(CAO) Thế giới hiện ghi nhận gần 8,2 triệu ca nhiễm nCoV, trong đó số tử vong 440.578 người, khu vực Nam Mỹ hiện được xem là điểm nóng khi nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm tăng cao. Trong đó, Brazil ghi nhận tổng số ca nhiễm lên tới gần 900.000 trường hợp.
Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 2.189.675 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó có 118.522 ca tử vong. Hầu hết các bang của Mỹ đều đã tiến hành nới lỏng lệnh phong tỏa ở các mức độ khác nhau. Điều đáng lo ngại là tình hình dịch bệnh ở Mỹ vẫn còn đang chuyển biến phức tạp, nhất là khi các cuộc biểu tình chống chống phân biệt chủng tộc tiếp tục lan rộng và chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại.
Bắc Kinh hiện là "điểm nóng" về dịch nCoV tại Trung Quốc - Ảnh: Shutterstock
Vùng dịch lớn thứ hai thế giới Brazil, với ghi nhận tới 23.674 trường hợp nhiễm mới chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ. Giới chức y tế nước này cho rằng con số nhiễm thực tế có thể cao hơn nhiều vì điều kiện xét nghiệm nước này còn hạn chế. Trong khi người dân sống ở các khu vực nghèo thường không được tiếp cận với dịch vụ y tế cộng đồng. Người đứng đầu nước này, Tổng thống Jair Bolsonaro liên tục kêu gọi dỡ các biện pháp phong tỏa vì cho rằng nó gây thiệt hại cho nền kinh tế còn hơn cả dịch cúm.
Các quốc gia Nam Mỹ khác đang trong tình trạng đáng lo ngại là Peru (với gần 230.000 trường hợp nhiễm) và Mexico (với gần 147.000 trường hợp nhiễm). Các ca nhiễm mới tại hai nước này tăng liên tục trên 3.000 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày.
Mỹ lo ngại các cuộc biểu tình đông người có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh - Ảnh: AP
Trong khi vùng dịch lớn thứ ba thế giới là Nga, ghi nhận 545.458 trường hợp nhiễm nCoV, với 7.284 người tử vong. Giới chức Nga tuyên bố đã đối phó được với dịch nCoV, bất chấp con số thống kê về trường hợp nhiễm mới đều hơn 8.000 trường hợp mỗi ngày. Số liệu phía Nga cũng gây không ít nghi ngờ vì trước đó nước này "gặp" hơn nửa số ca nhiễm mới không có triệu chứng. Nó cũng đồng nghĩa với số liệu thống kê chỉ mang tính tương đối.
Hai nước châu Âu hiện được cho là đã kiểm soát được dịch gồm Anh và Tây Ban Nha đều ghi nhận tổng số ca nhiễm trên 290.000 trường hợp. Các chuyên gia y tế cũng đưa ra đánh giá tương tự và cho rằng hai quốc gia này đã qua "đỉnh dịch".