(CAO) Hôm nay 13-10, tờ Phnom Penh Post đưa tin chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm 2 ngày đến Campuchia, lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức.
Động thái này diễn ra khi Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng của Campuchia như Việt Nam vì tranh chấp trên Biển Đông. Ngược lại, quan hệ Trung Quốc – Campuchia ngày càng khăng khít.
Truyền thông Campuchia đưa tin khoảng 7000 nhân viên cảnh sát, binh sĩ quân đội và quân cảnh được triển khai khắp các tuyến phố của Phnom Penh để đảm bảo an ninh cho chuyến thăm của ông Tập.
Phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Campuchia Kirth Chantharith cho biết nhân lực đảm bảo an ninh cho chuyến công du này gồm cả lực lượng hải quân và không quân. Dự kiến, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp với quốc vương Norodom Sihamoni và thủ tướng Hun Sen.
Campuchia xem trọng chuyến thăm của ông Tập trong bối cảnh quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai nước ngày càng khăng khít. Đường phố thủ đô Phnom Penh được trang hoàng với những tấm pano lồng ảnh quốc vương Sihamoni và ông Tập đặt song song nhau đặt trên khắp các tuyến đường.
Thậm chí phát ngôn viên chính quyền thành phố Phnom Penh - Mean Chanyada cho biết lực lượng chức năng cũng bố ráp những khu vực có đông gái mại dâm và những người vô gia cư cư ngụ, buộc họ “lánh mặt” trên đường phố để Phnom Penh “trông đẹp hơn” tạo ấn tượng cho phái đoàn Trung Quốc.
Đường phố Phnom Penh được trang hoàng với hình chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và quốc vương Norodom Sihamoni trước chuyến thăm của ông Tập diễn ra trong 2 ngày 13 và 14-10 - Ảnh: EPA
Tờ Phnom Penh Post dẫn lời Mean Chanyada nhấn mạnh: “Đây là chuyến thăm lịch sử đến từ một cường quốc. Thế nên, vẻ đẹp đường phố cần được cải thiện, ở cả hai bên vỉa hè, và hệ thống đèn đường cũng được chuẩn bị tốt để phục vụ chuyến viếng thăm”.
Kinh tế là vấn đề chính
Trong bài viết “Vì sao Campuchia đặt hy vọng vào chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc?” đăng trên tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 12-10, tác giả Luke Hunt cho rằng khó khăn về kinh tế vẫn đóng vai trò chủ đạo khiến Campuchia ngày càng mặn nồng trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Bài viết dẫn chứng: các vùng ngoại ô của Phnom Penh, người nông dân đang lâm vào tình thế khó khăn. Giá gạo giảm xuống còn 1/3 kể từ tháng 8 khiến những gia đình nông dân như Path Chanthorn lâm vào thảm cảnh.
SCMP dẫn lời Chanthorn cho biết: “Cuộc sống thật khó khăn. Tôi đã vay tiền ngân hàng để mua đất, hạt giống và phân bón. Sau đó (giá gạo giảm), chúng tôi đã mất đi tất cả thu nhập”.
Lũ muộn khiến nước tràn đồng gây mất mùa. Tất cả chỉ còn đặt hy vọng vào chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu vào ngày 13-10 với hy vọng Bắc Kinh sẽ tăng cường mua gạo của Campuchia.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đề nghị Trung Quốc viện trợ khẩn cấp 300 triệu USD và đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều từ 4 tỷ USD năm 2015 lên 5 tỷ USD vào năm 2017.
Chính quyền Phnom Penh cũng đề xuất Bắc Kinh mở cửa thị trường cho chuối Campuchia xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời tăng gấp đôi lượng gạo xuất khẩu của Campuchia sang nước này từ mức 200.000 tấn hiện nay. Phnom Penh cũng tăng cường vay vốn Trung Quốc để xây dựng các nhà máy xây xát lúa gạo và các kho trữ gạo quy mô lớn để phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu gạo của chính phủ.
Kinh tế Trung Quốc giảm tăng trưởng kéo theo các mặt hàng xuất khẩu của Campuchia giảm giá, áp lực bong bóng bất động sản ở Phnom Penh bị vỡ, đầu tư nước ngoài vào Campuchia giảm 43% so với cùng kỳ…là một số trong nhiều nguyên nhân gây nên áp lực cho chính quyền. Phnom Penh chọn Bắc Kinh là nguồn giúp đỡ chính trước những khó khăn nội tại.
Dự kiến có khoảng 28 thỏa thuận kinh tế được ký kết trong chuyến thăm lần này của ông Tập. Một gói viện trợ được kỳ vọng sẽ được ký kết.
Campuchia đã ngăn cản các nước Đông Nam Á khác ra tuyên bố chung trong đó đưa vào nội dung ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII – Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) hôm 12-7 đã tuyên bác yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Việc đồng thuận trong quan điểm với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông của Phnom Penh được SCMP nhận định là điều kiện để Bắc Kinh rót hàng trăm triệu USD viện trợ kinh tế cho nước này.
Chuyến thăm của ông Tập vì vậy được chào đón nồng nhiệt cũng không phải là điều gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát quốc tế.