Iran muốn gì qua màn không kích nhắm vào căn cứ có liên quân Mỹ?

Thứ Tư, 08/01/2020 16:03  | Anh Duy

|

​(CAO) Diễn biến rạng sáng nay 8-1, qua thông cáo của quân đội Iraq nêu rõ có tổng cộng 22 tên lửa đạn đạo của Iran đã được phóng đi nhắm đến 2 căn cứ quân sự ở nước này có lực lượng liên quân Mỹ dẫn đầu đồn trú.

Trong đó chỉ tính riêng căn cứ không quân Al-Asad ở tỉnh Anbar đã trúng phải 17 quả tên lửa, trong đó 2 quả không phát nổ. 5 quả còn lại nhắm vào căn cứ Erbil ở tỉnh cùng tên, toạ lạc ở miền bắc Iraq.

Quân đội Iraq thông báo không có thiệt hại sau loạt tập kích nhắm vào 2 căn cứ trên, xảy ra đối với lực lượng an ninh Iraq. Hai vụ không kích diễn ra lần lượt vào lúc 1h45 và 2h15 (giờ địa phương).

Vậy Iran muốn gì qua các đợt không kích đầy rủi ro này, có thể đẩy họ và Mỹ vào một cuộc chiến đối đầu trực diện. Có 3 lý do chính.

Vị trí 2 căn cứ ở Iraq bị Iran không kích sáng 8-1 - Ảnh: CNN

Chứng minh mình là đối thủ “khó xơi”

Iran với lực lượng quân sự hùng mạnh bậc nhất Trung Đông, với dàn tên lửa có tầm bắn vươn đến mọi lãnh thổ của các đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng như các căn cứ của Mỹ nằm rải rác khắp khu vực. Việc ra đòn bằng tên lửa là lời cảnh báo đanh thép rằng “tất cả các mục tiêu của Mỹ và đồng minh đều nằm trong tầm ngắm tên lửa của họ”.

Iran qua vụ không kích chứng minh rằng mình không “nói suông” và chịu bị bắt nạt. Họ sẵn sàng hành động để bảo vệ lợi ích của mình.

Như lời lãnh tụ tối cao Iran – đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei phát biểu sau vụ không kích, được CNN dẫn lại: “Đêm qua Iran đã tát một cú vào mặt Mỹ”. Ông nói tiếp: “Hành động quân sự kiểu này là chưa đủ. Vấn đề chính ở đây là sự hiện diện của quân Mỹ trong khu vực chính là nguồn cơn của bất ổn. Điều nay phải được chấm dứt”.

Thông qua màn không kích Iran đã gửi đi 3 thông điệp: 1/ Mình là đối thủ khó xơi với vũ khí và nhân lực mạnh mẽ, sẽ không chịu ngồi im nếu bị uy hiếp. 2/ Thị uy với Mỹ và các nước đồng minh với Mỹ như Israel và Ả Rập Saudi, đề cao tính răn đe quân sự. 3/ Muốn Mỹ cuốn gói binh lính khỏi Trung Đông.

Xoa dịu “lòng dân” đang sục sôi tinh thần dân tộc sau vụ tướng Qasem Soleimani bị giết

Vụ Mỹ ám sát tướng Soleimani, nhân vật quyền lực thứ 2 ở Iran là một cú sốc cho dân chúng nước này. Họ xem ông là anh hùng dân tộc vì đóng vai trò to lớn trong việc bành trướng tầm ảnh hưởng của Iran ra toàn khu vực thông qua các chiến dịch ở hải ngoại. Có thể kể đến như tham gia chiến sự ở Syria giúp chính quyền Assad, chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay tham gia thành lập chính quyền Iraq mới thân Iran.

Người dân Iran giơ biểu ngữ đòi trả thù cho vị tướng, gây áp lực lên chính quyền - Ảnh: Getty

Sau cái chết của ông, biển người Iran hàng triệu người đã đổ xuống khắp các ngả đường để đưa tiễn anh hùng dân tộc của mình. Lòng dân sục sôi đòi báo thù. “Chết đi nước Mỹ!”, “Chết đi Trump!”. Những tiếng hô vang đó được các hãng thông tấn quốc tế ghi lại chính là áp lực đối với dàn lãnh đạo ở Tehran. Họ không thể không hành động nếu không sẽ mất đi tính chính danh của chính quyền trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc sục sôi trong nước bài Mỹ, đòi hất cẳng quân Mỹ khỏi Trung Đông sau vụ giết tướng. 

Biển người Iran đưa tiễn tướng  Qasem Soleimani - Ảnh: Getty

Điều này thấy rõ khi Lãnh tụ tối cao Iran – Khamenei nói trước biển người reo hò cổ vũ: “Người dân Iran đã thực thi đòn phản ứng nghiền nát địch thủ!”. Đòn phản ứng đó chính là loạt “mưa tên lửa” dội xuống các căn cứ ở Iraq. Đó là hành động vừa mang ý nghĩa trả thù cho cái chết của vị tướng vừa để giải toả sức ép từ dân chúng trong nước đòi chính quyền trả thù. 

Nhưng Iran cũng muốn gửi thông điệp: Chúng tôi đáp trả một cách có chừng mực

Đến nay vẫn chưa có báo cáo thiệt hại nhân mạng nào từ đòn không kích. Trong khi quân đội Iraq xác nhận lực lượng an ninh của họ ở 2 căn cứ không có thiệt hại thì tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter sau vụ không kích rằng: “Tất cả đều ổn!”.

Như vậy Iran ngoài mặt bốc hoả với màn nã tên lửa nhưng thật chất họ cũng không muốn leo thang xung đột đến cực điểm.

Bài phân tích từ phóng viên CNN - Paton Walsh từ Beirut, Li-băng nói lên điều này: Iran biết rằng tấn công vào rạng sáng lúc các quân nhân Mỹ thường đã chìm vào giấc ngủ khiến nguy cơ thương vong thấp hơn. Ngoài ra chỉ phóng một số lượng nhỏ tên lửa vào các mục tiêu quân sự trong đêm khuya là chỉ dấu cho thấy Iran không muốn tầm diệt tất cả. Họ chừa “đường lùi” để hành động chỉ mang tính thị uy, hạn chế gây thiệt hại nhân mạng.

Tên lửa Iran xuất kích tấn công các căn cứ có liên quân Mỹ ở Iraq - Ảnh: FARS

Điều này được xác tín khi sau loạt tấn công, Ngoại trưởng Iran - Javad Zarif viết trên Twitter rằng Iran không muốn khiến căng thẳng leo thang thêm hay muốn lao đầu vào một cuộc chiến.

Ông nhấn mạnh: “Iran đã thực hiện và hoàn thành các biện pháp tự vệ tương xứng theo Điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc nhằm đáp trả những cuộc tấn công hèn hạ nhắm vào người dân và quan chức. Chúng tôi không muốn leo thang hoặc chiến tranh, nhưng sẽ tự bảo vệ mình trước mọi sự gây hấn”.

Điều này cho thấy màn tấn công trên là để trả đũa, thị uy và xoa dịu lòng dân. Iran thể hiện mình đã đáp trả Mỹ một cách có chừng mực khi không gây thương vong nhân mạng. Nhưng họ cũng không muốn căng thẳng leo thang thêm nữa. Đáp trả nhiêu đó là đã đủ! 

Iran dội
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang