹ là không có camera cài bên trong” – cô ấy gọi với theo khi tôi chạy vào trong. Tôi đi vòng quanh bên trong nhà vệ sinh và cười. Nhưng rồi tôi biết bạn tôi không hề giỡn.

Nhiều người phụ nữ nói với tôi rằng việc đầu tiên mà họ làm khi vào một nhà vệ sinh ở Hàn Quốc là kiểm tra kỹ từng lỗ nhỏ trên hốc tường vì có thể camera bên trong. Bởi vì đất nước này đang nổi lên nạn camera quay lén được đặt trong những phòng thay đồ hay nhà vệ sinh.

Những camera này quay hình phụ nữ, đôi lúc là đàn ông khi họ thay đồ, đi tắm hoặc thử đồ định mua trong các cửa hàng, trong phòng tập thể hình và nhà vệ sinh hồ bơi. Các video quay lén này sau đó được đăng tải trên các trang web chuyên về phim sex.

Việc quay lén diễn ra ở nhiều nơi: từ phòng vệ sinh, phòng thay đồ đến gầm bàn - Ảnh: BBC

Các nhà hoạt động ở Seoul cảnh báo đây không chỉ là một hành động cần ngăn chặn mà phải xác định rằng đó là một dạng tội phạm dường như cũng đang lan rộng ở nhiều nước khác và sẽ rất khó để ngăn chặn.

Theo ước tính hiện có khoảng 6.000 vụ được báo cáo ở nước này mỗi năm, trong đó 80% nạn nhân bị quay lén là phụ nữ. Thậm chí con số có thể lên đến hàng trăm ngàn vụ nhưng các nạn nhân ngần ngại không tiết lộ câu chuyện của mình. Một số bị quay phim bởi những người đàn ông mà họ nghĩ là những người bạn.

Nhiều phòng vệ sinh ở Hàn Quốc bị cài camera quay lén - Ảnh: Getty 

BBC nói chuyện với một phụ nữ ẩn danh họ Kim. Cô cho biết mình bị quay lén khi camera đặt ở bên dưới gầm bàn trong một nhà hàng. Người bạn của cô gắn chiếc camera lên váy Kim. Cô phát hiện ra và giật lấy điện thoại của anh ta để tìm các cảnh quay khác đươc trữ trong đó thì phát hiện hình quay lén của mình bị những người đàn ông khác trong nhóm chat trực tuyến đem ra bình phẩm.

“Khi tôi lần đầu thấy nhóm chat (ứng dụng trò chuyện trực tuyến) trên điện thoại của anh ta, tôi đã sốc, đầu óc trống rỗng và bắt đầu khóc” – Kim kể. “Tôi báo sự việc cho cảnh sát nhưng việc công khai càng khiến tôi bị tổn thương hơn. Tôi bắt đầu nghĩ những người khác sẽ nghĩ gì về mình? Liệu nhân viên cảnh sát có nghĩ rằng do tôi mặc đồ hở hang, khiêu gợi quá không? Liệu tôi có trông rẻ rúng dù là nạn nhân?”.

Kim chia sẻ: “Ở đồn cảnh sát tôi thấy mình thật cô độc. Tôi có cảm giác như tất cả đàn ông đang nhìn mình như một miếng thịt hoặc một công cụ tình dục. Tôi cảm thấy sợ hãi. Sau đó tôi không nói với bất kỳ ai nữa. Tôi sợ gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh sẽ nhìn tôi như cách những gã đàn ông nhìn chằm chằm vào tôi”.

Người quay lén tôi không bao giờ bị trừng phạt.

Nhiều phụ nữ Hàn đang nâng cao cảnh giác. Họ kiểm tra mọi ngóc ngách trong nhà vệ sinh trước khi bước vào - Ảnh: Getty Images

Quay lén không chỉ là vấn đề của Hàn Quốc

Hàn Quốc hiện là một trong những nước tiên tiến về công nghệ và là một trong những quốc gia có kết nối kỹ thuật số tốt nhất thế giới. 90% người lớn có điện thoại thông minh và 93% người dân tiếp cận Internet.

Nhưng mặt khác, sự phát triển của công nghệ khiến khó xác định được tội phạm cũng như khó để “bắt tận tay, day tận mặt” tội phạm quay lén.

Park Soo-yeon – Người sáng lập nhóm Digital Sex Crime Out (Tội phạm Kỹ thuật số) cho biết đang tiến hành các chiến dịch vận động triệt phá những trang web được gọi với cái tên Soranet.

Những trang web Soranet có hơn 1 triệu người dùng, lưu trữ hàng ngàn video được quay và chia sẻ mà không có sự đồng ý hay biết đến của những người được quay. Nhiều trang web trong đó đăng các đoạn video được quay bằng camera quay lén được đặt bí mật trong các nhà vệ sinh hoặc phòng thay đồ ở các cửa hàng.

Park Gwang-Mi đã có 2 năm thị sát 1.500 nhà tắm ở khu vực Yongsan, Seoul. BBC theo chân cô dò tìm từng lỗ nhỏ trên tường nơi camera có thể được gắn vào. Mi chia sẻ: “Giờ tôi biết rằng khó mà bắt quả tang. Một người có thể lắp camera và lấy nó đi chỉ trong vòng 15 phút”.

Hình ảnh, video quay lén bị tung lên các trang web phát tán đến hàng triệu người - Ảnh: Getty

Những vụ bắt giữ đã được thực hiện. 6.465 vụ trong năm 2017, trong đó 5.437 người bị bắt. Tuy nhiên chỉ có 119 người quay lén bị ngồi tù, chiếm 2% số người bị bắt.

Nhiều phụ nữ cảm thấy công lý không được thực thi đã tiến hành các vụ biểu tình rầm rộ ở trung tâm Seoul để nâng cao ý thức cảnh giác của cộng đồng. Tuy nhiên việc triệt hạ các trang web đăng tải video dạng này rất khó, vì theo Park Mi-hye – người đứng đầu đơn vị đặc nhiệm điều tra tội phạm tình dục của cảnh sát Seoul cho biết nhiều trang web đặt máy chủ ở nước ngoài. Ngoài ra hành vi này (quay lén) bất hợp pháp ở Hàn Quốc nhưng ở một số nước lại là hợp pháp.

“Thậm chí khi chúng tôi đánh sập được 1 trang web, bọn tội phạm có thể thay đổi địa chỉ website và mở lại chúng sau đó. Khó mà diệt hết". 

Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối nạn quay lén - Ảnh: Getty

Bình luận (0)

Lên đầu trang